• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tại sao lượng tài sản thu hồi từ các vụ án tham nhũng còn thấp?

Thời sự 22/12/2017 07:21

(Tổ Quốc) - Những khó khăn trong công tác này bắt nguồn từ việc án tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thời gian dài. Biết trước hành vi phạm tội, người vi phạm sẽ tiêu hủy tài liệu chứng cứ, tẩu tán tài sản. Có trường hợp còn chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài.

Năm 2017, hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử, làm nức lòng dư luận. Tuy nhiên, , mối quan tâm tiếp theo mà dư luận đặt ra ở đây là làm thế nào để thu hồi số tài sản đã bị thất thoát, tẩu tán và chiếm đoạt.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia (PVN) bị xét xử liên quan đến cáo trạng tham ô khoản tiền 49 tỉ đồng. Ông Sơn bị tuyên án tử hình (Nguồn:Internet)

Hồi tháng 11, trả lời bổ sung chất vấn của các đại biểu Quốc hội về công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV,  Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng thời gian qua còn một số hạn chế, chưa đạt mong muốn của Đảng, Nhà nước và người dân.

Về việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, năm 2017, tài sản thu hồi chiếm 29% lượng tiền và 50% về đất đai tài sản. Trong khi đó, năm 2016, con số này là 38,3%. Đây là những con số khá thấp trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Những khó khăn trong công tác này bắt nguồn từ việc án tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thời gian dài. Biết trước hành vi phạm tội, người vi phạm sẽ tiêu hủy tài liệu chứng cứ, tẩu tán tài sản. Có môt số trường hợp còn chuyển tiền, tài sản trái phép ra nước ngoài, trong quá trình thu hồi vướng phải sự chênh lệch pháp lý giữa các nước nên gây ra nhiều khó khăn.

Nói về một số vụ án tham nhũng phải trả lại hồ sơ điều tra bổ sung, Thượng tướng Tô Lâm cho hay, hiện công tác phối hợp giải quyết các vụ án tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng còn một số tồn tại, hạn chế trong đó có việc trả lại hồ sơ điều tra bổ sung.

Các vụ án tham nhũng do nhiều đối tượng thực hiện có tổ chức, thời gian xảy ra lâu mới bị phát hiện và hành vi tham nhũng cũng được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau, rất khó phát hiện và đối tượng thường cất giấu tài sản, hợp lý hóa hoặc tiêu hủy tài liệu, chứng cứ dẫn đến việc điều tra thu thập tài liệu chứng cứ cũng có khó khăn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết các vụ án cũng thiếu nhất quán, nhất là trong đánh giá chứng cứ, một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn bất cập…

Thêm vào đó, như nhiều quan điểm đã nêu trước đây, việc kê khai mới dựa vào tự giác, chưa có quy định cơ quan có thẩm quyền xác minh chủ động các bản kê khai, chưa có quy định công khai các bản kê khai này để người dân giám sát.

Năm 2017, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn (1.113.422 người), nhưng chỉ xác minh đối với 78 người (giảm 81,4% so với năm 2016), kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, phản ánh của báo chí và cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý.

"Việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận… Thực trạng trên cho thấy biện pháp phòng ngừa này còn hình thức, hiệu quả thấp", Ủy ban Tư pháp nhận định.

Trong phiên thảo luận buổi chiều 6/11 về công tác của Chính phủ và các cơ quan tư pháp tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, nhiều đại biểu  bày tỏ mối quan tâm lớn về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là việc thu hồi tài sản cho nhà nước. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) dẫn chứng, báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cho thấy chỉ thu hồi được 7,82% số tiền và 54,75% về đất.

“Xã hội không chỉ quan tâm đến hình phạt đối với người phạm tội mà còn quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Tòa án có tuyên những bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi được tài sản coi như xử lý chưa triệt để”, đại biểu Mai Thị Phương nói.

Trước đó, chia sẻ về đề tài này với báo chí, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân dẫn tới lượng tài sản thu hồi từ tham nhũng còn thấp chủ yếu do chưa cương quyết. Bởi “Tài sản tham nhũng không có cánh để mà bay được. Thực tế nó chỉ nằm trong nhà, tài sản của người thân, người bà con, người thân quen... của người tham nhũng”.

“Tài sản tham nhũng trước mắt khó khăn trong việc xác minh và thu hồi nhưng về lâu dài thì có thể thu hồi được. Mức độ thu hồi được bao nhiêu thì chưa rõ và đó là mong muốn của Đảng, Nhà nước, cử tri, nhân dân và cá nhân tôi cũng vậy”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói./.

 Hà Giang

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ