• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau COVID-19: Người lao động không có nhiều sự lựa chọn về việc làm

Thời sự 07/11/2020 21:45

(Tổ Quốc) - Theo ông Vũ Hải Dương - Phó Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, người lao động tại thời điểm này không có nhiều sự lựa chọn do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, chủ yếu họ chỉ tìm kiếm các việc làm tạm thời.

Sau COVID-19: Người lao động không có nhiều sự lựa chọn về việc làm - Ảnh 1.

Ông Vũ Hải Dương - Phó Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa.

PV: Ông có thể cho biết, tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với người lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa?

Ông Vũ Hải Dương: Thanh Hóa là địa phương có diện tích rộng, dân số đông nên hàng năm số người đến tìm kiếm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khá là đông. Các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ… trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu về việc làm tại địa phương khá đa dạng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tại Việt Nam có thời điểm phải đóng cửa biên giới, xuất khẩu, nhập khẩu khó khăn nên các doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất. Kéo theo đó, số người lao động bị mất việc làm trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng tăng.

Theo thống kê đến hết tháng 9/2020, chúng tôi đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 25.590 người lao động bị mất việc làm; thẩm định hồ sơ và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 23.538 người.

Thực trạng trên đã gây nhiều khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ của cán bộ Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, xảy ra tình trạng công việc bị quá tải. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp kịp thời, đơn vị vẫn tập trung thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp một cách hiệu quả, thông suốt và kịp thời cho người lao động.

PV: Trước tình hình đó, Trung tâm đã có những giải pháp gì để hỗ trợ người lao động trong thời điểm khó khăn này?

Ông Vũ Hải Dương: Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa có nhiệm vụ chính là tư vấn, hướng dẫn tìm kiếm việc làm cho đối tượng lao động và người thất nghiệp.

Theo đó, sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chúng tôi đã tích cực tư vấn hướng dẫn người lao động tìm được việc làm. Hằng ngày, hàng tuần, cán bộ của trung tâm đều kết nối với người sử dụng lao động, người lao động. Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, ngày hội việc làm, tư vấn định hướng cho người lao động.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 28.276 lượt người; giới thiệu việc làm cho 9.886 người; 217 người có quyết định hỗ trợ học nghề.

Có thể thấy rằng, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sau COVID-19 là rất lớn, đây cũng là một sức ép đối với trung tâm. Nhìn chung, người lao động tại thời điểm này không có nhiều sự lựa chọn do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, chủ yếu họ chỉ tìm kiếm các việc làm tạm thời.

Sau COVID-19: Người lao động không có nhiều sự lựa chọn về việc làm - Ảnh 2.

Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.

PV: Chính sách về bảo hiểm thất nghiệp đã đi vào cuộc sống được hơn 10 năm, quá trình triển khai tại địa phương có gì vướng mắc không thưa ông?

Ông Vũ Hải Dương: Có thể thấy rằng, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp tại Việt Nam đã khá đồng bộ, đầy đủ. Tuy nhiên, tình hình thực tế tại địa phương có những vướng mắc khó khăn nhất định nên cũng cần phải có sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn.

Cụ thể, như trong mùa dịch bệnh COVID-19 vừa qua, theo quy định thì hằng tháng người lao động phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm thông báo về tình trạng việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, do thời gian phải cách ly do giãn cách xã hội, người lao động cũng không thể trực tiếp thông báo được.

Tới đây, khi góp ý vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT- BLĐTBXH ngày 31/7/2015, chúng tôi sẽ đề xuất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho người lao động khai báo qua thư điện tử hoặc phương tiện khác.

PV: Ông đánh giá như thế nào về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 28 mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xin ý kiến?

Ông Vũ Hải Dương: Nội dung dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28 theo tôi khá đầy đủ, chi tiết và hy vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những đơn vị trực tiếp như chúng tôi. So với những quy định cũ thì dự thảo lần này có nhiều điểm mới tiện ích hơn.

Mới nhất đó là quy định học nghề, theo đó, người lao động đang hưởng trợ cấp ở địa phương này có thể hỗ trợ học nghề ở địa phương khác. Quy định mới này sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho người lao động trong quá trình tìm kiếm việc làm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thế Công (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ