• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sự “tự tin” của những thí sinh được nâng điểm

Giáo dục 25/04/2019 08:30

(Tổ Quốc) - Ngày 23/4, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý một số thông tin báo chí phản ánh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xử lý nội dung báo Lao động điện tử ngày 11/4/2019 nêu: "28 sinh viên Hòa Bình gian lận điểm thi bị trả về: Thí sinh Hà Giang xử lý sao?", báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo nội dung bài báo này, có 28 trong tổng số 64 thí sinh liên quan tới gian lận thi cử tại Hòa Bình đã bị Bộ Công an trả về địa phương. Dư luận đặt câu hỏi, những thí sinh tại Hà Giang tại sao gian lận điểm thi vẫn chưa bị xử lý?

Bài báo cũng dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng những thí sinh liên quan đến gian lận thi cử cần phải có hình thức xử lý nghiêm, đảm bảo sự công bằng với tất cả các thí sinh. Các em không thể được trở về điểm thật rồi vẫn đường đường chính chính đi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng khác.

 Sự “tự tin” của những thí sinh được nâng điểm - Ảnh 1.

Thủ khoa "gian lận" của một trường đại học (ảnh minh họa)

Trên thực tế, trong những ngày qua, danh sách các thí sinh này cùng với phụ huynh kèm theo nghề nghiệp, thậm chí cả chức vụ của họ cũng dần hé lộ. Tuy nhiên, việc có công khai danh tính các thí sinh và phụ huynh của các thí sinh chạy điểm này hay không vẫn là một dấu hỏi và gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội.

Và trong lúc, dư luận cứ tranh cãi thì đa số các thí sinh được nâng điểm vẫn điềm nhiên cắp sách tới giảng đường với tư cách một sinh viên trúng tuyển.

Thậm chí, một thí sinh Hòa Bình được nâng điểm để trở thành thủ khoa một trường đại học còn phát biểu hùng hồn trong ngày nhập học rằng em cảm thấy tự hào khi trở thành thủ khoa và nhận được phần quà từ trường, nhưng cũng buồn vì Hòa Bình là một trong những tỉnh có gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tự tin với điểm số đạt được, em đã trao đổi với các bạn để họ hiểu không một ai tác động vào điểm số của em.

Những phát biểu tự tin trên khiến không ít người khi ấy sẵn lòng tin, nhưng cuối cùng thì theo công bố của các cơ quan chức năng, vị "thủ khoa giả" đơn giản chỉ thi "nhầm trường" hay chọn nhầm nghề, và lẽ ra em nên đăng ký dự tuyển vào ngành diễn kịch.

Hàng trăm thí sinh được nâng điểm, trong đó có không ít những thủ khoa, á khoa, cũng đồng nghĩa có ngần ấy thí sinh bị người khác chiếm chỗ một cách thiếu công bằng và cũng có rất nhiều thủ khoa, á khoa bị cướp danh hiệu. Thật khó có thể tin rằng các "thủ khoa dỏm" này không hề biết mình được nâng điểm, bởi bất kỳ sĩ tử nào cũng có thể ước lượng gần như chính xác điểm số ngay sau khi rời phòng thi và so đáp án. Thí sinh được nâng 1 – 2 điểm có thể nói là lý do nhầm lẫn, không biết, nhưng nâng 5 – 7 điểm đến mười mấy điểm để nói không biết là khó chấp nhận.

Pháp luật hình sự có quy định về hình phạt bổ sung đó là cấm hành nghề hoặc tước giấy phép hành nghề nếu một cá nhân đã có hành vi vi phạm trọng một lĩnh vực nhất định. Do đó, dư luận có nhiều ý kiến đòi phải buộc thôi học những thí sinh mua điểm ngay cả khi điểm số thực chất của họ vẫn cao hơn điểm chuẩn của một số trường. Cùng với đó dư luận cũng đòi hỏi phải xử lý rốt ráo những người tham gia chạy điểm vì xét cho cùng đây vẫn là hành vi vi phạm các quy định về thi cử.

Chắn chắn, cơ quan chức năng cần xử lý triệt để vụ án này để lấy lại sự công bằng và niềm tin của người dân.

Quang Lê/VGP

NỔI BẬT TRANG CHỦ