• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sóng gió thương mại hé lộ một Bắc Kinh cô đơn "tột cùng" giữa lòng Washington

Kinh tế 20/05/2019 08:41

(Tổ Quốc) - Những diễn biến leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cho thấy sự đồng thuận khó gặp bên trong nước Mỹ.

Quan hệ tốt hơn với Trung Quốc từng là một vấn đề nhận được sự quan tâm từ cả hai đảng tại Washington. Bắt đầu từ chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon tới Bắc Kinh năm 1972, các chính quyền sau đó – cả Dân chủ và Cộng hòa – đều nỗ lực để cải thiện quan hệ với quốc gia châu Á.

Tổng thống Jimmy Carter "quay lưng" với Đài Loan, chính thức công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Tổng thống George H.W. Bush duy trì đối thoại với Bắc Kinh ngay cả sau sự kiện Thiên An Môn; còn Tổng thống Bill Clinton ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO…

Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, sự sẵn sàng và phụ thuộc như trên dường như ngày càng nhạt nhoà. CNN nhận định, nếu tại nhiều vấn đề ông Trump không chỉ mâu thuẫn với Đảng Dân chủ mà còn ngay cả chính Đảng Cộng hoà, thì trong trường hợp quan hệ Mỹ - Trung, hai đảng của nước Mỹ đều đồng thuận một lập trường cứng rắn trước Bắc Kinh; thậm chí một số nhà lập pháp còn kêu gọi một chính sách "mạnh tay" hơn.

"Có một sự cứng rắn rộng lớn về Trung Quốc tại cả cánh trái, cánh phải và ở giữa", Patrick Lozada, một giám đốc tại công ty tư vấn chính sách ASG nói. "Vấn đề với đồng thuận là nó thiếu vắng một sự tranh luận đối lập đáng tin cậy, các yếu tố thực tế tìm thấy ở hiện trường đôi khi bị mất đi do mọi người tranh đấu nhằm tìm xem ai là người có lập trường diều hâu hơn".

Sóng gió thương mại hé lộ một Bắc Kinh cô đơn tột cùng giữa lòng Washington - Ảnh 1.

Sau nhiều năm cải thiện theo chiều hướng tốt, giờ đây quan hệ Mỹ - Trung đứng trước giai đoạn mới? (ảnh: getty)

Cuộc chiến thương mại

Khi Tổng thống Trump công bố áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm ngoái, từng có những lời phàn nàn từ Đảng Dân chủ rằng, ông vẫn chưa làm đủ.

"Nuóc Mỹ phải có hành động mạnh mẽ, nhanh nhạy và chiến lược chống lại các chính sách thương mại thiếu công bằng của Trung Quốc", nữ nghị sỹ Nancy Pelosi phát biểu vào thời điểm đó. "Chính quyền Trump cần phải làm nhiều hơn nữa để đấu tranh cho công nhân và sản phẩm Mỹ".

Ngay cả hôm nay, khi việc gia tăng mức thuế đã bắt đầu ảnh hưởng tới cả người tiêu dùng và nhà sản xuất tại Mỹ, những chỉ trích của Đảng Dân chủ vẫn nhằm về cách thức thi hành của ông Trump, chứ không phải là mục tiêu ông nhắm tới.

"Chúng ta không nên có một cuộc chiến đa diện về thuế", Thượng nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer nói. "Tôi sẽ tập trung mọi thức vào Trung Quốc. Và kêu gọi châu Âu, Canada và Mexico đứng bên cạnh chúng ta và tập trung vào Trung Quốc. Bởi vì họ là mối nguy hại lớn".

Về phía Đảng Cộng hoà, những tiếng nói không hài lòng với động thái của ông Trump đã bị lu mờ bởi những nghị sỹ Cộng hòa tìm kiếm một lập trường thậm chí cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

"Tổng thống rất đúng đắn khi gia tăng áp lực lên Trung Quốc", Thượng nghị sỹ John Barrasso nói với CNN hồi giữa tuần. "Họ sẽ không thương lượng chút nào nếu không có những gì ngài Tổng thống đã làm… Tôi ủng hộ ông ấy".

Đồng thuận sâu rộng bên trong nước Mỹ 

Tôi khó có thể nghĩ ra được một sự đồng thuận nào khác trong chính sách đối ngoại Mỹ mà tiến triển nhanh và rộng như sự đồng thuận về Trung Quốc.

Richard Hass

"Tôi khó có thể nghĩ ra được một sự đồng thuận nào khác trong chính sách đối ngoại Mỹ mà tiến triển nhanh và rộng như sự đồng thuận về Trung Quốc", Richard Hass, giám đốc tổ chức Hội đồng về Quan hệ Đối ngoại, cho biết hồi tháng Hai.

Lozada, nhà phân tích từ ASG nhận xét: "Bắc Kinh đã thất bại trong việc nắm bắt được những thay đổi tự nhiên trong nền chính trị Mỹ và những lo ngại gia tăng về tốc độ cải cách chậm chạp của Trung Quốc. Khi ông Trump nhậm chức, họ coi ông là một doanh nhân mà không coi trọng những phát biểu của ông ấy về thương mại trong chiến dịch tranh cử, cũng như chủ nghĩa hoài nghi về vai trò của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu ở mọi mức độ".

Tuy nhiên, theo CNN, bất chấp thái độ hoài nghi và thù địch hướng về Trung Quốc tại Washington, mối quan hệ song phương được cải thiện trong quá khứ vẫn đem lại một số điểm tích cực cho cả hai nước.

Nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ sau khi gia nhập WTO năm 2000 trong khi bản thân nước Mỹ cũng hưởng những lợi ích từ nền sản xuất chi phí rẻ của Trung Quốc.

Cơ hội để mối quan hệ Mỹ - Trung chạm tới điểm đổ vỡ và trở thành một cuộc xung đột mở, là không nhiều nhưng có thật. Giới chức quân đội Mỹ từng cảnh báo về những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và trong vấn đề Đài Loan, khi Washington tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực – một động thái được Bắc Kinh miêu tả là khiêu khích.

Trong khi khả năng xảy ra xung đột thực sự gần như chắc chắn là không có, nhưng nguy cơ về một cuộc chiến tranh lạnh mới đang gia tăng, với các nước khác bị buộc phải chọn cân nhắc sẽ ủng hộ bên nào. Điều đó có thể tạo ra một khối đồng minh chống lại Washington.

Tháng Mười hai năm ngoái, cây bút bình luận Henry Luce viết, chính mối quan hệ tốt hơn giữa Washington và Bắc Kinh dưới thời Tổng thống Nixon, đã góp phần làm trầm trọng thêm rạn nứt giữa Trung Quốc và Liên Xô. Đây cũng là một trong những yếu tố dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô.

"Ông Trump đang cố gắng tạo nên một 'Nixon đảo ngược'", Luce nhận định. "Hàng thập kỷ hội tụ sẽ bị đảo ngược. Nó đang diễn ra với một tốc độ mà chính người Mỹ cũng phải ngạc nhiên".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ