• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sau TikTok, WeChat, Tổng thống Trump khó chọn mục tiêu tiếp theo cho cuộc chiến công nghệ?

Kinh tế 13/08/2020 16:13

(Tổ Quốc) - CNN đăng tải, Mỹ đang nhằm vào những tên tuổi lớn trong làng công nghệ Trung Quốc, từ Huawei và TikTok của ByteDance cho tới WeChat của Tencent. Mục tiêu kế tiếp rất có thể là một trong những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới và gã khổng lồ internet Alibaba.

Các động thái trước các công ty Trung Quốc đã đánh dấu sự leo thang kịch tính trong chiến dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump chống lại những công ty công nghệ đang trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời gây sức ép khiến các nước lớn phải chọn lựa giữa Trung Quốc và Mỹ.

"Chúng ta đang ở trong một sự thay đổi mô hình và tình hình địa chính trị sẽ trải qua một sự chuyển đổi mang tính chính trị ngay hiện tại", học giả cấp cao Alex Capri của Đại học Quốc gia Singapore nhận định. "Giới chức Washington đang đưa ra ngày càng nhiều cáo buộc nhằm vào các công ty công nghệ Trung Quốc".

Sau khi bị Washington "loại bỏ" khỏi nền công nghệ Mỹ, các hoạt động mở rộng quy mô trên toàn cầu của ByteDance hoặc Huawei đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong khi đó, Alibaba cho đến nay lại vẫn chưa đạt được nhiều thành công tại thị trường phương Tây. Tuy nhiên, ông Capri cho rằng, chỉ riêng vị thế của Alibaba tại Trung Quốc cũng đủ để nó trở thành một mục tiêu của chính quyền Trump.

Sau TikTok, WeChat, Tổng thống Trump khó chọn mục tiêu tiếp theo cho cuộc chiến công nghệ? - Ảnh 1.

Alibaba sẽ là mục tiêu tiếp theo của chính quyền Donald Trump (ảnh: getty)

Alibaba hiện vẫn chưa phải đối mặt với nguy cơ hứng chịu các lệnh trừng phạt giống với những gì mà Tổng thống Trump đã áp dụng với các công ty công nghệ khác của Trung Quốc. Đầu năm nay, ông Trump thậm chí còn tỏ ý khen ngợi nhà sáng lập Alibaba là Jack Ma và gọi tỷ phú Trung Quốc là "một người bạn" sau khi ông này tuyên bố viện trợ thiết bị cho cuộc chiến chống COVID-19 của Mỹ.

Tuy nhiên, Alibaba vẫn là một cái tên không thể bỏ qua trong tâm trí nhiều quan chức Mỹ. Tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo từng nhắc tới Alibaba khi kêu gọi các công ty Mỹ xóa bỏ các công nghệ "không đáng tin cậy" do Trung Quốc sở hữu khỏi các mạng lưới điện tử của mình.

Theo ông Pompeo, Washington muốn bảo vệ các thông tin cá nhân nhạy cảm nhất của người dân cũng như các tài sản sở hữu trí tuệ giá trị nhất của các doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cả các nghiên cứu về vaccine COVID-19 – khỏi nguy cơ bị tiếp cận trên các hệ thống dựa trên công nghệ đám mây điều hành bởi các công ty như Alibaba, Tencent…

Các công ty đa quốc gia "đang bị coi là các nhà vô địch quốc gia vì các tài sản chiến lược và đang bị coi là các lợi thế đòn bẩy… cho dù họ muốn hay không", ông Capri nhận xét.

Những công ty như Alibaba "phát triển trong một môi trường được bảo hộ toàn diện tại Trung Quốc - vốn khép kín đối với các đối thủ nước ngoài và họ nắm giữ thị phần mà không phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài", ông Capri chỉ ra. "Giờ đây họ mở rộng, muốn cạnh tranh ở các thị trường mở và họ đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội".

Một mẻ lưới lớn

Alibaba hiện vận hành các nền tảng thương mại điện tử rất được ưa chuộng – chủ yếu ở các thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Họ cũng đứng sau Alipay, một trong những ứng dụng thanh toán phổ biến nhất tại Trung Quốc cùng với WeChat Pay của Tencent.

Bất kỳ hành động nào của Washington gần như chắc chắn sẽ không ảnh hưởng tới công việc kinh doanh thương mại điện tử và bán lẻ của công ty tại Trung Quốc – vốn chiếm tới gần 80% trong tổng doanh thu hàng năm của Alibaba. Ngay cả lệnh trừng phạt lên dịch vụ đám mây tại Mỹ của Alibaba cũng sẽ không có nhiều tác động vì nó chỉ tương đương chưa đầy 10% tổng doanh thu của công ty.

Mặc dù vậy, quyết định của chính quyền Trump nhằm vào WeChat tuần trước có thể là một dấu hiệu cho thấy Washington đang chuẩn bị tung một mẻ lưới lớn hơn.

Nhà phân tích công nghệ từ công ty tư vấn Gavekal Dragonomics là DanWang giải thích, chỉ thị về WeChat sẽ ngăn cản tất cả các cá nhân và công ty của Mỹ hợp tác với bất kỳ thứ gì liên quan tới ứng dụng Trung Quốc. Điều đó sẽ chấm dứt mọi liên hệ của WeChat với tất cả các nền tảng công nghệ Mỹ - đồng nghĩa Tencent sẽ không thể tiếp cận với các phần mềm và thiết bị trung gian cần thiết để vận hành WeChat tại Mỹ.

"Nếu họ làm thứ tương tự với Alibaba, đó cũng sẽ là một cú đánh khá lớn", ông Wang nói. Alibaba có hoạt động đám mây quy mô tại Mỹ và "đòi hỏi các phần mềm và thiết bị trung gian để tiếp tục các vận hành này".

Và ngay cả khi Alibaba không thu được nhiều doanh thu từ Mỹ, đây vẫn là một thị trường quan trọng cho tập đoàn Trung Quốc. Năm ngoái, Alibaba đã bắt đầu các mối làm ăn thương mại điện tử với các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ, đồng thời lần đầu tiên đưa vào hoạt động phiên bản tiếng Anh của nền tảng thương mại Tmall. Alibaba dự kiến trong vòng 3 năm sẽ tăng gấp đôi số lượng - lên tới 40.000, các thương hiệu nước ngoài hoạt động trên Tmall. Rất nhiều công ty Mỹ đã cung cấp sản phẩm trên Tmall như Apple, Nike và Johnson & Johnson...

Các mối liên hệ khác của Alibaba với Mỹ cũng khá "dây mơ rễ má". Khi công ty lên sàn chứng khoán vào năm 2014, họ đã lựa chọn sàn chứng khoán New York và huy động được số vốn IPO kỷ lục là 25 tỷ USD.

Tác động tới các công ty Mỹ

Các doanh nghiệp Mỹ cũng có khả năng phải gánh chịu tổn thất từ những lệnh trừng phạt mới nhằm vào loạt ông lớn công nghệ Trung Quốc.

Ví dụ như, nếu Washington buộc Apple dỡ bỏ các ứng dụng "không đáng tin cậy" từ ByteDance, Alibaba và đặc biệt là Tencent khỏi cửa hàng ứng dụng tại Trung Quốc, hứng thú của người dân Trung Quốc với điện thoại iPhone có thể sẽ giảm mạnh.

WeChat gần như đã trở thành một công cụ phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của hàng trăm triệu người Trung Quốc, từ đặt xe taxi, đi chợ, nhắn tin cho tới đăng ảnh, đặt đồ ăn…

"Nếu Apple dỡ bỏ WeChat khỏi kho ứng dụng của mình, đây sẽ là một tình huống khác biệt", người sáng lập công ty quản lý đầu tư Red Gate là Chingxiao Shao cảnh báo. "Lúc đó, thiệt hại cho Apple sẽ lớn hơn nhiều so với thiệt hại mà Tencent phải gánh chịu".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ