Sống giữa thời đại Internet bùng nổ, bạn có biết mình đang ngồi trên một đống vàng?

Phạm Băng | 25-09-2020 - 06:56 AM

(Tổ Quốc) - Trong suy nghĩ của nhiều người, mục tiêu khởi nghiệp là "biến những ý tưởng trong đầu thành sản phẩm thực tế". Tuy nhiên, họ đã bỏ qua một điểm: Tất cả những mong muốn tốt đẹp này trước tiên phải được xây dựng dựa trên tiền đề rằng dịch vụ đó đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu của người dùng.

Chắc hẳn trong chúng ta ít nhiều cũng đều đã nghe về Instagram - một trạng mạng xã hội đình đám, với lượng người sử dụng khổng lồ. nhưng bạn có biết điểm xuất phát của Instagram như thế nào không?

Khởi điểm Instagram có tên là Burbn, một ứng dụng tích hợp nhiều loại tính năng khác nhau, từ xác định vị trí, lên kế hoạch, đến game giả lập, chia sẻ ảnh… Với một cấu trúc rắc rối, phân mảnh, Burbn đã tự mình đẩy những khách hàng tiềm năng ra xa. Chẳng ai có thể giải thích về Burbn trong một vài từ. Kết quả là sau một vài tuần phát hành, lượng người dùng của Burbn chỉ đạt gần 1.000 người và rơi vào trạng thái đình trệ.

Vào thời gian đó, Kevin, người sáng lập lên Burbn, có hai lựa chọn: hoặc là tiếp tục thêm các tính năng, biến Burbn thành một ứng dụng đa nhiệm; hoặc là tinh giản các chức năng và tập trung hoàn toàn và 1-2 nhu cầu cốt lõi. Sau quá trình xem xét, anh và đối tác quyết định chọn vế thứ hai. Họ nhận thấy người dùng thường thích sử dụng tính năng chia sẻ ảnh của Burbn nên trong tuần tiếp theo, cả hai đã tập trung và việc sản xuất sản phẩm mới.

Ngày nay, không còn nhiều người nhớ đến Burbn. Nhưng chắc hẳn bạn đã nghe qua đến phiên bản hồi sinh của nó. Đúng vậy, đó chính là trang mạng xã hội với giá hàng tỉ đô của sau này – Instagram. Rất nhiều sản phẩm ra đời từ ý tưởng chợt lóe lên trong đầu hoặc từ sở thích cá nhân của người sáng lập, nhưng đa số các sản phẩm thành công là nhờ quá trình phân tích nhu cầu hết sức kỹ lưỡng.

Vậy làm thế nào để phân tích nhu cầu người dùng? 

1. MỘT SẢN PHẨM THIẾT THỰC LÀ SẢN PHẨM ĐÁP ỨNG CHUẨN XÁC NHU CẦU CỦA NGƯỜI DÙNG

Zhang Xiao Long được biết đến như nhà sáng lập WeChat đầy thành công, nhưng trước đấy anh đã gặp rất nhiều trở ngại trong quá tình phát triển hộp thư QQ. Anh đã đề xuất thiết kế thêm chức năng đính kèm hộp thư QQ. Mặc dù tính năng mới được đề xuất này rất cao cấp, nhưng bản thân nhu cầu thì không tồn tại. Và quả nhiên, sau khi sản phẩm ra mắt được một ngày, tình trạng sử dụng của người dùng không tăng trưởng là bao. Tính năng này sau đó đã bị gỡ bỏ.

Qua đó chúng ta có thể thấy rằng nhu cầu cần phải xuất phát từ thực tế khách quan, chứ không phải từ những giả định mang tính chủ quan. So với việc giám đốc sản phẩm đột nhiên nảy ra ý tưởng bất chợt nào đó theo kiểu "cẩm thượng thêm hoa", việc ĐÁP ỨNG một cách CHUẨN XÁC, VỪA VẶN với NHU CẦU của người dùng rõ ràng là thiết thực hơn nhiều.

Sống giữa thời đại Internet bùng nổ, bạn có biết mình đang ngồi trên một đống vàng? - Ảnh 1.

2. MỘT SẢN PHẨM PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU CỨNG CỦA NGƯỜI DÙNG THÌ DOANH NGHIỆP MỚI CÓ KHÁCH HÀNG TRUNG THÀNH

Nhu cầu cũng có thật hoặc giả, và nhu cầu chân thực cũng được chia thành nhu cầu cứng và nhu cầu không cứng (nhu cầu linh hoạt).

Trong kinh tế học, nhu cầu cứng là dạng nhu cầu mà trong mối quan hệ cung - cầu của sản phẩm sẽ ít bị ảnh hưởng bởi giá cả, có thể hiểu là những nhu cầu tất yếu trong cuộc sống hằng ngày của mọi người.

Còn trong thế giới Internet, những nhu cầu cơ bản nhất có thể hiểu là thu thập thông tin, tập hợp các tư liệu sản xuất và và giao tiếp, kết nối với những người khác. Vì vậy, bạn có thể thấy rằng ba đại gia trong ngành Internet ở Trung Quốc: Baidu, Alibaba, Tencent, mỗi phe đã "hùng cứ một phương" ở 3 lĩnh vực này.

Lựa chọn NHU CẦU CỨNG đóng vai trò TỐI QUAN TRỌNG đối với sản phẩm. Nó có thể giúp chúng ta GIẢM THIỂU rủi ro trước khi triển khai dự án và XÓA BỚT trở ngại trong quá trình quảng bá dự án, nhưng sự cạnh tranh mà chúng ta phải đối mặt cũng sẽ khốc liệt hơn rất nhiều.

Sống giữa thời đại Internet bùng nổ, bạn có biết mình đang ngồi trên một đống vàng? - Ảnh 2.

3. MỘT SẢN PHẨM CHỈ PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ KHI CÓ MỘT THỊ TRƯỜNG TƯƠNG XỨNG

Khi bạn than thở rằng sản phẩm của mình lại bắt đầu tăng trưởng chậm lại, phải chăng nên ý thức rằng đó có thể do thị trường mà bạn lựa chọn ban đầu quá nhỏ nên giờ đây đã rơi vào nút thắt cổ chai?

Làm thế nào để đánh giá liệu nhu cầu có đủ lớn hay không? Thông thường có hai cách.

Đầu tiên là ước tính cơ số của người dùng mục tiêu, khả năng chi tiêu và ngân sách sẵn sàng. Sau đó, nhân các con số này với nhau để có được một con số sơ bộ, tiến hành so sánh và nghiệm chứng nó với báo cáo công khai của ngành đó hoặc các ngành tương tự.

Một cách khác là đánh giá thị trường mà bạn dự định tham gia, xác định xem giá trị sản phẩm trong thị trường đó là bao nhiêu, và sản phẩm của bạn thông qua việc cung cấp mức giá thấp hơn, chu kỳ sử dụng dài hơn... có thể nâng cao được bao nhiêu phần trăm hiệu suất, tiết kiệm được bao nhiêu giá thành. Từ đó sẽ tính toán được quy mô hoàn toàn mới so với giá trị sản phẩm ban đầu.

Ngoài việc xuất phát từ quan niệm thông thường và dữ liệu công khai, việc sử dụng các bảng xếp hạng khác nhau trên Internet, hoặc theo dõi mức độ phổ biến trên các công cụ tìm kiếm... cũng có thể giúp chúng ta đánh giá nhu cầu hiện tại của công chúng. Ví dụ: chức năng gợi ý trên hộp tìm kiếm của Google, có thể tự động bổ sung các từ khóa tìm kiếm hoàn chỉnh dựa trên nhu cầu tìm kiếm của cư dân mạng.

Sống giữa thời đại Internet bùng nổ, bạn có biết mình đang ngồi trên một đống vàng? - Ảnh 3.

4. MỘT SẢN PHẨM THÀNH CÔNG LÀ KHI BẢN THÂN NÓ GIÚP DOANH NGHIỆP TĂNG LỢI NHUẬN

Bất chấp tất cả, tìm mọi cách để vơ vét được càng nhiều người dùng ngay trong giai đoạn đầu càng tốt, còn mô hình lợi nhuận tạm thời bị gạt sang một bên — đó là thái độ của rất nhiều nhóm khởi nghiệp. Chỉ tiếc là những biểu hiện đông đúc, tấp nập đó chưa chắc sẽ giúp họ kiếm được nhiều tiền như mong muốn. Ngay cả những sản phẩm có lượng người dùng khá lớn trên thị trường, họ vẫn phải khổ công dùng đủ thủ đoạn để tìm ra phương pháp biến nhu cầu thành lợi nhuận.

Các đội nhóm giỏi sẽ tìm thấy nhu cầu thị trường phù hợp với "mã gen" của họ, giống như cô nàng Lọ Lem xỏ vào đôi giày pha lê vừa khít với chân mình. Điều đáng tiếc là không phải mọi đôi chân trên thị trường đều được xỏ vào những đôi giày phù hợp, và không phải tất cả các đôi giày đều là giày pha lê.

Tìm kiếm cơ hội thị trường phù hợp trong quá trình phân tích nhu cầu, từ đó xây dựng định hướng sản phẩm và chiến lược phát triển — đó là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà mỗi một nhà khởi nghiệp đều phải chuẩn bị trước khi triển khai dự án của mình.

Sống giữa thời đại Internet bùng nổ, bạn có biết mình đang ngồi trên một đống vàng? - Ảnh 4.

Trên đây là bốn bước đảm bảo cho doanh nghiệp có một chỗ đứng vững chãi trên thị trường mục tiêu. Xu thế xã hội luôn không ngừng thay đổi mỗi ngày. Nếu một công ty có ý tưởng kinh doanh vẫn còn thích hợp với ngày nay thì nên tiếp tục thực hiện nhưng cũng phải cải tiến những điểm đã lạc hậu để đi cùng thời đại. Hãy có tầm nhìn, sáng suốt và một lí trí tỉnh để khởi sự thành công.

*Bài viết tham khảo nội dung cuốn "Internet phù phép: Thuật quảng bá kì lạ với chi phí 0 đồng" của tác giả Phạm Băng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM