• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

So sánh sức mạnh máy bay không người lái Mỹ- Trung và chiến thuật "phản đòn" bất ngờ từ Trung Quốc

Thế giới 04/10/2020 09:58

(Tổ Quốc) - Trung Quốc chỉ có hai mẫu máy bay không người lái có khả năng "đương đầu" với các máy bay không người lái của Mỹ.

Tờ SCMP dẫn lời một nhà phân tích quân sự người Trung Quốc nhận định, cách phản ứng hiệu quả nhất của Trung Quốc trước một cuộc tấn công liên tục bằng thiết bị không người lái từ Mỹ - là đáp trả nhằm vào các căn cứ đậu các máy bay không người lái và phá hủy toàn bộ đội bay tại đây.

Là một trong những vũ khí công nghệ cao của chiến tranh hiện đại, thiết bị bay không người lái rất khó để bị phát hiện do chúng nhỏ và bay ở độ cao thấp. Vì vậy, biện pháp đáp trả tốt nhất là bắn hạ ít nhất một máy bay đối thủ, sử dụng dữ liệu từ những tàn tích của máy bay rơi để tìm xem nó xuất phát từ đâu và sau đó là triệt phá phần còn lại của đội bay ngay tại căn cứ. Mặc dù vậy, điều này sẽ dẫn tới leo thang căng thẳng nhanh chóng.

"Quân đội Trung Quốc có thể tìm vị trí của căn cứ thiết bị không người lái một khi họ bắn rơi máy bay và thu thập dữ liệu…, biện pháp phản đòn hiệu quả nhất là làm nổ tung căn cứ và phá hủy toàn bộ các máy bay còn lại", nhà nghiên cứu Zhou Chenming từ viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang tại Bắc Kinh chỉ ra.

So sánh sức mạnh máy bay không người lái Mỹ, Trung và chiến thuật "phản đòn" bất ngờ từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ bay trên bầu trời khu vực Nevada, Mỹ (ảnh: Reuters)

Nhận định trên được đưa ra sau khi một bài báo trên tạp chí Air Force của Mỹ cho hay, Mỹ đã thực hiện một cuộc tập trận tấn công đảo giả tưởng tại California hồi tháng 9 có sự tham gia của máy bay không người lái MQ-9 Reaper.

Trong cuộc tập trận, binh lính Mỹ được cho là đã mặc trang phục có in hình máy bay MQ-9 nằm đè lên bản đồ Trung Quốc màu đỏ. Điều này khiến truyền thông Trung Quốc rất tức giận và gọi đó là một hành vi mang tính khiêu khích.

Theo Air Force, cuộc tập trận là sự kiện huấn luyện đầu tiên tập trung vào các chiến thuật bay không người lái tại Thái Bình Dương và được tiến hành nhằm hướng trọng tâm của Mỹ rời khỏi Trung Đông. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm nay, Mỹ đã tăng cường hiện diện không quân tại Biển Đông thông qua cử các máy bay ném bom, trinh sát và máy bay không người lái tới khu vực. Động thái của Washington khiến Bắc Kinh lo ngại, Mỹ sẽ triển khai các máy bay không người lái như MQ-9 tới tấn công những cơ sở hạ tầng Trung Quốc xây dựng trái phép quanh quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

So sánh sức mạnh máy bay không người lái Mỹ, Trung và chiến thuật "phản đòn" bất ngờ từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Binh lính Mỹ tham gia một cuộc tập trận hồi tháng Chín tại California được cho là đã mặc trang phục có in hình máy bay MQ-9 nằm đè lên bản đồ Trung Quốc màu đỏ (ảnh: SCMP)

Là thiết bị bay không người lái đầu tiên có thể bay liên tục hơn 40 tiếng, MQ-9 có sải cánh dài tới 24m. loại máy bay nay cũng từng tham gia các cuộc tấn công tại Trung Đông.

"MQ-9 không còn bị ràng buộc tại những căn cứ lớn hoặc trong lục địa Mỹ nữa", tạp chí quân đội Stars and Stripes dẫn lời chỉ huy người Mỹ Brian David cho hay. Bên cạnh đó, năng lực của MQ-9 có thể trở nên hữu dụng tại những địa điểm như Biển Đông.

Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc đánh giá, phần lớn các máy bay không người lái của Trung Quốc không đủ sức mạnh để chống lại MQ-9, tuy vậy Bắc Kinh vẫn có thể triển khai máy bay chiến đấu khi thiết bị bay không người lái của Mỹ tiến vào không phận Trung Quốc.

Còn theo ông Zhou, Trung Quốc có hai máy bay không người lái có khả năng "đương đầu" với MQ-9.

Máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất Wing Loong II được cho là đã bắn hạ khoảng 16 máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất trong cuộc nội chiến Libya. Cuộc xung đột này cũng được miêu tả là cuộc chiến tranh thử nghiệm máy bay không người lái đầu tiên.

"Cho tới nay, Trung Quốc chỉ có hai loại phi cơ không người lái có khả năng đối phó với MQ-9 là Wing Loong II và Rainbow-5 hay còn gọi lài Caihong 5", ông Zhou nói. "Tuy nhiên thời gian hoạt động và hỏa lực của hai máy bay Trung Quốc chỉ bằng 2/3 so với các máy bay chiến đấu của Mỹ".

Do giá bán của một chiếc Wing Loong II chỉ bằng chưa đầy một nửa so với MQ-9, một biện pháp chống trả cho Trung Quốc, đó là cử thêm nhiều máy bay không người lái theo "chiến lược làn sóng thiết bị không người lái", để đối phó với các máy bay Mỹ.

Trong khi đó, chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh Li Jie chỉ ra một lựa chọn khác cho quân đội Trung Quốc là triển khai các phi cơ chiến đấu thế hệ bốn như J-10 và J-11, thậm chí là J-16. Ngoài ra, tên lửa phòng không hoặc súng bắn thẳng cũng có thể được đưa vào sử dụng.

"Trung Quốc nên triển khai phi cơ chiến đấu bởi vì chúng bay nhanh hơn và bay cao hơn  phi cơ không người lái, nhưng điều kiện tiên quyết là "anh" có thể phát hiện ra được máy bay không người lái Mỹ", Li nói. "Đó là lý do tại sao Trung Quốc đã phát triển các hệ thống vũ khí chiến tranh điện tử tối tân và toàn diện, bao gồm việc sử dụng radar để phát hiện và phát đi các tín hiệu can thiệp nhằm gây nhiễu hệ thống liên lạc của đối thủ".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ