• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng trưởng tín dụng và chiêu “đẩy vốn” của ngân hàng

Kinh tế 23/09/2014 22:26

(Toquoc)-Trong bối cảnh thừa tiền nhưng tăng trưởng cho vay lại ì ạch, các nhà băng đã phải nghĩ ra nhiều “chiêu” để “rải” vốn.

(Toquoc) - Với áp lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm, trong bối cảnh thừa tiền nhưng tăng trưởng cho vay lại ì ạch, các nhà băng đã phải nghĩ ra nhiều “chiêu” để “rải” vốn.

Thừa tiền nhưng thiếu vốn

Ngay từ đầu năm 2014, các chuyên gia đã cảnh báo thực trạng thừa tiền trong hệ thống ngân hàng nhưng doanh nghiệp lại thiếu vốn vay. Đến nay, lời cảnh báo này dường như đã hiệu nghiệm. Cụ thể, dù thanh khoản được cải thiện nhưng tín dụng 8 tháng đầu năm tăng chưa tới 6%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên tới 12 – 14%.

Hiện tượng huy động tăng nhưng cho vay ì ạch đã khiến các ngân hàng buộc phải bước vào “cuộc đua” tăng trưởng tín dụng.

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại quận 2 (TP.HCM) cho biết, việc hạ lãi suất vẫn chưa phải là giải pháp hữu hiệu để tăng lượng vốn vay, bởi hầu hết các ngân hàng hiện nay đều thẩm định hồ sơ vay rất khắt khe nhằm hạn chế đến mức tối đa rủi ro nợ xấu.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn rất khó để tiếp cận vốn vay ngân hàng. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, chỉ có hơn 1/3 doanh nghiệp nhỏ và vừa (chưa tới 36%) có thể tiếp cận vốn ngân hàng, trong khi khối doanh nghiệp này chiếm tới trên 97% tổng số doanh nghiệp cả nước.



Để dòng vốn luân chuyển ổn định, nhà băng và doanh nghiệp cần phải “hiểu” nhau hơn

Giới phân tích cho rằng, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ còn tiếp tục bế tắc trong việc tiếp cận vốn do chưa thể giải quyết được khối nợ xấu cũ, hết tài sản đảm bảo và hệ lụy của tăng trưởng tín dụng bị hạn chế trong những năm vừa qua.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trong thời điểm này các ngân hàng thương mại không còn áp lực huy động vốn như trước đây mà áp lực lớn nhất là đầu ra của vốn vay để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm.

Nhận định về triển vọng của dòng vốn chảy vào doanh nghiệp, tức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các chuyên gia cho rằng, bức tranh chung vẫn rất ảm đảm. “Bởi doanh nghiệp làm ăn kinh doanh tốt thì nhu cầu vốn không cao, còn doanh nghiệp cần vốn thì ‘vết sẹo’ nợ xấu chưa lành”, một chuyên gia bình luận.

Chiêu “đẩy” vốn của nhà băng

Để tháo gỡ nút thắt của dòng vốn vay, các chuyên gia cho rằng, ngoài chính sách giảm lãi suất, thuế và các ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân hàng cũng cần có chính sách cho vay tín chấp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho khối doanh nghiệp này dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm của từng ngân hàng đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng tỏ ra không mấy hào hứng với bài toán trên bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thuộc nhóm đối tượng “khách hàng VIP”. Do vậy, nhiều ngân hàng đã phải xoay xở nhiều cách khác nhau, trong đó tập trung “câu” những khách hàng cá nhân nhưng khả năng thu hồi vốn nhanh bằng hình thức cho vay tiêu dùng.

Đơn cử, mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tung ra gói 1.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay phục vụ mục đích tiêu dùng có tài sản đảm bảo như nhà, xe với lãi suất chỉ từ 7 – 8%/năm.

Hiện nay, mỗi ngân hàng đều có những gói hỗ trợ cho vay của riêng mình. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) dành tới 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm. Hay, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng dành 1.000 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm (VND) và 3,2%/năm (USD) dành cho các doanh nghiệp phụ trợ đặc thù.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng cũng dành khoản tín dụng lớn để mua trái phiếu Chính phủ hay trái phiếu Chính quyền địa phương TP.HCM nhằm đạt được hai mục đích là tăng trưởng tín dụng và an toàn.

Mặc dù các chiêu thức đưa vốn ra kể trên được xem là tín hiệu tích cực trên thị trường tín dụng hiện nay, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, để khôi phục lại niềm tin giữa bên vay và bên cho vay, các ngân hàng cần có những chính sách đặc thù cho từng nhóm doanh nghiệp cũng như cơ chế trao đổi để tháo gỡ những bất đồng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải chú trọng các gói tín dụng trung và dài hạn và mở rộng nhóm khách hàng chiến lược là doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thật sự.

“Hiện đang nảy sinh thực trạng là đối với các gói tín dụng trung dài hạn, các ngân hàng thường chỉ ưu đãi lãi suất ngắn hạn (năm đầu tiên). Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp và doanh nghiệp có cảm giác bị ép”, đại diện một doanh nghiệp ngành bao bì tại TP.HCM chia sẻ.

Tuy vậy, cũng có nhận định cho rằng, việc khó tiếp cận vốn vay ngân hàng một phần cũng do lỗi doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân cho biết, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chưa quan tâm đến hệ thống cơ chế báo cáo tài chính. Điều này khiến các số liệu phản ánh về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa chính xác, gây e ngại cho ngân hàng.

“Để kích thích dòng vốn đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu vốn cho nền kinh tế cần có những chính sách điều tiết ở tầm vĩ mô nhưng đồng thời hai bên (bên vay – bên cho vay) phải rút ngắn khoảng cách với nhau, trong đó quan trọng là khoảng cách về niềm tin và sự minh bạch”, TS. Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh.

Lê Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ