• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sự thật khó lường về sức mạnh các lực lượng tinh nhuệ nhất của Mỹ khi đối đầu Trung Quốc

Thế giới 17/05/2020 13:52

(Tổ Quốc) - Giới chuyên gia cho rằng, các lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ không được trang bị tốt để đối phó với Nga và Trung Quốc.

Tờ Financial Times dẫn lời một số chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh chính quyền Trump xoay trục từ "cuộc chiến chống khủng bố" sang cuộc tranh đấu giữa các đối thủ địa chính trị, các lực lượng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ của Mỹ không được trang bị tốt để chiến đấu trong cuộc chiến tranh công nghệ cao với Nga và Trung Quốc.

Các lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ – nổi tiếng với nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu giá trị cao, gồm khoảng 70.000 quân nhân với chi phí hoạt động là 13 tỷ USD/năm và đảm nhận phần lớn trọng trách trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ họ sẽ đóng vai trò như thế nào khi Lầu Năm góc chuẩn bị tái triển khai quân lính từ Afghanistan tới Ấn Độ Dương nhằm đối phó với các tham vọng khu vực của Trung Quốc.

Phát biểu tại một hội nghị mới đây, Chỉ huy bộ tư lệnh các lực lượng đặc biệt (Socom), Tướng Richard Clarrke cho rằng, Mỹ cần phải phát triển các năng lực mới để "chiến đấu và chiến thắng" trước Nga và Trung Quốc. Ông bổ sung, Socom phải phát triển các kỹ năng không gian mạng và tập trung vào những chiến dịch gây ảnh hưởng hơn là "các sứ mệnh bắt-giết" - vốn là đặc trưng cho thời kỳ của ông tại Afghanistan sau các cuộc khủng bố ngày 11/9/2001. Những tay súng của Socom bao gồm Nhóm triển khai Chiến tranh đặc biệt Hải quân Mỹ (Navy Seal), Lực lượng Đặc biệt Quân đội Mỹ (hay còn gọi là lính Mũ nồi Xanh) và Lính đột kích Thủy quân lục chiến.

Sự thật khó lường về sức mạnh các lực lượng tinh nhuệ nhất của Mỹ khi đối đầu Trung Quốc - Ảnh 1.

(ảnh minh hoạ: getty imgaes)

Theo giới chức quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã gia tăng ngân sách và nghiên cứu quốc phòng, hướng tới mục tiêu tận dụng các đặc điểm dễ tổn thương của Mỹ. Cùng lúc, Nga cũng đã thử nghiệm nhiều công nghệ vũ khí mới trong cuộc chiến tại Syria.

"Có thể chúng ta đã ở tụt hậu ở phía sau xa hơn những gì mình nhận biết được", Đại tá Michael McGuire, giám đốc phát triển cận chiến tại Socom nhận định trong hội nghị thường niên mang tên Ngành công nghiệp Tác chiến Đặc biệt. Do dịch bệnh COVID-19, lần đầu tiên hội nghị phải tiến hành trực tuyến. "Mọi thứ đang chuyển động nhanh hơn rất nhiều so với sự kỳ vọng của chúng ta", ông McGuire nói về những mối đe dọa mới, đặc biệt viện dẫn tình trạng xói mòn của các lợi thế quân sự truyền thống từng thuộc về Mỹ trên bầu trời, không gian và viễn thông.

Đại tá McGuire còn nêu lên những điểm yếu của Mỹ trong an ninh mạng và những chiến thuật sức mạnh mềm được các đối thủ của Mỹ sử dụng, từ đó có thể "làm nảy sinh những vết rạn nứt thông qua một số đồng minh của chúng ta". Ông cũng đề xuất nên chuyển đổi trọng tâm sang phòng thủ hơn là tấn công.

Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng, các lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ nên đảm nhận một vai trò mang tính hỗ trợ hơn và mở rộng các hoạt động tâm lý của mình. Tuy nhiên, những người khác kêu gọi cần phải nhanh chóng phát triển các vũ khí tàng hình và công nghệ hiện đại mới.

"Anh có thể có hàng trăm nghìn nhiệm vụ mỗi ngày trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc. Chúng ta không chỉ không đủ nhanh, không đủ linh hoạt và không đủ quy mô để đối phó với thách thức đó", ông Chris Brose – chiến lược gia trưởng của công ty công nghệ quốc phòng Andruil chỉ ra. Ông cũng cảnh báo, các vệ tinh có thể bị vô hiệu hoá, thậm chí là bắn rơi khỏi quỹ đạo.

Mặc dù vậy, theo ông Brose, cuộc chiến với Bắc Kinh có lẽ sẽ không phải là một cuộc đối đầu tổng lực. "Phần lớn trong cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không dẫn tới thế chiến thứ 3", ông phân tích. "Đó sẽ là tấn công lẫn nhau phía dưới bàn". Vị chiến lược gia ám chỉ tình báo, các chiến dịch gây ảnh hưởng và phá hoại.

"Nó sẽ không phải là Abbottabad mà sẽ rất khác biệt", ông Brose đề cập tới cuộc đột kích năm 2011 của lực lượng Navy Seal tại Pakistan đã khiến trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt.

Trong nhiều năm, các lực lượng tác chiến tinh nhuệ của Mỹ đã thống trị nơi sa trường. Tuy nhiên, giờ đây họ lại phải đối mặt với những điều kiện chưa từng thấy  trong bất kỳ cuộc chiến nào đối với Trung Quốc. Quốc gia châu Á đã phát triển kho vũ khí bao gồm tên lửa, phi cơ chiến đấu, máy bay trinh sát và các công nghệ nghe trộm – can thiệp khác có thể khiến quân đội Mỹ rất khó để che giấu quân lính, phương tiện và liên lạc.

Một chỉ huy Socom chỉ ra, cơ quan này cần phải lập kế hoạch các chiến dịch không sử dụng GPS hay tiếp cận với vệ tinh. Họ cần phát triển các thiết bị rẻ hơn, nhiều hơn và dễ thay thế trong trường hợp vệ tinh bị bắn rơi.

"Các lực lượng tác chiến đặc biệt buộc phải tìm một cách để vận hành trong một cuộc chiến bằng súng và các viễn cảnh khác mà không có liên lạc với nhau", người này nói. Ông cũng bổ sung, các đơn vị cần phải bị gián đoạn kết nối với cấp chỉ huy cao hơn và tiến các kế hoạch trên chiến trường với "ít sự giám sát hơn những gì chúng ta từng tập luyện trong cuộc chiến chống khủng bố gần đây".

Một nhân viên tình báo khác chỉ ra, văn hóa truyền thống của quân lính đã bị thay đổi theo yêu cầu chiến đấu trực tiếp trong các chiến dịch chống khủng bố. Ông kêu gọi các lực lượng đặc biệt cần quay lại với gốc rễ chiến tranh lạnh của mình.

"Các lực lượng đặc biệt trước đây là tàng hình, khéo léo và có thể trà trộn…", quan chức tình báo cho hay. Những tính chất này, theo ông, sẽ có hiệu quả hơn trong những nỗ lực đối phó với Trung Quốc.

Những binh lính trong các lực lượng đặc biệt của Mỹ đã trải qua huấn luyện ngoại ngữ và thường đào tạo, cố vấn và hỗ trợ quân đội nước ngoài tại các quốc gia đồng minh đang phải đối mặt với những nguy cơ đến từ Trung Quốc và Nga.

Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Đánh giá Ngân sách Tom Mahnken nhận định, các lực lượng đặc biệt Mỹ cần "lấy lại được sự tài giỏi trên mọi địa hạt" mới có thể đối phó được với Trung Quốc. Tuy nhiên, gần như chắc chắn họ sẽ bị "kéo lại" bởi các chiến dịch chống khủng bố đang diễn ra và hiện vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của chính quyền Trump.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ