• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sửng sốt những dự án “đội vốn nghìn tỉ”, trách nhiệm thuộc về ai?

Thời sự 24/05/2018 07:59

(Tổ Quốc) -Dự án nạo vét sông Sào Khê, Ninh Bình dự toán 72 tỉ nhưng tăng 36 lần, lên đến 2.595 tỉ dễ khiến nhiều người "toát mồ hôi" ngay cả khi ngồi trong phòng máy lạnh.

Theo báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước trình bày tại Quốc hội chiều 21/5 cho biết Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình được điều chỉnh tăng gấp 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng. Và có lẽ, khi nhìn vào con số này không chỉ những người “yếu tim” cũng khó tránh khỏi sự sửng sốt và cơn chóng mặt về số tiền khổng lồ đã được điều chỉnh so với dự toán ban đầu.

Câu chuyện về những dự án đội vốn, được điều chỉnh để tăng kinh phí hẳn đã không còn quá xa lạ trong nhiều năm nay, trở thành điệp khúc và nỗi ám ảnh của không ít người. Có lẽ, nếu đặt câu hỏi hãy kể tên những dự án đội vốn gấp nhiều lần, lên đến hàng tỉ đồng trên cả nước thì rất có thể sẽ nhận được ngay câu trả lời với: Dự án cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) có mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng nhưng sau một thời gian được đội thêm 2.500 tỷ và liên tiếp xin gia hạn hoàn thành; Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đội vốn thêm 30.000 tỷ đồng; Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông  được khởi công vào tháng 10-2011, dự kiến hoàn thành tháng 6-2015, với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (tương đương 8.770 tỉ đồng). Thế nhưng đến đầu năm 2018 thì con số này đã tăng lên 891,92 triệu USD (tương đương 18.792 tỉ đồng) và chưa biết bao giờ hoàn thành…

Ảnh minh họa, nguồn: plo.vn

Các dự án này dù khác nhau về lĩnh vực nhưng dường như lại có một kịch bản là số tiền đưa ra ban đầu “không khớp” , thậm chí rất thấp so với khi bắt tay vào thực hiện hàng chục lần. Dự án đội vốn không chỉ tiêu tốn thêm hàng tỷ đồng mà còn kéo dài thời gian hoàn thành, ảnh hưởng niềm tin, dễ gây ách tắc, ảnh hưởng đến cảnh quan, cuộc sống… khiến người dân chỉ biết ngán ngẩm, than trời.

Vậy tại sao ai cũng nhìn ra hậu quả của những dự án đội vốn nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn?. Phải chăng là vì số tiền “đội lên” đó không phải là tiền túi của chính những người thực hiện dự án nên họ không thấy “của đau con xót”. Những người làm chủ dự án nhưng lại không phải là chủ của đồng vốn bỏ ra nên “cha chung không ai khóc”. Rồi nhìn sang những dự án khác, cũng chung tình trạng đội vốn, chậm tiến độ để cuối cùng với hàng ngàn lý do được đưa ra thì tiền thiếu lại có, chưa ai bị xử lý trách nhiệm, trách nhiệm trả nợ cho số tiền tăng lên không phải cá nhân … thế thì có lý do gì để những ông chủ dự án sau đó không đi vào vết xe đổ này?

Đất nước ta còn nghèo, đó là một sự thật, nhưng sẽ còn những sự thật đau lòng hơn sẽ xảy ra trong tương lai nếu các dự án cứ thi nhau liên tiếp đội vốn.  Đồng vốn của mỗi dự án dù được lấy từ nguồn nào đi chăng nữa, xã hội hóa, được tài trợ nước ngoài hay từ ngân sách với những đồng thuế của người dân thì cũng phải trân trọng và sử dụng một cách hiệu quả nhất. Bởi mỗi dự án được khởi công là sự gửi gắm, niềm hi vọng chính đáng về một sự thay đổi tốt đẹp, giúp cho cuộc sống người dân được tốt lên, hiện đại lên. Thế nhưng, đáp ứng lại niềm kỳ vọng đó, một số dự án lại trở thành những dấu hỏi vời vợi.

Chắc chắn một điều rằng, nếu những dự án “nở” vốn này trước khi triển khai đưa ra dự toán gần sát với số vốn bị đội của thực tế thì có lẽ không ít dự án sẽ chỉ tồn tại trên giấy.  

Vẫn biết, một dự án từ trên giấy đến thực tế khó tránh khỏi những sai số. Nhưng “sai số” bao nhiêu là cái ngưỡng cho phép, chứ sai số gấp hàng chục lần, lên đến hàng nghìn tỉ thì không thể chấp nhận được. Dự án không phải mớ rau vài nghìn đồng để mang ra thí nghiệm mà nếu thất bại thì sự mất mát không đáng là bao. Với dự án hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ, chỉ cần đội lên một vài lần thì đó là con số khủng khiếp. Vì vậy đòi hỏi những người làm dự án cần phải có năng lực, chuyên môn để hạn chế thấp nhất sai số giữa dự toán và thực tế, thậm chí ít hơn so với vốn dự tính, rút ngắn thời gian để không gây lãng phí tiền của, thời  gian và công sức. Nếu không chấm dứt được tình trạng “đội vốn” như một căn bệnh truyền nhiễm này thì phải xử lý trách nhiệm đến cùng.

Bên cạnh đó, cần phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn ngay từ đầu hiện tượng “đội vốn” như một thứ cam kết rõ ràng. Nếu không có chế tài ngăn chặn ngay từ đầu thì cũng vẫn sẽ còn tình trạng vốn dự toán ban đầu rất thấp, nhưng đến khi triển khai thì số vốn đó chỉ đáp ứng được một phần của dự án dẫn đến dở dang, không đâu vào đâu theo kiểu “tiến thoái lưỡng nan”, gây khó chịu như thứ “áp lực” để buộc phải chấp nhận “chi thêm tiền” cho dự án hoàn thành. Còn như tình trạng hiện nay, một số dự án cứ thiếu đâu, bù đó mà trách nhiệm quản lý không bị xử lý thì khó tránh khỏi sự đội vốn của các dự án đã, đang và sẽ triển khai.

Mỗi ngày, biết bao người lao động chân chính phải bỏ mồ hôi, công sức, thậm chí còng lưng, đổ cả nước mắt và sự hiểm nguy để mưu sinh với vài chục đến vài trăm nghìn. Thế nhưng, cũng có khi, mỗi ngày  tất cả các dự án đội vốn cộng lại có thể lên đến hàng tỉ đồng và làm còng thêm những tấm lưng của thế hệ sau vì gánh nặng mang tên …trả nợ.

 

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ