• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sự thật đằng sau luận điệu tuyên truyền xây dựng quân đội chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Thời sự 01/10/2018 16:36

(Tổ Quốc) - Phi chính trị hóa” Quân đội là một thủ đoạn nguy hiểm mà các thế lực thù địch thực hiện, nhằm vô hiệu hóa công cụ bạo lực để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Tuy không mới, nhưng hết sức nguy hiểm, cần cảnh giác và chủ động nhận diện, kiên quyết đấu tranh bằng các giải pháp phòng, chống hiệu quả.

Thời gian qua, trên một số trang báo điện tử của các tổ chức phản động, thù địch xuất hiện nhiều bài viết hô hào về xây dựng quân đội chuyên nghiệp ở Việt Nam với những luận điểm như: Với trình độ lạc hậu của Quân đội Việt Nam hiện nay thì không thể bảo vệ được chủ quyền biển đảo, cần phải có quân đội chuyên nghiệp và hiện đại. Muốn vậy thì nên bỏ lực lượng dân quân tự vệ, giảm quân số chính quy, chỉ tập trung xây dựng quân đội chuyên nghiệp; quân đội chuyên nghiệp là của nhà nước, chỉ phục tùng nhà nước, do dó phải luật hóa để quân đội đứng ngoài chính trị… Đây là những luận điệu phi khoa học, phản thực tiễn, đi ngược lại đường lối của Đảng ta về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và quan điểm “Xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân”[1]

Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, do dân và vì dân, là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với quan điểm quốc phòng hòa bình và tự vệ, tất yếu Quân đội đó cần phải được xây dựng hùng mạnh, nhưng hiện đại từng bước phù hợp với thực tiễn Việt Nam (ảnh minh họa- nguồn: chinhphu.vn)

Trên thế giới hiện nay, nhiều nước, nhất là các nước phương Tây đã và đang xây dựng loại quân đội này. Ở nước Mỹ, những người có nhu cầu, được đăng ký tình nguyện tham gia quân đội chuyên nghiệp, được tuyển chọn, huấn luyện kỹ lưỡng và được trả lương. Tuy nhiên, luật pháp nước Mỹ cũng qui định, không chỉ có quân đội chuyên nghiệp (nhà nghề) mà còn qui định cả quân đội nghĩa vụ, khi cần thiết nhà nước tiến hành động viên quân dịch. Điều đó cho thấy, quân đội chuyên nghiệp chỉ là một bộ phận, chứ không phải là duy nhất.

Hiện nay, trong Quân đội nhân dân Việt Nam cũng có một bộ phân chuyên nghiệp, đó là những người làm việc ở những lực lượng, bộ phận đặc thù, đòi hỏi chuyên môn sâu như lái máy bay, tàu ngầm… đó là những công dân Việt Nam được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện kỹ lưỡng để trở thành những người lính chuyên nghiệp và họ sẽ gắn bó suốt cuộc đời quân ngũ với nhiệm vụ của mình cho đến khi nghỉ hưu hay xuất ngũ. Thế nhưng, Đảng và Nhà nước ta lại không chủ trương xây dựng Quân đội chuyên nghiệp, bởi vì chúng ta xây dựng Quân đội là để bảo vệ Tổ quốc, còn nhiều nước khác trên thế giới, họ xây dựng quân đội với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia của họ, mà lợi ích quốc gia của họ lại mang tính toàn cầu. Nói một cách khác là họ có thể đưa quân để giải quyết “các vấn đề” ngoài quốc gia của họ.

Luận điệu cho rằng trình độ của Quân đội Việt Nam lạc hậu, cần phải tiến thẳng lên hiện đại, chuyên nghiệp mới đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo là luận điệu suy đoán, phi thực tiễn. Bởi sự thất bại “tâm phục, khẩu phục” của quân đội không chỉ của một nước, mà của một số nước có tiềm lực rất mạnh trên thế giới khi xâm lược Việt Nam là thực tiễn hùng hồn để minh chứng sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Còn “lời khuyên” phải tiến ngay lên hiện đại, chuyên nghiệp trong xây dựng quân đội của những người “tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” lại cho thấy “sự khiếm khuyết không hề nhỏ” về kiến thức quân sự, quốc phòng và thực tiễn Việt Nam. Bởi tính chất hiện đại của quân đội phụ thuộc tiên quyết vào điều kiện kinh tế và trình độ khoa học, công nghệ của mỗi quốc gia. Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương tiếp tục xây dựng Quân đội từng bước hiện đại là hoàn toàn đúng đắn. Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, do dân và vì dân, là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa với quan điểm quốc phòng hòa bình và tự vệ, tất yếu Quân đội đó cần phải được xây dựng hùng mạnh, nhưng hiện đại từng bước phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, bên cạnh đội ngũ những người hiện đại, chuyên nghiệp để làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại trong Quân đội thường trực, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Việt Nam cần một lực lượng rất hùng hậu những công dân biết kỹ năng, kỹ thuật, chiến thuật, nghệ thuật quân sự Việt Nam để sẵn sàng huy động tạo lên sức mạnh đối phó thắng lợi với chiến tranh (nếu xảy ra). Điều này cho thấy, những luận điệu tuyên truyền, hô hào của các thế lực thù địch đều hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn đất nước và đi ngược đường lối, quan điểm quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc của của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Mục đích của các thế lực thù địch, phản động hướng đến trong các luận điệu tuyên truyền đó là “phi chính trị hóa” Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bởi theo luận điệu của họ thì khi thúc đẩy xây dựng Quân đội ta theo hướng quân đội chuyên nghiệp thì đi liền với nó cũng là quá trình Quân đội thoát li ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng ta. Đây là luận điệu phi hoa học, phản thực tiễn. Về mặt lý luận cho thấy, bất kỳ quân đội nào ra đời đều gắn liền với một giai cấp thống trị xã hội và nhà nước của giai cấp ấy. Giai cấp, nhà nước nào tổ chức ra, nuôi dưỡng quân đội thì chi phối quyết định đến bản chất chính trị giai cấp, mục tiêu chiến đấu của quân đội và quân đội đó sẽ trở thành công cụ bạo lực để bảo vệ địa vị thống trị và lợi ích của giai cấp, nhà nước đã tổ chức ra, nuôi dưỡng nó. Ngay từ thời cổ đại ông Claurơvit (nước Phổ) cũng đã từng khẳng định chiến tranh là sự kế tục của chính trị (là qui luật) và quân đội là lực lượng nòng cốt để tiến hành chiến tranh. Như vậy, quân đội không thể và không bao giờ thoát ly khỏi chính trị. Quân đội là công cụ bạo lực của một nhà nước, tất yếu nó mang bản chất giai cấp và chiến đấu vì mục tiêu chính trị của một nhà nước nhất định. Thực tiễn trên thế giới (nhất là các nước phương tây – những nước hô hào, chủ xướng về vấn đề này) cũng đã chứng minh rõ ràng, mọi giai cấp thống trị xã hội và nhà nước của nó đều trực tiếp tổ chức ra, nuôi dưỡng và sử dụng quân đội làm công cụ bạo lực để bảo vệ địa vị thống trị của mình, không có và không thể có quân đội phi giai cấp, phi chính trị, trung lập. Đây là vấn đề có tính qui luật.

Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, mang bản chất giai cấp công nhân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước ta tổ chức ra, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện, nuôi dưỡng Quân đội nhân dân Việt Nam thì Quân đội ta tất yếu là công cụ bạo lực chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì hạnh phúc của nhân dân. Chính vì vậy mà để thay đổi, chuyển hóa chế độ chính trị xã hội ở nước ta, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức hô hào quân đội phải được xây dựng chuyên nghiệp, phải tách rời khỏi sự lãnh đạo của Đảng, tách rời khỏi trách nhiệm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nghĩa là nhằm tước bỏ công cụ bạo lực  của Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác, luận điệu tuyên truyền thù địch, phản động của chúng còn nhằm ý đồ làm suy yếu tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, tiến đến làm suy yếu sức mạnh bảo vệ Tổ quốc và triệt tiêu những cơ sở, điều kiện để chúng ta tiến hành chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra). Đồng thời, còn làm cho Quân đội ta xa rời nhân dân, biến cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội trở thành những người lính chuyên nghiệp hưởng lương (như quân đội Ngụy Sài Gòn trước đây), nhưng lại không có sức mạnh bởi không có lý tưởng đúng đắn và kết quả cuối cùng là làm cho Quân đội mất phương hướng chính trị và mục tiêu chiến đấu, dẫn đến rệu rã, suy yếu và bị vô hiệu hóa. Bài học đắt giá từ sự “phi chính trị hóa” quân đội của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn../.

 

--------------------------------------

Tài liệu tham khảo

- Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Hà Nội, 2013.

- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG – ST, Hà Nội, 2016.



[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NxB CTQG, trang 149.

Thượng tá, Thạc sỹ Nguyễn Minh Thành

NỔI BẬT TRANG CHỦ