Tạo điều kiện để lao động di cư được đảm bảo quyền lợi

(Tổ Quốc) - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, người lao động di cư trong khu vực ASEAN đối mặt với nhiều thách thức lớn do họ thiếu sự tiếp cận với các dịch vụ y tế, không thuộc đối tượng được hỗ trợ trong các chính sách và các biện pháp an sinh xã hội chính thức.

Ngày 28/9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn Lao động di cư ASEAN lần thứ 13 (AFML) "Hỗ trợ lao động di cư trong đại dịch hướng tới một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng".

Theo đó, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐTBXH), ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, lao động di cư là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá. Người lao động di cư đã đóng vai trò đáng kể cho cả nước phái cử và nước tiếp nhận trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Do vậy, các quốc gia thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng luôn quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động di cư và gia đình họ.

Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Cường nhận định, cuộc họp năm nay có khác so với những cuộc họp thường niên trước đó là Việt Nam tổ chức trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Ngoài ra, chủ đề của Diễn đàn được Việt Nam lựa chọn vừa phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19, vừa lồng ghép được nội dung của chủ đề Năm ASEAN 2020.

Đại dịch Covid-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động trên toàn cầu nói chung và trong khu vực ASEAN nói riêng kể từ đầu năm 2020. Sự lây lan nhanh chóng và liên tục của Covid-19 là không thể tưởng tượng được, với số lượng ca nhiễm tăng nhanh chóng trên thế giới và trong khu vực.

Vì vậy, nhiều tổ chức quốc gia và quốc tế đang xem xét đến những tác động, thách thức của đại dịch và tìm ra phương pháp ứng phó tốt nhất.

Các chính sách ứng phó Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Cường đưa ra bao gồm: xét nghiệm Covid-19 miễn phí, chăm sóc sức khỏe cho lao động di cư; gia hạn thị thực tự động; thủ tục đăng ký; trợ giúp hậu cần trong việc tổ chức hồi hương cho người lao động di cư; và trợ giúp, hỗ trợ thu nhập tạm thời cho lao động trở về.

Đại dịch đã khiến người lao động di cư trong khu vực đối mặt với nhiều thách thức lớn do họ thường thiếu sự tiếp cận với các dịch vụ y tế, đồng thời không thuộc đối tượng được hỗ trợ trong các chính sách cũng như các biện pháp an sinh xã hội chính thức.

Trước đó, tại Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Lao động ASEAN đã chính thức thông qua "Tuyên bố chung về ứng phó với các tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với lao động và việc làm". 

Cụ thể, lao động di cư bị mắc kẹt ở nước khác hoặc ở các nước thứ ba sẽ được hỗ trợ. Đây cũng là minh chứng cho thấy ASEAN đã cùng nhau ứng phó với Covid-19 với các biện pháp duy trì sức khoẻ và sinh kế của người dân, cùng với đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

Q.L

Tin mới