• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức mạnh mềm của Mỹ tại lục địa đen lâm nguy

Thế giới 10/07/2020 21:13

(Tổ Quốc) - Nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc tham gia giải quyết tranh chấp về con đập sông Nile đã không tạo được bước đột phá – góp thêm 1 điểm nhấn vào chuỗi hành động không thành công từ Triều Tiên đến Kosovo.

Mohamed Diatta, nhà phân tích của Viện nghiên cứu an ninh có trụ sở tại Pretoria cho biết, "dưới thời Trump, Hoa Kỳ chắc chắn đã mất đi quyền lực mềm ở châu Phi. Người dân trên lục địa này không muốn làm bất cứ điều gì với ông ta".

Thời điểm tranh cãi mấu chốt

Ông Trump đã đồng ý yêu cầu của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi về việc hòa giải cuộc xung đột với Ethiopia liên quan một con đập trên sông Nile, nhưng sau khi vấn đề được đưa lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các quốc gia châu Phi chuyển sang giành lại quyền kiểm soát tiến trình giải quyết vấn đề.

Cuộc tranh chấp đang ở thời điểm quan trọng. Ethiopia đã cho biết họ có kế hoạch vận hành con đập Đại Phục Hưng (GERD), nơi xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất châu Phi, trong vòng vài tuần. Ai Cập nói rằng con đập này sẽ tước đi nguồn nước mà họ cần để trồng trọt và sinh tồn trừ khi có một thỏa thuận chắc chắn về việc vận hành.

Trong một lá thư gửi Hội đồng Bảo an vào ngày 29 tháng 6, Ai Cập tuyên bố sẽ duy trì và bảo vệ lợi ích sống còn của người dân. Đây không phải là một câu hỏi về sự lựa chọn, mà là một mệnh lệnh của tự nhiên.

Sức mạnh mềm của Mỹ tại lục địa đen lâm nguy - Ảnh 1.

Dự án đập GERD đã là một nguồn cơn mâu thuẫn lâu nay giữa Ai Cập và Ethiopia. Ảnh: AFP via Getty Images.

Trong cuộc trò chuyện với một nhóm nhỏ các đại biểu tại một hội nghị vào tháng trước, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tỏ ý gièm pha sự tham gia của Trump, theo Bloomberg.

Ông nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ cần đến thăm châu Phi để sắp xếp mọi thứ trực tiếp nhưng ông ấy sẽ không đến vì ông Trump từng coi rẻ châu lục này trong một bình luận năm 2018.

Ramaphosa cũng nói rằng thay vì cho phép Liên minh châu Phi AU mà ông hiện đang làm chủ tịch giải quyết bế tắc, Sisi đã chạy đến bên thân cận của ông ta – điều ám chỉ đến Mỹ. Người phát ngôn của Ramaphosa, Khusela Diko nói rằng bà không biết gì về cuộc đối thoại trên.

Việc ông Trump tìm cách giải quyết vấn đề này cũng dấy lên sự nhướn mày ở nội bộ nước Mỹ. Ông bỏ qua Bộ Ngoại giao và yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu các cuộc đàm phán, đơn giản vì ông Mnuchin có mặt tại cuộc họp khi Sisi đưa ra yêu cầu, những người thạo tin cho biết.

Colin Thomas-Jensen, cố vấn cấp cao của WestExec Advisors kiêm cựu cố vấn chính sách về châu Phi cho người từng là Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Samantha Power, cho biết cách xử lý tranh chấp của Hoa Kỳ là vụng về, nhưng nói thêm là không công bằng khi đổ lỗi cho ông Trump về việc giải quyết một vấn đề đã sa lầy.

Hai nguồn thạo tin, chia sẻ với điều kiện giấu tên, cho biết Hoa Kỳ nghĩ rằng họ bắt đầu xúc tiến giải quyết vấn đề từ đầu tháng Hai, khi một đề xuất lúc này dường như có sự hỗ trợ từ mọi phía. Nhưng các nguồn tin này cho biết các quan chức Ethiopia đã tự đảo ngược lập trường của chính họ và từ chối tham dự các cuộc đàm phán ngày 28/2 tại Washington, khiến quá trình này bị đình trệ.

Chính quyền Mỹ vẫn cam kết giúp các bên đạt được thỏa thuận, theo các nguồn tin này, bác bỏ cáo buộc họ ủng hộ Ai Cập.

Trong khi đó, cả Liên minh châu Phi và Ethiopia đều nhấn mạnh với Liên Hợp Quốc rằng Liên minh châu Phi AU cần đi đầu trong việc giải quyết tranh chấp, mặc dù nhiều năm qua họ không đạt được tiến bộ. Theo cách nói của Ethiopia, thì sông Nile và GERD là những vấn đề của châu Phi và châu Phi phải đưa ra giải pháp.

Ethiopia và Ai Cập là những đối thủ lâu năm trong việc giành quyền kiểm soát sông Nile. Ethiopia đang tìm cách phá vỡ điều được coi là nhiều thế kỷ thống trị của Cairo đối với con sông này. Cho đến những năm 1970, Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đã cảnh báo về một cuộc chiến nếu con đập được xây dựng.

Ai Cập lo ngại hồ chứa 74 tỷ m3 của con đập và nhà máy điện 6.000 megawatt liên kết với dự án này sẽ trao quyền kiểm soát nguồn cung cấp nước cho đối thủ Ethiopia. Trong những năm qua, nhiều người đã cho rằng thiết kế con đập là không an toàn, sẽ khiến dòng nước hạ lưu gặp rủi ro đáng kể, và việc có một đập và hồ chứa lớn là không cần thiết.

Nhượng bộ đáng kể

Theo ông Anthony Skinner, giám đốc về khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại công ty tham vấn về rủi ro có trụ sở tại Anh, Verisk Maplecroft, nói: "Ai Cập có ý định đưa vấn đề này lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là để gây áp lực quốc tế lên Ethiopia và buộc họ phải nhượng bộ đáng kể".

Các nhà ngoại giao Ai Cập nói rằng các tuyên bố của Ethiopia về sự thiên vị của Hoa Kỳ là không tôn trọng và tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý. Ai Cập chỉ ra sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với chính phủ cải cách hiện tại của Thủ tướng Abiy Ahmed, người đã giành giải Nobel Hòa bình năm ngoái vì những nỗ lực chấm dứt chiến sự với nước láng giềng Eritrea. Ethiopia đã nhận được ít nhất 881 triệu USD hỗ trợ tài chính từ Hoa Kỳ vào năm 2019, một trong những mức cao nhất trên toàn thế giới.

Sau một khoảng thời gian dài Mỹ dính líu đến tranh chấp GERD, có rất ít thay đổi. Nó khác xa với sự hào hứng chào đón sự tham gia của Trump, với việc Ngân hàng Thế giới tham gia các cuộc đàm phán đầu tiên do Mỹ làm trung gian vào đầu năm 2019. Về tranh chấp sông Nile, vào ngày 17/6, Nhà Trắng đã đặt trách nhiệm vào Ethiopia, kêu gọi nước này nhanh chóng hướng đến một thỏa thuận công bằng.

Đáp lại phản ứng này, Ethiopia đã tận dụng việc chủ tịch AU chuyển từ Ai Cập sang Nam Phi trong năm nay và yêu cầu Ramaphosa tham gia hòa giải vấn đề. Các cuộc đàm phán đã quay trở lại với sự hỗ trợ từ AU, nơi một vài nỗ lực trước đó để giải quyết vấn đề từng gặp thất bại.

Những động thái mới nhất này ngày càng làm mờ đi vai trò trung gian hòa giải của Mỹ. Edward Hobey-Hamsher, một nhà phân tích cao cấp về Châu Phi tại Verisk Maplecroft cho biết, Hoa Kỳ không còn được coi là một nhà môi giới tốt nữa. Vai trò của họ đã chấm dứt.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ