• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sửa đổi, bổ sung Luật TDTT: Đại biểu Quốc hội đồng tình cao

Thời sự 15/11/2017 16:03

(Tổ Quốc) - Sau một thời gian nghiên cứu Dự thảo Luật Thể dục thể thao (TDTT) sửa đổi, bổ sung do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình vào đầu kỳ họp, chiều 15/11, các Đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật này.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT dự kiến sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung mới 1 điều. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động TDTT. Đồng thời, khắc phục một số vướng mắc, bất cập, cập nhật những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục thể chất trong nhà trường

Đa số các ý kiến của Đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao việc phải sửa đổi, bổ sung một số điều Luật TDTT năm 2016. Trong đó, nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các Đại biểu Quốc hội đối với Dự thảo Luật này.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa Vũng Tàu).

Cụ thể, Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa Vũng Tàu) bày tỏ sự thống nhất cao với quy định phải nâng cao hơn nữa giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường. Ngoài yếu tố nâng cao thể lực cho các em học sinh thì đây cũng là nguồn tìm kiếm nhân tài để cống hiến cho thể thao nước nhà.

Cũng liên quan đến vấn đề giáo dục thể chất trong nhà trường, Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho hay, việc bổ sung quy định cơ sở thể thao công lập có trách nhiệm phối hợp với các trường học để giáo dục thể chất, thể thao cho các em học sinh là hết sức cần thiết. Qua số liệu thống kê cho thấy, số lượng trẻ em đuối nước qua hằng năm không ngừng tăng. Vì vậy, bằng mọi cách phải sớm phổ cập kỹ năng bơi cho tất cả các em học sinh.

Đại biểu K H'Hoa (Đắc Nông) cho hay, giáo dục thể chất, thể thao trong nhà trường là một phần quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, góp phần hình thành nhân cách, đức trí thể mỹ cho học sinh, sinh viên. Vì vậy, cần có cơ chế phân bổ nguồn lực, hợp lý để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ thể thao trong trường học một cách toàn diện.   

Đối với quy định tổ chức mỗi năm một cuộc thi đấu thể thao toàn trường, nhiều Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu lại bởi trên thực tiễn hiện nay, nhiều trường học đồng bào thiểu số, vùng khó khăn thì cơ sở vật chất phục vụ việc học tập môn thể dục vẫn chưa đáp ứng do thiếu quỹ đất, không có kinh phí đầu tư. Ngoài ra, đối với các trường học khối mầm non thì quy định này vẫn chưa thực sự phù hợp.  

Mở rộng đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ các VĐV thể thao thành tích cao bị tai nạn

Bên cạnh với các quy định nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, các Đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với một số bất cập liên quan đến chính sách hỗ trợ cho các HLV, VĐV thể thao thành tích cao hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)

Theo Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An), đối với khoản I điểm 1 điều 32 quy định VĐV thể thao thành tích cao bị tai nạn hoặc chết thì VĐV hoặc thân nhân được hưởng trợ cấp cần phải mở rộng, bổ sung thêm đối tượng VĐV đội tuyển cấp tỉnh được hưởng trợ cấp, đảm bảo công bằng đề các VĐV yên tâm cống hiến.

Cũng theo Đại biểu Trinh, hiện nay, sự đóng góp của các nữ VĐV thành tích cao ngày càng được ghi nhận cụ thể như ở các môn: bóng đá, bóng chuyền điền kinh bơi lội. Tuy nhiên, việc đầu tư chính sách đãi ngộ cho VĐV nữ vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, cần nghiên cứu chế độ ưu tiên cho nữ tham gia thể thao thành tích cao chuyên nghiêp cụ thể là các đối tượng nữ VĐV nhỏ tuổi, nữ VĐV thành tích cao sau khi giải nghệ.

Cùng quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ băn khoăn, cuộc sống sau khi giải nghệ của các VĐV thể thao thành tích cao dính chấn thương thường là tình trạng sức khỏe đau ốm dai dẳng, không nghề không nghiệp ổn định. Đây cũng là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Chính vì vậy, để hoàn thiện tính chuyên nghiệp của thể thao nhà nghề, cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ đầu ra việc làm sau khi giải nghệ đối với các đối tượng VĐV này.

Đối với lĩnh vực thể thao quần chúng, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho ý kiến, phải xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy và bảo tồn các môn thể thao dân gian. Trong đó, sửa đổi Luật phải chú trọng thay đổi tư duy lãnh đạo, cộng đồng dân cư, bổ sung kinh phí đáp ứng cho hoạt động TDTT địa phương.

Ngoài ra, vấn đề về đặt cược các môn thi đấu thể thao cũng được các Đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại Kỳ họp này.

Thế Công

 

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ