• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức mạnh bất ngờ của Qatar trong lòng nước Mỹ

Thế giới 06/06/2017 13:21

(Tổ Quốc) - Qatar quá quan trọng đối với lợi ích quân sự và ngoại giao của Mỹ và Washington không muốn họ bị cô lập.  

Qatar quá quan trọng đối với lợi ích quân sự và ngoại giao của Mỹ và Washington không muốn họ bị cô lập.

Mỹ sẽ cố gắng âm thầm trấn an sóng gió giữa Saudi Arabia và Qatar, cả các cựu quan chức và những nhân viên đương nhiệm Mỹ ngày 5/6 cho biết.

Lợi ích của Mỹ  bị đe dọa

Mỹ đã hết sức bất ngờ với quyết định của Saudi Arabia rằng sẽ chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar - trong một động thái có sự phối hợp với Ai Cập, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), các quan chức Mỹ, cả đương nhiệm và đã hết nhiệm kỳ cho biết.

Trong tuyên bố quyết định ngừng mối quan hệ, Saudi Arabia đã cáo buộc Qatar ủng hộ cho người Shi'ite Iran – sức mạnh xung đột về quyền lực thống trị trong khu vực với Riyadh, và các tay súng Hồi giáo cực đoan.

Một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ nói với Reuters rằng Washington không hề được thông báo từ phía Saudis hay Emiratis tại Riyadh trước khi hành động trên diễn ra.

Các quan chức Mỹ cũng nói rằng họ chưa thể xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến việc 4 nước trên quyết định phối hợp với nhau để cắt quan hệ với Qatar – động thái được theo sau bởi Yemen, chính phủ phía đông của Libya và Maldives.

 Sóng gió ngoại giao tại vùng Vịnh được cho là sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. (Nguồn: Reuters)

Trước đó, nhiều người đã cho biết, Saudi Arabia có thể cảm thấy được khuyến khích từ sự hào hứng của ông Trump khi đến thăm Riyadh hồi tháng 5 và rằng ông Trump cũng đã cho thấy có thể chấp nhận lập trường chống Iran mạnh mẽ.

Trước đó, trong chuyến thăm tới Riyadh, ông Trump đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Ả Rập và Hồi giáo "tống cổ" những kẻ khủng bố, và nói rằng Iran là một nguồn tài chính quan trọng và là lực lượng hỗ trợ cho các nhóm cực đoan.

"Suy đoán của tôi là (họ cảm thấy) được thúc đẩy bởi điều ông Trump đã nói trong chuyến thăm và ... họ cảm thấy đã nhận được một sự hậu thuẫn", một cựu quan chức Mỹ cho biết. "Tôi không biết rằng họ có được bật đèn xanh thêm không trước khi đưa mọi việc ra trước công chúng."

Về phía Mỹ, Washington có nhiều nguyên nhân để xúc tiến việc giảng hòa giữa hai bên trong cuộc khủng hoảng ngoại giao này. Căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông đang đóng tại Al Udeid, Qatar– nơi liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) - đã chiếm giữ nhiều khu vực lãnh thổ tại Syria và Iraq. Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn nhấn mạnh rằng việc đánh bại IS là một ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông.

Trong khi đó, sự sẵn sàng của Qatar trong việc chào đón các tổ chức như Hamas – đã bị Washington liệt vào danh sách khủng bố và Taliban – lực lượng đã chiến đấu với Mỹ ở Afghanistan trong hơn 15 năm qua, cho phép Mỹ có thể tiếp xúc với các nhóm như vậy khi cần thiết.

"Có một tiện lợi nhất định", một quan chức Mỹ nói với điều kiện giấu tên. "Phải có một nơi để chúng tôi gặp gỡ Taliban. Hamas cũng phải có một nơi để đi khi họ muốn thoát khỏi sự cô lập và muốn đàm phán."

Tìm kiếm hòa giải

Nhà Trắng ngày 5/6 cho biết họ cam kết sẽ nỗ lực để giải tỏa căng thẳng ở vùng Vịnh.

Các quan chức Mỹ tại nhiều cơ quan đều nhấn mạnh mong muốn của họ là thúc đẩy hòa giải giữa các quốc gia cắt quan hệ ngoại giao do Saudi dẫn đầu và Qatar, một quốc gia 2,5 triệu dân và có trữ lượng khí thiên nhiên khổng lồ.

"Chúng tôi không muốn nhìn thấy một vết rạn nứt vĩnh viễn và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ không phải đối mặt với điều đó", một quan chức cao cấp của chính quyền Tổng thống Trump nói với điều kiện giấu tên. Nhân vật này cũng cho biết Mỹ sẽ cử một đại diện tham dự nếu các thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) nhóm họp để thảo luận về sự rạn nứt với Qatar.

GCC bao gồm 6 nước Ả Rập giàu có: Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Qatar, Bahrain và Oman.

"Có một nhận thức chung rằng rất nhiều hành vi của Qatari khá đáng lo ngại không chỉ đối với các nước láng giềng Vùng Vịnh mà còn cả với Mỹ", quan chức cao cấp trên cho hay. "Chúng tôi muốn đưa họ đi đúng hướng."

Marcelle Wahba, cựu đại sứ Mỹ tại UAE và là Chủ tịch Viện Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh (Mỹ) nhận định Mỹ sẽ có đòn bẩy thúc đẩy hòa giải nhưng sẽ sử dụng nó kín đáo.

"Mỹ sẽ có hành động trong cuộc khủng hoảng này. Chúng ta sẽ làm gì? Tôi nghĩ nhiều hành động sẽ được thực hiện kín đáo và có tác động ổn định. Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ chỉ ngồi bên lề và để cuộc khủng hoảng này diễn biến nghiêm trọng hơn”.

Sự ủng hộ của Qatar đối với những lực lượng Hồi giáo đang bị cáo buộc là khủng bố hiện nay bắt nguồn từ quyết định của cha đẻ nhà cầm quyền hiện nay trong việc chấm dứt truyền thống ủng hộ toàn diện đối với Saudi Arabia, sức mạnh thống trị khối Arab tại vùng Vịnh, và nhằm tạo ra mảng các đồng minh rộng nhất có thể.

Qatar trong nhiều năm qua đã thúc đẩy vai trò là một trung gian hòa giải và là nhà môi giới quyền lực cho nhiều tranh chấp khu vực. Tuy nhiên, Ai Cập và các nước vùng Vịnh Ảrập lại phản đối sự ủng hộ của Qatar đối với các lực lượng Hồi giáo, đặc biệt là nhóm Huynh đệ Hồi giáo (MB), điều các nước này coi là kẻ thù chính trị.

Một quan chức Mỹ khác nói rằng "Chúng tôi đang kết nối với tất cả các đối tác... để tìm ra cách tập hợp sự đoàn kết của GCC nhằm củng cố an ninh khu vực". Nguồn tin này cũng cho hay, yêu cầu quan trọng hiện nay là “duy trì cuộc chiến chống lại khủng bố và hệ tự tưởng cực đoan”.

(Theo Reuters)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ