• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau 3 tháng chống chọi với Covid-19: 7/19 Tập đoàn, Tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi

Kinh tế 06/04/2020 15:08

(Tổ Quốc) - Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo cập nhật ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty.

7/19 tập đoàn, tổng công ty bắt đầu không cân đối được thu, chi

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất, du lịch, dịch vụ phải tạm dừng; đồng thời, do tác động của cuộc chiến tranh thương mại, giảm giá dầu lửa giữa một số quốc gia trên thế giới, dẫn đến một số doanh nghiệp thuốc Ủy ban đang phải chịu tác động kép.

Theo số liệu báo cáo, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. 7/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines) là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch; 8/19 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ, tổng số lỗ khoảng 26.324 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng 32.836 tỷ đồng so với kế hoạch.

Trong đó, do tác động từ cuộc chiến thương mại, giảm giá dầu lửa, nguồn thu ngân sách Nhà nước từ dầu thô (của Tập đoàn Dầu khí) có thể giảm khoảng 3.111 tỷ đồng đến 18.600 tỷ đồng, tùy theo mức độ phục hồi của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, việc giảm giá xăng, dầu (nguyên liệu chính của các doanh nghiệp, vận tải, nhiệt điện khí...), đối với một số ngành lại là những thuận lợi để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ đầu tư, mang lại yếu tố tích cực cho nền kinh tế.

Một loạt kiến nghị để "giải cứu" các tập đoàn, tổng công ty

Để giải quyết các khó khăn cấp bách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc Ủy ban ứng phó, duy trì được hoạt động trong thời gian dịch và khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch kết thúc, ủy ban đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề cụ thể để Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét.

Cụ thể, Ủy ban kiến nghị Bộ Tài chính, Công thương xem xét phương án giảm thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón, xăng dầu sản xuất trong nước để VinaChem và PVN có thể xuất khẩu các sản phẩm này, giảm lượng hàng tồn kho, tăng nguồn vốn lưu động. Xem xét miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường cho các sản phẩm xăng, dầu trong năm 2020 cho các doanh nghiệp vận tải như Vietnam Airlines, VinaLines, Tỏng công ty Đường sắt...

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước: Xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các Hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cho VinaChem, Tổng công ty đường sắt, Vietnam Airlines, VNPT, PVN

Ngân hàng Nhà nước: Sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuát, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động (trong đó Vietnam Airlines đang rất khó khăn và đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng, bắt đầu từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho doanh nghiệp).

Bộ Tài chính: Xem xét phương án giảm thuế VAT, lùi thời hạn nộp thuế, miễn giảm khoản chậm nộp tiền thuế, tiền thuê đất bị truy thu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản đóng góp ngân sách để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tiếp tục giảm 50% mức phải trích khấu hao tài sản cố định hàng năm đối với một số dự án yếu kém ngành công thương.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm xã hội: Xem xét việc miễn, giảm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các quỹ bảo hiểm liên quan đối với các doanh nghiệp (không chỉ là giãn, hoãn thời gian nộp); có chế độ hỗ trợ, trợ cấp đối với người lao động không có việc làm, giảm thu nhập do dịch, nhất là các doanh nghiệp ngành dệt may, nông, lâm nghiệp, khai khoáng, vận tải... là những ngành có nhiều lao động, thu nhập thấp, hoạt động ở những địa bàn kinh tế khó khăn hoặc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam: Xem xét giảm tối thiểu 50% phí đoàn viên, điều chỉnh thời điểm đóng phí công đoàn phù hợp.

Bộ giao thông Vận tải: Nghiên cứu chính sách bảo hộ đối với Vietnam Airlines trong vấn đề phân bổ Slot; cho phép Vietnam Airlines được tận dụng thời điểm thấp điểm về chuyến bay để sửa chửa, nâng cấp sân bay, đường băng đang bị xuống cấp như tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài...; phối hợp Bộ Tài chính xem xét giảm mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng với Tổng công ty Đường sắt theo Thông tư số 295/2016/TT-BTC tương đương với 8% doanh thu vận tải; phí cất, hạ cánh, điều hành bay đối với hoạt động bay của Vietnam Airlines, phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển đối với doanh nghiệp vận tải biển...; cho phép Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được sử dụng nguồn thu phí của dự án để thanh toán cho các nhà thầu xây lắp thuộc dự án Nội Bài - Lào Cai; giải quyết các vướng mắc liên quan đến cơ chế, nguồn vốn thực hiện dự án Bến Lức - Long Thành, cơ chế thu xếp nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới tại dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Bộ Công thương: Phối hợp và hỗ trợ Vinalines làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, các hiệp hội, các chủ hàng về việc sử dụng dịch vụ vận tải biển của Việt Nam để vận chuyển hàng xuất nhập khẩu; miễn thuế thu nhập cho thuyền viên chạy tuyến nội địa và tuyến quốc tế đã được Chính phủ phê duyệt, miễn thuế nhập khẩu các loại vật tư, phụ tùng, trang thiết bị mà Việt Nam chưa sản xuất được để sửa chữa tàu biển hoặc sản xuất được nhưgn chưa được các tổ chức chuyên ngành hàng hải quốc tế có thẩm quyền công nhận phù hợp.

Bộ Kế hoạch đầu tư: Sớm hướng dẫn cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các dự án cấp bách sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước (theo phương án chỉ định thầu với điều kiện giảm 5% giá trị dự toán xây dựng) để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giảm ách tắc nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp đã chuẩn bị, nhất là các dự án ngành điện, các dự án hạ tầng hàng không, như: Dự án nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, các dự án nhiệt điện khí Ô Môn, đường dây tải điện Vân phong - Vĩnh Tân, các dự án sửa chữa, nâng cấp sân bay, đường băng đang bị xuống cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài... Có chính sách khơi thông các nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển trong nước và nước ngoài, để các doanh nghiệp thuộc Ủy ban có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, phục vụ tốt hơn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau 3 tháng chống chọi với Covid-19: 7/19 Tập đoàn, Tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi - Ảnh 1.

Hà My - Trí thức trẻ

NỔI BẬT TRANG CHỦ