• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sân chơi văn hóa, giáo dục cho trẻ em: Liệu có thiếu?

07/06/2018 10:00

(Cinet) - Mỗi dịp hè sang, vấn đề sân chơi lành mạnh cho thiếu nhi lại được đặt ra. Dù Hà Nội có nhiều khu vui chơi dành cho trẻ em nhưng sân chơi mang tính văn hóa – giáo dục liệu có còn “đỏ mắt” đi tìm?

(Cinet) - Mỗi dịp hè sang, vấn đề sân chơi lành mạnh cho thiếu nhi lại được đặt ra. Dù Hà Nội có nhiều khu vui chơi dành cho trẻ em nhưng sân chơi mang tính văn hóa – giáo dục liệu có còn “đỏ mắt” đi tìm?

Các bé tham gia làm diều và rước diều tại Văn Miếu

Thiếu hay không thiếu?

Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, bên cạnh các sân chơi truyền thống, các gia đình Hà Nội có nhiều lựa chọn về điểm vui chơi dành cho con em như khu vui chơi tại các trung tâm thương mại, nhà sách, các nhà văn hóa thiếu nhi…Tuy nhiên đặc điểm chung của các sân chơi này là chủ yếu ở trong nhà, các em không được tiếp xúc với thiên nhiên, các hoạt động chỉ đơn thuần thỏa mãn việc chơi thiếu đi sự tìm tòi. Các khu vui chơi tại trung tâm thương mại liệu những bậc thang đều đặn, bằng phẳng, những sản phẩm đối xứng hoàn hảo, sặc sỡ có tốt cho sự phát triển não bộ cũng như thể chất của trẻ? Tới các nhà văn hóa thiếu nhi mà đơn cử như Cung thiếu nhi Hà Nội các em có thể đăng ký học nhạc, họa, múa, võ thuật, bóng bàn, tiếng Anh… dành cho trẻ em thế nhưng sức chứa ở đây cũng có hạn. Mặt khác, loại hình này dường như đã “cũ”. Một không gian cho trẻ chơi tự do tương tác với các vật liệu tự nhiên và thỏa sức sáng tạo theo trí tưởng tượng của riêng mình nơi phố thị quả thực khó. Sân chơi bình thường đã hiếm, sân chơi văn hóa còn hiếm hơn.

Theo báo Reuters, mới đây, để thành phố trẻ hơn, Barcelona đã đầu tư thêm 24 triệu đô để cải tạo và xây mới sân chơi đồng thời chỉnh trang đô thị với tiêu chí thân thiện với trẻ em là số 1. Hay theo tờ Todaysparent cho biết, hiện nay, tại Mỹ, việc để trẻ chơi tự do, tự quản lý rủi ro đang trở thành làn sóng tươi mới thổi vào những sân chơi tiêu chuẩn, quá an toàn và thiếu đi những giá trị cốt lõi của sự chơi. Như vậy có thể thấy rằng việc tạo lập sân chơi cho trẻ em sáng tạo đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Bé tập làm thợ mộc. Ảnh: Gia Linh

Tại Việt Nam, Tháng 5 vừa qua sự kiện “Chơi sáng tạo” trong khuôn khổ sự kiện văn hóa “Làng Châu Âu” do Phái đoàn Liên minh châu Âu tổ chức đã gây ấn tượng với nhiều gia đình Việt khi con em mình có thể trở thành một “thợ mộc nhí” thực thụ. Hay chuỗi sự kiện “Sĩ tử nhí - Chắp cánh ước mơ” do Trung Tâm Khoa học Giáo dục Văn Miếu Quốc Tử Giám tổ chức vừa khai mạc cuối tuần qua chính là sân chơi văn hóa giáo dục thú vị, bổ ích cho trẻ em thủ đô dịp hè này. Bởi ở đây chơi không đơn thuần là hoạt động triệt tiêu học tập, mà chơi là một hoạt động tương tác xã hội, tương tác với thiên nhiên, giúp trẻ thêm phong phú về tâm hồn và có sự đồng cảm với nghệ thuật, thậm chí là với những truyền thống văn hóa tưởng chừng khó hấp thụ ở lứa tuổi thiếu nhi.

Nỗ lực tạo dựng sân chơi văn hóa – giáo dục cho thiếu nhi

Nguyễn Quốc Đạt – Thành viên đồng sáng lập Think playgrounds với ý tưởng tạo lập các sân chơi sáng tạo cho trẻ em cho biết, sự kiện “Chơi sáng tạo” là một trong các hoạt động mà Think playgrounds phối hợp với Viện Goethe và Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội L’Espace cùng nhau mang đến một thông điệp cho các phụ huynh và cộng đồng để mọi người hiểu thêm về ý nghĩa của việc chơi cũng như ảnh hưởng của việc chơi với việc phát triển về thể chất, tâm lý và năng lực học tập.

“Ý tưởng chơi của chúng tôi dựa trên nền tảng về việc “thế nào là sự sáng tạo?” Sự sáng tạo phải xuất phát từ nội tâm của các em. Chúng tôi chỉ cung cấp các công cụ và vật liệu cần thiết để các em sáng tạo. Bố mẹ và chúng tôi không can thiệp vào quá trình sáng tạo, quá trình làm việc của các em. Tinh thần và truyền thống của chúng tôi là sử dụng các vật liệu từ gỗ, đó là chất liệu gần gũi với thiên nhiên, và đặc biệt với trẻ em thành phố vốn ít được tiếp xúc. Nghề mộc cũng là một trong các nghề truyền thống của Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn mang tới cảm hứng để các em sử dụng các sản phẩm thân thiện với thiên nhiên nhiều hơn. Chúng tôi rất vui vì nhận được sự hưởng ứng tích cực của các vị phụ huynh” – Anh Đạt chia sẻ.

Bé làm họa sĩ tại Hồ Văn, Văn Miếu

Cũng với ý tưởng mang đến một sân chơi văn hóa bổ ích dành cho thiếu nhi trong dịp hè, ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Các hoạt động trong chuỗi chương trình “Sĩ tử nhí – Chắp cánh ước mơ” diễn ra trong 3 tháng hè (từ 01/6/2018 -20/8/2018) nhằm mục đích tạo sân chơi cho trẻ em, đồng thời giáo dục trẻ em biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống và hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống”. Đây cũng là lần đầu tiên Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa đặc sắc phục vụ thiếu nhi dịp hè. Trong đó, khu vực Hồ Văn thuộc khu Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám là khu vực tập trung nhiều hoạt động chính của chương trình năm nay với không gian lều chõng truyền thống, dãy nhà trải nghiệm các hoạt động văn hóa dân gian cũng như khu trại hè sáng tác tranh.

Cái hay của chuỗi hoạt động “Sĩ tử nhí – Chắp cánh ước mơ” là việc các em nhỏ vừa được trải nghiệm truyền thống nhưng đồng thời cũng được thỏa sức sáng tạo. Chơi mà học, học mà chơi, ranh giới của học và chơi đều bị xóa nhòa.

Sĩ tử nhí tập làm giấy dó

Đơn cử như chủ đề “Sĩ tử nhí nhập môn” với trải nghiệm làm giấy dó, ngoài việc tìm hiểu, thực hành quy trình làm theo phương thức cổ truyền, các em còn có thể sáng tác truyện, vẽ tranh ngay trên sản phẩm mới hoàn thiện khi tham gia cuộc thi “Giấy dó của sĩ tử ngày nay”. Như vậy, các nghệ nhân có thể quảng bá được văn hóa dân gian tới hệ trẻ thông qua “bài giảng” vô cùng hấp dẫn và lắng đọng. Hay như với trò chơi “Lều chõng”, người tham dự có cơ hội thể hiện hiểu biết và tìm hiểu thêm về truyền thống khoa bảng, việc học hành, thi cử thời xưa. Bên cạnh đó, các em còn có thể sáng tác tranh, học nghề làm gốm, chế tác diều, học nấu ăn, thả đèn chữ, trình diễn nghệ thuật thư pháp… Mỗi hoạt động đều được gắn với trò chơi, cuộc thi, hoạt động thực tế, qua đó tạo hứng khởi cho trẻ như: vẽ tranh màu nước cho cuộc đấu giá “Tôi cho đi để nhận lại”; thi chế tác diều; và các phần thi “Rửa bát, quét nhà”, “Rau ai tươi ngon” trong game show “Muốn ăn thì lăn vào bếp cùng người nổi tiếng”… Thậm chí các bậc phụ huynh cũng có thể tham gia trải nghiệm cùng với trẻ.

Ban tổ chức cũng cho biết trong suốt 3 tháng diễn ra sự kiện, chuỗi các hoạt động phong phú sẽ liên tục thay đổi chủ đề theo tuần giúp các em thấy hứng thú hơn với những trải nghiệm mới trên tinh thần học mà chơi, chơi mà học, từ đó giúp các em thêm hiểu, thêm yêu giá trị truyền thống của dân tộc.

Pauline Kergomard – người sáng lập ra nhà trẻ ở Pháp từng cho rằng “Chơi là công việc, là nghề nghiệp, là cuộc sống của trẻ em”. Chơi cũng là cách trẻ em học tập và tiếp nhận tri thức theo cách của riêng mình, do đó, việc tạo ra các sân chơi, đặc biệt là các sân chơi văn hóa chính là cách giáo dục truyền thống, di sản, kỹ năng một cách tự nhiên và gần gũi nhất./.

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ