• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tại sao tính minh bạch trở thành yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả của vaccine COVID-19?

Thế giới 22/09/2020 20:43

(Tổ Quốc) - Tờ SCMP đăng tải, giới chuyên gia đang kêu gọi tính minh bạch phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong cuộc chạy đua chế tạo vaccine COVID-19.

Những áp lực chính trị phải tìm ra được loại vaccine hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất cho căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu người dân toàn cầu - đã làm dấy lên nhiều nỗi lo ngại ngay cả khi giới chức y tế và hành pháp thế giới từng nhiều lần khẳng định, họ sẽ không bao giờ bỏ qua các yếu tố an toàn.

Theo các nhà khoa học và chuyên gia y khoa, để gia tăng niềm tin của công chúng đối với vaccine cần có tính minh bạch. Họ cũng yêu cầu các công ty dược phẩm phải công bố thêm thông tin về quá trình thử nghiệm và tránh việc "đi tắt" so với tiến trình quy định truyền thống.

Tại sao tính minh bạch trở thành yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả của vaccine COVID-19? - Ảnh 1.

(ảnh minh họa: SCMP)

"Tính minh bạch trong thử nghiệm lâm sàng, những đàm phán về giá cả, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo sự tiếp cận vaccine một cách công bằng", Ủy ban COVID-19 – một nhóm cố vấn của tạp chí y học Anh The Lancet viết vào tuần trước.

Hôm thứ Năm (17/9), hai công ty phát triển vaccine tại Mỹ là Pfizer và Moderna đã có động thái đáp ứng lời kêu gọi trên khi đưa ra chi tiết quy trình thử nghiệm mà họ sẽ sử dụng để đánh giá các "ứng viên" vaccine của mình. Công ty dược phẩm Anh AstraZeneca sau đó cũng có động thái tương tự.

"Đó chắc chắn là một bước đi chưa từng có tiền lệ", ông John Donnelly từ công ty tư vấn Vaccinology Consulting nhận xét. "Thông thường, nếu các công ty tranh đua để chế tạo các vaccine cùng một hướng, họ sẽ không bao giờ làm vậy".

Những thông tin được công bố có vai trò quyết định tại Mỹ. Trước đó, Nhà Trắng từng tuyên bố có thể sẽ thông qua một loại vaccine vào thời điểm sớm nhất là tháng Mười và trước khi bầu cử Mỹ diễn ra. Tuy nhiên, chính điều này cũng làm nảy sinh những lo ngại về khả năng can thiệp của chính trị vào các quy trình thử nghiệm.

Nhà sinh học Thomas Lumley đánh giá, việc cộng đồng khoa học có thể xem xét các chi tiết trong quy trình thử nghiệm sẽ giúp đảm bảo các công ty tuân thủ chính những nguyên tắc mà họ đã đặt ra.

"Nếu chúng ta có thể tin tưởng họ, quan trọng là chúng ta biết chúng ta có thể làm vậy và nếu chúng ta không thể, chúng ta cũng cần phải được biết rõ chúng ta không thể", ông Lumley – Chỉ tịch khoa sinh học của Đại học Auckland, New Zealand nói.

Tại sao tính minh bạch trở thành yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả của vaccine COVID-19? - Ảnh 2.

(ảnh minh họa: SCMP)

Hồi đầu tháng, công ty AstraZeneca từng rơi vào tình thế nhạy cảm khi phải dừng quá trình thử nghiệm vaccine COVID-19 toàn cầu sau khi một tình nguyện viên tại Anh bị ốm mà không rõ nguyên nhân. Mặc dù sau đó thử nghiệm đã được nối lại tại Anh, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi nhưng quy trình cụ thể vẫn phải chịu sự xem xét tại Mỹ. Đáng lưu ý, sau khi một ủy ban độc lập tại Anh nói với giới chức là có thể khôi phục thử nghiệm, không có thêm thông tin nào được công bố.

"Điều đó không hợp lý", người đứng đầu khoa y tế công tại Đai học Brown, Ashish Jha viết trên tạp chí Time vào cuối tuần trước. "Chúng ta cần có nhiều sự minh bạch hơn trong quy trình này nhằm đảm bảo chỉ có loại vaccine đã được chứng minh tính an toàn thông qua dữ liệu, mới được phê chuẩn".

Hiện có ít nhất 9 loại vaccine đang ở trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3 với một số mẫu đã được sử dụng bên ngoài các phòng thí nghiệm. Trong số này có những "ứng viên" từ Trung Quốc, nơi có thể nhận được giấy phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp từ chính quyền và đã được tiêm cho nhóm người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao như các nhân viên y tế tuyến đầu...

Ngay cả mẫu vaccine Sputnik V từng khiến thế giới kinh ngạc của Nga cũng đang là một đối tượng được cho là cần phải có thêm các dữ liệu minh bạch. Các nhà nghiên cứu từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đã đề nghị Nga đưa ra "một câu trả lời chi tiết" hơn về các dữ liệu thử nghiệm thực tế của loại vaccine này.

Theo học giả Kylie Quinn tại Đại học RMIT, Melbourne, Australia, những lời kêu gọi về tính minh bạch đã trở thành một yếu tố rõ ràng trong quá trình phát triển vaccine COVID-19. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận, mỗi khu vực và mỗi chính quyền gần như chắc chắn sẽ có các cách tiếp cận khác nhau.

Mặc dù vậy, động thái của Pfizer, Moderna và AstraZeneca có thể đã thiết lập những tiền lệ đúng đắn liên quan tới việc chia sẻ từ các công ty khác – không chỉ về quy trình mà còn cả các dữ liệu trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3. Bà Quinn cho rằng, điều này có thể gây dựng được niềm tin. "Bạn phải có loại vaccine an toàn và bạn phải có loại vaccine hiệu quả và bạn phải có niềm tin từ công chúng. Nguyên liệu chủ chốt chính là niềm tin", bà chỉ ra.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ