• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018

Kinh tế 22/10/2018 19:32

(Tổ Quốc) - Mục tiêu có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018.

Mục tiêu có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại Quốc hội. (Nguồn: quochoi.vn)

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV, chiều 22/10, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo thẩm tra Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ.

Đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các mục tiêu chủ yếu về cơ cấu lại nền kinh tế đến nay cho thấy nhiều kết quả tích cực. Trong số 5 nhóm mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24, có 4 nhóm mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại ngân sách nhà nước và đầu tư công, cải thiện chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thị trường tài chính đạt kết quả khả quan.

Thoái vốn cần thận trọng, bảo đảm tính đúng, tính đủ

Theo đó, 41% các chỉ tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24 dự kiến hoàn thành và 36,4% chỉ tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2020. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh của nước ta so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp, các chỉ tiêu về năng suất và đổi mới công nghệ đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra.

Về phát triển doanh nghiệp, mục tiêu có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018.

Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đến tháng 7/2018, các bộ, ngành, địa phương mới thực hiện thoái vốn tại 30/316 doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra của năm 2017 và 2018.

"Thời gian tới, việc thoái vốn cần thực hiện thận trọng, trong đó bảo đảm tính đúng, tính đủ giá trị vốn nhà nước trong doanh nghiệp và có kế hoạch cụ thể sử dụng nguồn vốn thu được từ thoái vốn, trong đó ưu tiên vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực phát triển và sức lan tỏa cho nền kinh tế", Báo cáo nhấn mạnh.

Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, lãi suất cho vay trung bình của Việt Nam chưa được thu hẹp so với khu vực ASEAN-4, vẫn duy trì mức chênh lệch khoảng 1-2 điểm %. Tuy nhiên, việc giữ ổn định được mặt bằng lãi suất như thời gian vừa qua là một thành công trong bối cảnh có nhiều yếu tố không thuận lợi cả trong và ngoài nước.

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong  Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Kinh tế tán thành với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, vướng mắc khi triển khai, đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện một số nhiệm vụ như: xử lý nợ xấu; thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao vốn về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; cơ cấu lại ngân hàng nhà nước; thực hiện quá trình đô thị hóa.

Rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật

Về định hướng đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2019 – 2020, Ủy ban Kinh tế tán thành cao với quan điểm của Chính phủ xác định cơ cấu lại nền kinh tế là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành, cùng với đó là việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững cho giai đoạn sau năm 2020.

Bên cạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu trong bảo đảm sự đồng bộ trong xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế và yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với vai trò định hướng của Nhà nước.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường tính trách nhiệm và giải trình của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, đặc biệt là nhóm nhiệm vụ về hình thành đồng bộ và phát triển các thị trường yếu tố sản xuất; cơ cấu lại ngành, vùng kinh tế; đổi mới phương thức quản lý, điều hành kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường; và bảo đảm hoàn thành cơ bản việc cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm trước năm 2020.

"Rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, tháo gỡ các rào cản trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có chất lượng các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng", Báo cáo nêu.  

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ