• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng tốc xói mòn kiểm soát vũ khí với Nga, Mỹ tính rời khỏi "Bầu trời Mở"

Thế giới 22/05/2020 09:33

(Tổ Quốc) - Chính quyền Trump đã bắt đầu thông báo riêng cho các quốc gia đồng minh trong tuần này rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi một hiệp ước gần 30 năm, vốn được xây dựng nhằm giảm khả năng xảy ra chiến tranh tình cờ giữa Nga và Mỹ bằng cách cho phép các chuyến bay do thám qua hai nước, theo các nhà ngoại giao thạo tin.

Việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở có nguy cơ dẫn đến một căng thẳng khác nữa giữa Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu. Một số đồng minh này trong những tuần gần đây đã thúc giục Hoa Kỳ duy trì hiệp ước bất chấp những lo ngại của Washington về sự tuân thủ của Nga.

Tín hiệu Mỹ rút lui

Tổng thống Trump nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng ông rút ra vì Nga đã không tuân thủ hiệp ước, nhưng ông để ngỏ khả năng quay trở lại thỏa thuận hoặc thúc đẩy một thỏa thuận mới.

" Nga đã không tuân thủ hiệp ước, vì vậy cho đến khi họ tuân thủ, chúng tôi sẽ rút ra, nhưng rất có khả năng chúng tôi sẽ đưa ra một thỏa thuận mới hoặc làm một cái gì đó để đưa thỏa thuận đó trở lại", ông Trump nói tại Nhà Trắng trước khi bay đến Michigan.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert C. O hèBrien đã đưa ra một tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ cố gắng tạo ra một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới với Nga và Trung Quốc, bất chấp Bắc Kinh đã tỏ ra lạnh lùng về vấn đề này.

Hiệp ước Bầu trời mở xuất phát từ một đề xuất mà Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower ban đầu đề nghị với Liên Xô nhằm thúc đẩy minh bạch trong sự giám sát của quân đội.

Tăng tốc xói mòn kiểm soát vũ khí với Nga, Mỹ tính rời khỏi "Bầu trời Mở" - Ảnh 1.

Một khi Mỹ rời khỏi hiệp ước Bầu trời Mở thì đây sẽ là 1 tín hiệu xói mòn nữa giữa các hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga. Ảnh: AFP/Getty.

Liên Xô từ chối lời đề nghị của ông nhưng Tổng thống George H.W. Bush đã hồi sinh ý tưởng này và hiệp ước Bầu tời mở đa quốc gia đã được ký kết sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1992 và có hiệu lực vào năm 2002, sau khi quốc gia thứ 20 phê chuẩn thỏa thuận.

Ngày nay, hiệp ước này gồm 34 quốc gia và cho phép mỗi quốc gia thực hiện các chuyến bay do thám trên lãnh thổ nước khác chỉ với một thông báo ngắn để thu thập thông tin về các hoạt động quân sự.

Chính quyền Trump đã lập luận rằng Nga vi phạm thỏa thuận này. Hồi tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark T. Esper cho biết Nga đã ngăn chặn Hoa Kỳ thực hiện các nhiệm vụ trinh sát qua khu vực ngoài khơi Kaliningrad trên Biển Baltic và biên giới phía nam với Georgia.

Họ đã lừa dối trong nhiều năm qua, ông Esper nói khi điều trần trước Ủy ban quân vụ Thượng viện.

Trong khi đó, những người ủng hộ hiệp ước nói rằng việc Mỹ rút lui sẽ phản tác dụng.

"Vấn đề mà chúng tôi gặp phải với Bầu trời mở không lấn át đối tượng và mục đích của hiệp ước, ông Alex Bell, theo giám đốc cấp cao tại Trung tâm kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí. "Dường như chính quyền Trump không đang thực sự cố gắng khắc phục vấn đề tuân thủ này. Có vẻ như họ chỉ biết phá vỡ mọi thứ".

Dự định rút lui của Hoa Kỳ dường như sẽ được đưa ra tại một bữa ăn trưa ở Washington trong ngày thứ Năm giữa Đại sứ Nga Anatoly Antonov và Christopher Ford, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí.

Các đồng minh châu Âu thì được thông báo trong các cuộc họp với các quan chức Hoa Kỳ tại Lầu năm góc và Bộ Ngoại giao. Một số nhà ngoại giao được cho biết là Mỹ vẫn có thể cứu vãn hiệp ước nếu hành vi của Nga thay đổi, nhưng họ nói rằng ý định rút lui này dường như đã rõ ràng.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu năm góc không trả lời yêu cầu bình luận.

Dấu hiệu xói mòn nghiêm trọng các hiệp ước kiểm soát vũ khí

Việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ cho thấy một điển hình khác về sự xói mòn khuôn khổ kiểm soát vũ khí mà Washington và Moscow đã xây dựng được từ sau Chiến tranh Lạnh.

Năm 2002, chính quyền George W. Bush đã bãi bỏ Hiệp ước tên lửa chống đạn đạo với Nga, mở đường cho việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Năm ngoái, chính quyền Trump đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF với Nga, viện dẫn các vi phạm của Nga.

Ngoài các hiệp ước đó, Thượng nghị sĩ Tom Cotton đang thúc đẩy chính quyền Trump rút khỏi Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện và Hiệp ước về bầu trời mở. Ông đã lập luận rằng Bầu trời mở mang lại cho Nga cơ hội do thám mà Nga khó có thể tìm được ở nơi nào khác, trong khi không mang lại nhiều nội dung hữu ích cho Mỹ.

Cotton đã hoan nghênh thông tin về quyết định của chính quyền Trump nhưng một số chính khách cao tuổi của đảng Cộng hòa đã chỉ trích động thái này, bao gồm cả Tướng Michael V. Hayden, một quan chức tình báo cấp cao trong chính quyền của George W. Bush. Đây là một điều điên rồ, ông đã tweet và nói thêm rằng trước đây ông từng là giám đốc CIA.

Nga đã phủ nhận cáo buộc vi phạm hiệp ước. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng Tư nói rằng chính quyền Trump không thích có bất kỳ giới hạn nào đối với quân đội của nước này, đặc biệt là trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

"Người Mỹ, chính quyền hiện tại, về mặt khái niệm, về cơ bản, có ác cảm với bất kỳ loại kiểm soát nào đối với hoạt động quân sự của Mỹ, đặc biệt là khi quyền kiểm soát đó được thực hiện trong hoặc trên lãnh thổ Hoa Kỳ", ông Lavrov nói. Ông cũng bày tỏ nghi ngờ về việc các nước khác sẽ rút lui.

Các nước khác sẽ theo người Mỹ? Tôi nghi ngờ điều đó, ông nói. Người Châu Âu dường như hiểu rằng thỏa thuận này đã tăng thêm giá trị như một công cụ của niềm tin, một công cụ dự đoán, minh bạch và đó là cách chúng tôi nhìn nhận thỏa thuận này.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở cũng là một phần của cuộc tranh luận rộng hơn về cách Washington tiếp cận các thỏa thuận kiểm soát vũ khí kế thừa với Nga – vốn bị xói mòn - trong những năm gần đây.

Được dẫn dắt bởi cựu cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, chính quyền Trump đã nhanh chóng rời khỏi các thỏa thuận, lập luận rằng sẽ không còn ý nghĩa gì trong các hiệp ước nếu Nga không tuân thủ và chỉ khi rút lui, Hoa Kỳ mới có thể đặt nền tảng cho các thỏa thuận mới được hiệu chỉnh cho thời kỳ hiện đại.

Tuy nhiên, các thành viên của cộng đồng kiểm soát vũ khí đã lập luận rằng các hiệp ước này đã mất nhiều thời gian để đàm phán và Washington có thể không thể đồng ý về bất kỳ hiệp ước tiếp theo đáng kể nào với Moscow. "Việc phá bỏ di sản của các tổng thống Cộng hòa đáng kính như Eisenhower và G.H.W. Bush sẽ đưa Tổng thống Trump vào vai trò hiếm hoi là nhà lãnh đạo duy nhất của Hoa Kỳ từ bỏ ba hiệp ước kiểm soát vũ khí và không tạo ra bất kỳ điều gì", ông Bell nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ