"Sống sót trong kỷ nguyên mới": Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì? - BQ chính là chìa khoá!

Trịnh Minh Tuấn | 11-10-2020 - 09:20 AM

(Tổ Quốc) - Buổi nói chuyện giữa ông Hiroshi Rinno, chủ tịch Credit Saison và ông Trịnh Minh Tuấn, CEO Quảng Văn Books xung quanh nội dung và thông điệp của tựa sách mới xuất bản – "BQ: Năng lực sống sót trong kỷ nguyên mới" đã khơi gợi nhiều vấn đề về cách các doanh nghiệp Việt Nam ngày hôm nay phải ứng phó với một khung cảnh luôn biến động.

Trịnh Minh Tuấn: Thưa ông, trong cuốn sách "BQ: Năng lực sống sót trong kỷ nguyên mới", ông có nhấn mạnh coi trọng tự do cá nhân và sự quan tâm tới các vấn đề xã hội như những yếu tố cần thiết giúp một lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng chiến lược cũng như thích ứng trong bối cảnh đời sống xã hội biến đổi không ngừng.

Từ kinh nghiệm của một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh tại Nhật Bản, theo ông, các doanh nhân Việt Nam cần nhận thức ra sao và làm gì để khai thác tốt nhất hai yếu tố kể trên?

Hiroshi Rinno: Trước hết, cần khẳng định rằng, giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn tồn tại những khác biệt nhất định. Sự khác biệt đó xuất phát từ nhiều yếu tố tương đối "cứng" như môi trường sống, lịch sử, thể chế chính trị, pháp quyền hay đặc trưng nền kinh tế. Trong quá khứ, Nhật Bản có điều kiện vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế lớn tại châu Á và trên thế giới nhờ nắm bắt cơ hội mở cửa, tiếp nhận công nghệ, tri thức, văn minh phương Tây mặc dù nước Nhật vào thế kỉ 19 không khác hoàn cảnh Việt Nam bao nhiêu. Tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam đang đạt được tiến bộ nhanh chóng trong nỗ lực phát triển kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc gia và khẳng định uy tín quốc tế. Nhiều chuyên gia đã dự đoán về tương lai Việt Nam trở thành một cường quốc hạng trung ở châu Á dựa trên quy mô dân số, sức mạnh kinh tế, công nghệ. Những thành tựu trong phát triển kinh tế hiện nay có đóng góp rất lớn từ bộ phận doanh nhân, bao gồm cả những nhóm khởi nghiệp và các nữ doanh nhân.

Sống sót trong kỷ nguyên mới: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì? - BQ chính là chìa khoá! - Ảnh 1.

"BQ - Năng lực sống sót trong kỷ nguyên mới" - cuốn sách gối đầu giường của nhiều doanh nhân thành đạt

Tôi cho rằng, để vun đắp tinh thần tự lực, ý chí cũng như tầm nhìn của giới doanh nhân Việt Nam, vai trò của yếu tố tự do cá nhân, trình độ nhận thức, hiểu biết trở nên tối quan trọng. Trên con đường đi tới đích tiến bộ, thịnh vượng, bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cần phải liên tục tự học, tự trau dồi tri thức, kĩ năng. Chính việc khuyến khích yếu tố tự do, tinh thần tự lực khai sáng trong một tổ chức như doanh nghiệp mới tạo nên động năng thúc đẩy sự phát triển. Bên cạnh đó, như chia sẻ của tôi trong cuốn sách, một doanh nhân cần hướng mối quan tâm của mình tới các chủ điểm xã hội vì đó là "hơi thở" của thị trường, là cơ sở tồn tại phát triển của một tổ chức, nơi cung cấp ý tưởng cũng như xác lập uy tín, vị thế doanh nghiệp. Tóm lại, bên cạnh lợi thế so sánh sẵn có, sự trưởng thành lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những yếu tố này.

Trịnh Minh Tuấn: Ngoài ý chí tự do, khả năng bao quát các vấn đề xã hội, để gia tăng chỉ số nhạy cảm cá nhân (SQ) thì năng lực tưởng tượng, sáng tạo, am tường khoa học, nghệ thuật, văn chương cũng như sự gần gũi với thiên nhiên đều có vai trò thiết yếu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này dường như chỉ quen thuộc với một số gia đình thuộc tầng lớp trí thức thượng lưu và trung lưu mà thôi.

Vậy thì, làm thế nào để các doanh nhân Việt Nam coi trọng các hoạt động khoa học, văn chương, thấy được ý nghĩa từ đời sống gần gũi với thiên nhiên để vun đắp sự nhạy cảm trong bản thân?

Hiroshi Rinno: Hiểu đúng đắn là cơ sở để học hỏi. Năng lực tưởng tượng, sáng tạo chỉ có thể hình thành thông qua quá trình quan sát, khám phá, giao tiếp và suy ngẫm. Hầu hết các nhà văn, kịch nghệ gia, họa sĩ, nhà khoa học, thậm chí nhà quân sự nổi tiếng trên thế giới đều có nền tảng tri thức phong phú, sâu rộng.

Đi sâu vào thế giới tri thức bằng ý thức về cái tôi nhỏ bé sẽ mở ra vô vàn cơ hội học hỏi cho con người. Hiểu về những điều gửi gắm qua hội họa, âm nhạc, nghệ thuật khiến đời sống trở nên màu sắc hơn, thi vị hơn, chỉ số nhạy cảm SQ cũng gia tăng, bổ sung, làm sâu sắc hơn cho IQ và EQ.

Tôi cho rằng, IQ, EQ, SQ hay bất cứ chỉ số nào khác mang tính định tính hay định lượng, đều không thể nhanh chóng có được nếu chỉ thông qua một vài khóa học hay việc đọc một số cuốn sách của tác gia tầm cỡ thế giới. Biết rõ bản thân còn tồn tại yếu khuyết nào, không ngừng nỗ lực bổ sung kiến thức nhờ tự học, đọc sách, chăm chỉ lao động, học hỏi kĩ năng từ thực tế đời sống mới có thể giúp các doanh nhân vượt qua sự tự khuôn khổ của chính mình, vượt qua nỗi sợ cố hữu để tạo đột phá và tiến ra thị trường quốc tế.

Sống sót trong kỷ nguyên mới: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì? - BQ chính là chìa khoá! - Ảnh 2.

CEO Quảng Văn Books Trịnh Minh Tuấn

Trịnh Minh Tuấn: Một trong những luận điểm thú vị được ngài đưa ra trong cuốn sách là mỗi một tổ chức kinh doanh phải có khả năng đào tạo và giáo dục. Có lẽ đây là một điểm khác biệt khá lớn giữa doanh nhân và doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nhân và doanh nghiệp ở Việt Nam. Ở Quảng Văn, chúng tôi đang khởi động một salon giáo dục – văn hóa tương tự như salon của Credit Saison nhằm từng bước hiện thực hóa ý tưởng về sứ mệnh quảng bá tri thức của công ty chúng tôi.

Vấn đề đặt ra là, chúng ta sẽ cần kiến tạo một môi trường giáo dục – đào tạo trong nội bộ tổ chức kinh doanh ra sao? Liệu có một gợi ý nào hữu ích cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam hay không?

Hiroshi Rinno: Theo tôi, sự phát triển của nền kinh tế hay các doanh nghiệp cũng đi theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên, ta sẽ phải bắt chước, mô phỏng những doanh nghiệp đi trước từ kinh nghiệm, lý thuyết đến thực tiễn vận hành. 

Giai đoạn thứ hai mới bắt đầu nghĩ tới đối tượng của mình là ai và tạo ra các sản phẩm hướng tới đối tượng của mình, tạo lập bản sắc và giá trị cốt lõi định hình nên phong cách, đặc trưng sản phẩm, đặc điểm nhân sự của doanh nghiệp. 

Tới giai đoạn kế tiếp nữa mới là giai đoạn cải tiến. Để cải tiến thì không chỉ cần có IQ mà còn cần môi trường khuyến khích tinh thần đưa ra ý kiến, trao đổi, phản biện trong công việc. Như vậy, họ mới có thể phát huy hết khả năng sáng tạo, chủ động của mình.

Sống sót trong kỷ nguyên mới: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì? - BQ chính là chìa khoá! - Ảnh 3.

Ông Hiroshi Rinno - tác giả cuốn sách "BQ - Năng lực sống sót trong kỷ nguyên mới"

Theo ý nghĩa đó, một tổ chức, một doanh nghiệp cần có khả năng "tự giáo dục", "tự đào tạo". Muốn đạt được sự đồng thuận về khuynh hướng tiến bộ chung, lãnh đạo doanh nghiệp cần ý thức nghiêm túc về việc biến quá trình làm việc thành quá trình tự giáo dục, học qua làm việc, làm việc để trau dồi và mở mang tri thức. Tấm gương tự học của người lành đạo có ý nghĩa lớn với một tổ chức ở Á Đông, nơi mà ngay cả giá trị cũng được phổ cập từ trên xuống. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần tạo lập một môi trường khuyến khích sự học tập của chính nhân viên, như xây dựng tủ sách chuyên môn, tủ sách kĩ năng, tổ chức định kì các buổi nói chuyện, đào tạo kĩ năng chuyên biệt, bàn luận về sản phẩm, thuyết trình…

Ý tưởng tổ chức và duy trì một kiểu salon giáo dục song hành với hoạt động thường nhật của công ty rất thú vị. Kinh nghiệm của Nhật Bản và một số nước Âu – Mĩ cho thấy tính khả thi cao của mô hình "không gian mở" (hay không gian công – public zone), nơi tự do và khai minh hình thành từ các cuộc thảo luận công khai, nơi tri thức được tương tác, phản biện. Nếu ở Việt Nam đã xuất hiện những hình thức như salon giáo dục văn hóa thì điều đó thật tốt.

Khi lãnh đạo và nhân viên của mình cùng ý thức biến tự giáo dục, tự đào tạo thành một phần của văn hóa doanh nghiệp, chúng ta sẽ sớm có một xã hội học tập với các doanh nghiệp là động lực.

Trịnh Minh Tuấn: Vâng, có lẽ phải cần một tinh thần công dân, xã hội dân sự và một nền giáo dục khai phóng mới tạo ra được một văn hóa doanh nghiệp như vậy.

Theo tôi được biết, Nhật Bản hiểu biết rất nhiều về nước Anh và cũng học hỏi Anh quốc rất nhiều. Và trong lời kết cuối sách, ngài Rinno có dự đoán rằng so sánh với lịch sử nước Anh thì có lẽ khoảng mười lăm năm nữa kể từ năm 2012, sẽ xuất hiện những nữ lãnh đạo xuất sắc. Việt Nam có chung một nền văn hóa Á Đông với Nhật Bản và hiện nay cũng đã xuất hiện khá nhiều những nữ lãnh đạo xuất sắc, ví dụ như chị Nguyễn Thị Phương Thảo chẳng hạn.

Vậy hiện giờ, ở Nhật Bản đã xuất hiện các nữ lãnh đạo xuất sắc như dự đoán của tác giả hay chưa, và tác giả có suy nghĩ gì khi ở Việt Nam, dù trình độ phát triển kinh tế chưa bằng Nhật Bản nhưng lại xuất hiện nhiều nữ doanh nhân và có ảnh hưởng lớn như vậy?

Hiroshi Rinno: Từ tìm hiểu của bản thân, tôi nhận thấy Anh quốc và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về lịch sử phát triển quốc gia. Anh quốc là một quốc gia phát triển từ lâu đời và dường như đã dần đi tới giai đoạn thoái trào, hiện tại không chỉ nền kinh tế mà nhiều nền tảng khác của nước Anh cũng đã giảm sút vị thế rất nhiều so với các thế kỉ trước. Với Nhật Bản, sau chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế cũng phát triển tương tự như vậy và từ cuối thập niên 1980 cũng bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái. Nói rằng, Nhật Bản học tập từ Anh quốc tri thức, công nghệ, kĩ năng quản trị… không sai và chuyện học hỏi này hoàn toàn bình thường.

Ở Nhật Bản hiện nay, nếu nói tới nữ lãnh đạo, ví dụ như nữ giới làm thủ tướng chẳng hạn, thì trong giới chính trị gia của Nhật rất tiếc là chưa có. Còn lãnh đạo ở các công ty thì cũng có một số người tôi rất nể phục, nhưng vẫn còn tương đối mờ nhạt.

Sống sót trong kỷ nguyên mới: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì? - BQ chính là chìa khoá! - Ảnh 4.

Cuốn sách "BQ - Năng lực sống sót trong kỷ nguyên mới" được rất nhiều doanh nhân Việt yêu thích

Khi nhìn vào trường hợp Việt Nam thì tôi thấy, ví dụ như bà Nguyễn Thị Phương Thảo chẳng hạn, là một phụ nữ rất trẻ mà đã gây dựng nên được một cơ đồ lớn như thế, tôi cảm thấy rất nể phục, và cũng là may mắn rất lớn khi Credit Saison có cơ hội hợp tác và đầu tư vào công ty liên doanh với HD bank của bà Thảo.

Nói chung, phụ nữ Việt Nam rất tháo vát, chăm chỉ, nhân hậu, là lực lượng kinh tế thiết yếu của xã hội xưa và nay. Tôi tin chắc rằng, vị thế xã hội, kinh tế của nữ giới ở Việt Nam sẽ còn được nâng cao hơn nữa. Những hình mẫu như bà Phương Thảo chắc chắn sẽ truyền cảm hứng về một con người nhờ ý chí cao mà đạt được thành công tới giới phụ nữ Việt Nam và qua đó xóa bỏ định kiến xã hội về giới nữ.

Trịnh Minh Tuấn: Ở Việt Nam hiện nay có một bộ phận doanh nhân trẻ thần tượng và có khát vọng xây dựng mô hình hay hình mẫu doanh nhân theo các thế hệ doanh nhân của người sáng lập Panasonic hay Sony. Tuy nhiên lại có một số khác muốn hướng tới những lãnh đạo trẻ, ví dụ như nhà sáng lập Cyber Agent chẳng hạn. Chắc chắn đây sẽ là một luận điểm gây tranh cãi, tạo ra những thảo luận trái chiều. Vậy, ngài nghĩ sao trước tình huống gây tranh luận như vậy?

Hiroshi Rinno: Các doanh nghiệp như Sony hay Panasonic trước kia xây dựng được một thương hiệu như vậy là do họ đã tận dụng được sự tiến bộ của nền cách mạng công nghiệp thời kỳ đó, tập trung vào năng lực sản xuất. Nhưng hiện tại, ở nền kinh tế Nhật Bản, nhu cầu cá nhân về mua sắm đã chiếm tới hơn 60-70% rồi, và nếu muốn tiếp tục phát triển hơn nữa thì chúng ta không thể chỉ dựa vào những tiến bộ của thời kỳ trước được mà phải dựa trên những tiến bộ của thời đại mới, đòi hỏi chúng ta phải tập trung vào năng lực nhạy cảm thay vì năng lực sản xuất như trước, để hiểu được khách hàng đang hướng đến cái gì.

Hiện nay, những ngành tài chính – tiêu dùng cá nhân, hoặc những công ty như Cyber Agent lại đang là một mắt xích để phát triển nền kinh tế. Cyber Agent nổi lên như hình mẫu mới về lãnh đạo trẻ, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, nắm bắt thị hiếu thay đổi từng ngày của khách hàng để cung cấp dịch vụ.

Tôi nghĩ rằng, việc theo đuổi một hình tượng lãnh đạo cũng đồng thời theo đuổi một phong thái lãnh đạo, một mô hình vận hành doanh nghiệp. Lựa chọn một thứ tức là phải loại bỏ những lựa chọn khác. Doanh nhân Việt Nam ngưỡng vọng thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp nào của Nhật Bản cũng cần tỉnh táo, học hỏi những cốt lõi làm nên thành công cũng như cả bài học thất bại của họ, từ đó xem xét trong trường hợp của mình. Thay vì mải miết chọn lựa thì hãy bình tâm để suy nghĩ về con đường của riêng mình, dĩ nhiên là trên nền tảng sự biết về kẻ khác.

Trịnh Minh Tuấn: Vâng. Vậy là, xét đến cùng, điều cần thiết cho các doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam hiện nay là một ý thức rõ ràng và đầy đủ về năng lực tự học hỏi, tự giáo dục, bồi dưỡng không chỉ các tri thức chuyên môn nghề nghiệp, mà cả cảm thụ nghệ thuật văn chương theo tinh thần khai phóng, nhân văn. Trên hết, chúng ta cần biết chúng ta đang yếu ở đâu, có thể học ở đâu và có thể làm được những gì trong khả năng của mình.

Cảm ơn ngài vì buổi nói chuyện rất thú vị này!

Hiroshi Rinno: Tôi rất vinh hạnh. Xin cảm ơn.


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Mỹ Linh và Uyên Linh xinh đẹp, rạng rỡ bên dàn sao tại sự kiện của Clé de Peau Beauté

(Tổ Quốc) - Clé de Peau Beauté vừa ra mắt bộ sản phẩm chống lão hoá "Những Nghệ Nhân Thời Đại" tại sự kiện ngày 14/4. Những khách mời đặc biệt như Diva Mỹ Linh, ca sĩ Uyên Linh cùng các nghệ sĩ đã có mặt để trải nghiệm Kem dưỡng mắt Eye Contour Cream Supreme và tinh chất nâng cơ Firming Serum Supreme mang Công nghệ Chạm Khắc Đường Nét Tương Lai.