• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sáng bị tuyên án, chiều đến tòa nhảy lầu tự tử: KSV nói về lời khai người va xe với bị cáo Phước

Thời sự 03/06/2020 11:35

(Tổ Quốc) - Kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/5 nói, Lâm Tươi khai chạy xe 50-60 km/giờ nhưng tại phiên tòa lại khai chạy 40-50 km/giờ.

Kiểm sát viên: Không thể khẳng định được Lâm Tươi chạy quá tốc độ cho phép

Trong vụ án liên quan đến ông Lương Hữu Phước (ngụ phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, Bình Phước - người nhảy lầu ở tòa án tỉnh này tử vong, sau khi tòa tuyên án buổi sáng), ông Hà Văn Hiến (Phó Trưởng phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm) là kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/5/2020.

Trả lời báo Pháp luật TP.HCM về lời khai của Lâm Tươi (người điều khiển xe máy xảy ra va chạm với xe của bị cáo Phước), ông Hiến cho biết, Lâm Tươi khai chạy 50-60 km/giờ, nhưng tại phiên tòa lại khai chạy 40-50 km/giờ. Theo cơ quan điều tra, tại thời điểm đó đoạn đường không quy định cụ thể vận tốc cho phép là bao nhiêu nên không thể khẳng định được Lâm Tươi chạy quá tốc độ cho phép.

Cũng theo ông Hiến, Lâm Tươi khai khi còn 5m thì mới thấy ông Phước băng qua đường nên không kịp xử lý. Về việc Lâm Tươi chạy lấn đường hay chạy quá tốc độ thì không đoán được vì không có dấu vết gì để lại.

Ông Hà Văn Hiến cho rằng, bị cáo Phước không nhường đường cho xe Lâm Tươi là dựa vào kết quả tai nạn xảy ra.

"Anh nhường đường thì họ sẽ qua được. Mình nói hậu quả cuối cùng nhưng phải căn cứ vào diễn biến sự việc và lời khai của Lâm Tươi cho thấy rằng tai nạn xảy ra, lỗi trực tiếp là anh băng qua đường mà không nhường đường cho người đi thuận chiều của họ.

Đi phải quan sát, đảm bảo an toàn thì mình qua nhưng trường hợp này không đảm bảo an toàn thì mình chưa qua", Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Hiến.

Ông Hiến lập luận, bị cáo Phước tại phiên tòa nói có quan sát nhưng không thấy gì nên qua đường, nhưng đường đó rộng 7m, không khuất tầm nhìn thì vì sao quan sát mà không thấy ai?

Về lời khai của bà Trần Thị Liên (vợ nạn nhân Quý (ông Quý ngồi sau xe ông Phước, tử vong sau tai nạn)) nói "Lâm Tươi vừa điều khiển xe, vừa chạy, vừa quay đầu về phía sau để nói chuyện với người ngồi sau nên đụng vào xe anh Phước", theo ông Hiến là không có cơ sở để chấp nhận.

Ghi nhận của nguồn trên cho hay, Lâm Tươi và Trị Tiếp (người ngồi sau xe Lâm Tươi) khẳng định không có chuyện Lâm Tươi quay đầu lại nói chuyện. Còn Trị Tiếp nói khi đó xỉn nên gục đầu sau lưng Lâm Tươi.

"Tại phiên tòa phúc thẩm lần hai, bà Liên nói “Tôi không chứng kiến gì cả, khi tôi lặt rau thì thấy ông Phước chở chồng tôi phía bên kia… Khi đó tôi đem đồ xuống bếp thì nghe cái ầm một cái tôi chạy lên, tôi không nhìn thấy gì”. Trong khi đó ban đầu bà Liên cho rằng Lâm Tươi nói chuyện với Trị Tiếp có quay đầu lại.

Bà Liên tự mâu thuẫn với chính mình. Lời khai của Lâm Tươi và Trị Tiếp phù hợp với nhau. Cho thấy lời khai của bà Liên không có cơ sở để chấp nhận", ông Hà Văn Hiến trả lời báo Pháp luật TP.HCM.

Sáng bị tuyên án, chiều đến tòa nhảy lầu tự tử: KSV nói về lời khai người va xe với bị cáo Phước - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn năm 2017.

Luật sư: Xác định khoảng cách giữa hai xe trước khi xe của ông Phước chuyển làn là rất quan trọng

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ trên báo Kiến thức, ở vụ án này, Lâm Tươi là người được xác định đã tông xe vào xe của ông Phước dẫn đến hậu quả ông Quý (người ngồi trên xe của ông Phước) tử vong, nhưng Lâm Tươi chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 4,5 triệu đồng, còn ông Phước lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến 3 năm tù. Chính điều này đã khiến ông Phước bức xúc và dẫn đến hành động tự tử để phản đối nội dung của bản án.

Theo luật sư Cường, có hàng loạt tình tiết cần được làm rõ như: Sơ đồ hiện trường; Các dấu vết thu thập được trên hiện trường; Lời khai của người làm chứng; Bị cáo có bật đèn cảnh báo khi sang đường hay không?; Xác định bị cáo có nồng độ cồn là đúng thủ tục hay chưa?; Tốc độ của xe máy do ông Lâm Tươi điều khiển như thế nào?; Khoảng cách giữa hai xe khi ông Phước chuyển làn là bao xa?

"Sơ đồ hiện trường vụ án để xác định khoảng cách giữa hai xe trước khi xe của ông Phước chuyển làn là rất quan trọng. Khoảng cách của hai xe sẽ xác định được khả năng quan sát của Lâm Tươi, với khoảng cách đó thì Lâm Tươi có đủ thời gian để xử lý tình huống hay không, tốc độ của Lâm Tươi như thế nào đối với khu vực đó?

Theo nội dung lời khai của ông Phước, ông này có bật đèn cảnh báo khi chuyển hướng, vậy Lâm Tươi có nhìn thấy hay không?", nguồn trên dẫn lời luật sư Đặng Văn Cường.

Vị luật sư cho rằng, một nội dung rất quan trọng là việc ông Phước sang đường có đảm bảo an toàn hay không, có bật đèn tín hiệu hay không?

Theo chia sẻ của luật sư Dương Vĩnh Tuyến (người bào chữa cho bị cáo Lương Hữu Phước) trên VOV, trong vụ này, tòa án chưa áp dụng nguyên tắc xác định lỗi gây ra tai nạn để xác định những chủ thể nào phải chịu trách nhiệm đối với phần lỗi của mình là có sự thiếu sót, gây ảnh hưởng đến tính đúng đắn và sự thật khách quan của vụ án.

Luật sư Tuyến nêu, tại tòa, Lâm Tươi khai mình đi đúng làn đường, có quan sát, nhưng với các chứng cứ lại khẳng định ngược lại. Theo sơ đồ dựng lại hiện trường bút lục 320 thể hiện Lâm Tươi trước khi tông vào xe ông Phước đang chạy làn bên trái (làn xe của ông Phước). Ở các bút lục 108, 109, 112, 113 lời khai của bà Trần Thị Kim Liên (vợ nạn nhân Quý) cho biết, lúc xảy ra tai nạn, bà thấy Lâm Tươi vừa chạy xe vừa quay lại phía sau nói chuyện với Trị Tiếp.

"Vụ án này cũng chưa giám định tốc độ xe, nồng độ cồn của Lâm Tươi có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, điều khiển xe bảo đảm an toàn hay không. Trong khi đó, khi xảy va chạm, xe Lâm Tươi biến dạng, đẩy xe ông Phước lùi về phía sau 80cm. Hiện trường vụ án cũng không có vết thắng của xe do Lâm Tươi điều khiển.

Làm rõ những vấn đề trên sẽ thấy được trách nhiệm của Lâm Tươi trong vụ án này", luật sư Dương Vĩnh Tuyến phân tích trên VOV.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, giảng viên thỉnh giảng Học viện Cán bộ tư pháp (Bộ Tư pháp) phân tích trên báo Thanh niên online, theo lời khai của Lâm Tươi, khi điều khiển xe máy cách 50 m thì thấy 2 người (ông Lương Hữu Phước và ông Quý) dừng xe ở lề đường bên trái, khi cách 30 m thấy ông Phước băng qua đường từ từ thì rõ ràng người này đã nhận biết việc ông Phước băng qua đường ở khoảng cách khá xa.

"Với khoảng cách này, đủ để Lâm Tươi chuyển hướng nhằm tránh va chạm hoặc giảm tốc độ để dừng lại. Như vậy, việc ông Phước qua đường là phù hợp, không còn có lỗi không nhường đường", luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân nói.

Theo luật sự Quân, việc không đánh giá lỗi của Lâm Tươi trong vụ án này là chưa toàn diện và không xác định vận tốc của Lâm Tươi trước khi xảy ra va chạm với bị cáo Phước là thiếu sót.

Vụ tai nạn xảy ra ngày 15/1/2017. Ông Phước sau khi uổng rượu có chở ông Quý về. Đến gần nhà ông Quý, ông Phước sang đường thì bị xe của anh Lâm Tươi chở Trị Tiếp tông vào. Ông Phước bị thương, còn ông Quý chết sau đó 3 ngày.

Hồ sơ vụ án thể hiện ông Phước có nồng độ cồn 0,69mg/l khí thở, LâmTươi có nồng độ cồn 0,57mg/l khí thở, Tươi không có bằng lái xe.

Ngày 26/5/2020, phiên tòa phúc thẩm diễn ra. Tại ngày xử này, tòa không tuyên án mà dời đến sáng 29/5.

Sáng 29/5/2020, TAND tỉnh Bình Phước tổ chức tuyên án phúc thẩm đối với bị cáo Lương Hữu Phước y án sơ thẩm với mức án 3 năm tù giam về tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Tòa tuyên án buổi sáng thì buổi chiều ông Phước vào trụ sở TAND tỉnh Bình Phước, lên lầu 2 và nhảy xuống tử vong.


(Tổng hợp)

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ