• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sóng gió Mỹ - Pakistan: Nga “âm thầm” chớp cơ hội?

Thế giới 06/09/2018 11:05

(Tổ Quốc) - Tờ New York Times (NYT) ngày 1/9 đã đăng tải thông tin rằng, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra quyết định cuối về việc hủy bỏ 300 triệu USD (trong Quỹ hỗ trợ liên minh) cho Pakistan.

Lý do chính thức là sự thất bại của Islamabad trong việc đưa ra hành động quyết định chống lại các lực lượng cực đoan đang gây nên xung đột ở Afghanistan: mạng lưới Haqqani và Taliban Afghanistan. Động thái này đang chờ được Quốc hội Mỹ phê duyệt. 

Căng thẳng âm ỉ Mỹ - Pakistan

Thông tin được NYT tiết lộ chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Mike Pompeo đến thăm Pakistan để gặp Imran Khan, Thủ tướng mới của quốc gia này, đồng thời cũng diễn ra ngay sau chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif tới Pakistan, nơi giới lãnh đạo Pakistan đã bày tỏ sự ủng hộ cho Iran và thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ bỏ rơi. Một dòng tweet ngày 7/8 của Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng "bất cứ ai làm ăn với Iran sẽ KHÔNG được làm ăn với Hoa Kỳ."

Theo Strategic Culture, quyết định của phía Mỹ mới được tiết lộ chỉ là một phần trong những động thái lớn hơn đã gây sóng gió từ đầu năm nay. "Hoa Kỳ đã điên rồ cho Pakistan hơn 33 tỷ USD viện trợ trong 15 năm qua, và họ đã cho chúng tôi không có gì ngoài dối trá và lừa gạt," Tổng thống Trump tweet vào ngày 1/1/2018.

 "Họ cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố chúng tôi đang săn lùng ở Afghanistan, với rất ít sự giúp đỡ cho chúng tôi. Không còn nữa! ”, ông Trump cho biết thêm. Tuyên bố này theo sau thông báo rằng Bộ trưởng Jim Mattis đã được ủy quyền cấp 300 triệu USD viện trợ trong mùa hè này nếu ông thấy sự thay đổi thái độ ở Islamabad. Nhưng cuối cùng ông Mattis đã không làm thế.

Theo Strategic Culture, Washington đã bắt đầu đình chỉ các chương trình đào tạo và giáo dục cho các sĩ quan Pakistan. Không có nguồn ngân sách nào được cung cấp cho năm học sắp tới. Các cơ sở quân sự của Mỹ, bao gồm Đại học Quốc phòng ở Washington DC; Đại học Chiến tranh của quân đội Mỹ ở Carlisle, Pennsylvania; Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ; Cao đẳng Hải quân, và các khóa học khác mà Mỹ  cung cấp, bao gồm các nghiên cứu về an ninh mạng, đã xóa bỏ 66 danh ngạch mà họ dành riêng cho các học viên từ Pakistan.

“Xoay trục” Nga, Trung Quốc?

Trong bối cảnh này, có một tín hiệu biểu tượng hơn nữa là việc Moscow và Islamabad đã ký một thỏa thuận vào ngày 7/8 để đào tạo nhân viên quân sự Pakistan ở Nga.

Khi dự trữ ngoại hối quốc gia giảm mạnh, Thủ tướng Imran Khan sẽ phải quyết định liệu chính phủ của ông sẽ tìm kiếm sự cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nơi Mỹ đang có nhiều ảnh hưởng hơn bất kỳ thành viên nào khác hay không. Cách khác là chuyển sang Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác. Sau chiến thắng của đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018, Trung Quốc đã đồng ý cấp khoản vay trị giá 2 tỉ USD cho Islamabad. Vào ngày 30/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo rằng, bất kỳ khoản cứu trợ tiềm năng nào từ IMF cho chính phủ mới của Pakistan không bao gồm tiền để trả cho Trung Quốc. Pakistan đang đặt hy vọng vào dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).

Nga và Pakistan đã kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao của họ vào ngày 1/5/2018. Mối quan hệ đó đã chứng kiến những thăng trầm, nhưng ngày nay đang tăng lên một mức cao mới trong lịch sử.

Moscow và Islamabad đang nhìn thẳng vào viễn cảnh chấm dứt cuộc xung đột ở Afghanistan. Pakistan đã ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình do Nga làm nhà hòa giải, không có Mỹ nhưng bao gồm cả Taliban. Pakistan ủng hộ mạnh mẽ chính sách tại Syria của Nga. Vai trò thành viên mới của Islamabad trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng mở ra triển vọng hợp tác mới. Islamabad cũng quan tâm đến việc ký một thỏa thuận thương mại tự do với EEU do Nga dẫn đầu.

Pakistan cũng tỏ ra quan tâm đến việc mua các khí tài quân sự từ Nga, tham gia vào các tập trận của Nga và cũng đã tham dự triển lãm kĩ thuật quân sự Army tại Moscow. Vào tháng 9/2016, Nga và Pakistan đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên. Sự kiện này được tổ chức hàng năm kể từ đó. Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan Javed Bajwa, đã đến thăm Nga lần đầu tiên vào tháng 4 năm nay. Vào cuối tháng 7, hai nước đã ký một thỏa thuận hợp tác hải quân trong chuyến thăm của Phó Tổng tham mưu trưởng Hải quân Pakistan Kaleem Shaukat của Pakistan tới thăm Nga. Quân đội Pakistan cũng có kế hoạch mua các máy bay chiến đấu Su-35 và xe tăng T-90 từ Nga.

 Quân đội Pakistan có nhu cầu đối với khí tài Nga. (Nguồn: Anadolu agency)

Nga cũng tham gia vào nhiều dự án kinh tế tại Pakistan, như Nhà máy thép Karachi và Nhà máy điện Gudhu. Năm 2015, Nga và Pakistan đã ký một hợp đồng xây dựng một đường ống dẫn khí dài 1100 km từ Karachi đến Lahore (đường ống Bắc-Nam) với công suất 12.4 tỷ m3 mỗi năm. Đây là thỏa thuận kinh tế lớn nhất (1.7 tỷ USD) giữa hai nước kể từ khi Liên Xô xây dựng nhà máy thép Pakistan trong thập niên 1970.  Bị trì hoãn nhiều lần vì bất đồng thuế quan, dự án sẽ được thúc đẩy trong trong năm nay bởi công ty Nga RT – Global Resource.

Pakistan cũng đã mời Nga tham gia dự án điện Trung Á - Nam Á trị giá 1.16 tỷ USD (CASA-1000), sẽ cho phép xuất khẩu thủy điện dư thừa từ Tajikistan và Kyrgyzstan tới Pakistan và Afghanistan. Vào năm 2017, chính phủ Pakistan đã đi tiên phong, bắt đầu một thỏa thuận với Nga để xây dựng một nhà máy điện khí thiên nhiên (NGCC) 600MW ở Jamshoro, Sindh.

Quan hệ Mỹ-Pakistan đang ở mức thấp và điều này khiến Islamabad phải đa dạng hoá các mối quan hệ nước ngoài. Có những đối tác khác với nhiều con đường mới để có thể khiến quốc gia này mạnh hơn và ít bị tổn thương hơn từ sức ép bên ngoài.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ