• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tao nhã với thú vui thưởng trà ở Cung đình Huế

Văn hoá 14/09/2017 14:19

(Tổ Quốc) - Khi thưởng trà, người xưa không bao giờ rót hết hẳn nước trong bình mà luôn chừa lại một tý xíu gọi là “chừa hậu”, giữ lại chút đức cho con cháu về sau

Những người yêu văn học có lẽ ai cũng biết câu chuyện của nhà văn Nguyễn Tuân khi ông kể về thú uống trà, rồi việc giữ gìn những ấm trà như báu vật của các nhà nho thời xưa. Để nói về những bộ ấm trà thuộc vào hàng quý hiếm, trong truyện ngắn “Những chiếc ấm đất” nhà văn có viết: “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”. Đó cũng trở thành câu nói cửa miệng của giới sành đồ cổ lâu nay. Ở Huế hiện nay có một người may mắn từng sở hữu “tam đại lão gia” đồ trà nói trên, ông là Nghệ nhân Nhân dân Lê Văn Kinh.

Thưởng trà, thú vui tao nhã

Trong bài viết “Gặp truyền nhân của người thêu long bào cho vua nhà Nguyễn”, mọi người được biết đến nghệ nhân Lê Văn Kinh (Phan Đăng Lưu, TP. Huế) là một trong những bậc thầy nghề thêu nổi tiếng ở Cố đô. Ít ai biết rằng với thâm niên hơn 70 năm uống trà, ông Kinh cũng được xem là người rất sành về trà. Ông đặc biệt tự hào về cách uống trà truyền thống của người dân Huế mà ông được ông ngoại của mình là quan Tham tri Bộ Lễ dưới thời vua Khải Định, vua Bảo Đại truyền dạy.

 Ông Lê Văn Kinh giới thiệu về cách thưởng trà truyền thống ở Cung đình Huế. Ảnh: Thế Trung

Trò chuyện với chúng tôi, ông Kinh cho hay, khó có thể đưa ra một quy chuẩn nào để phân biệt giữa cách thưởng trà của người Huế so với những vùng miền khác của đất nước. Tuy nhiên với kinh nghiệm của mình, ông nhận thấy rằng đối với người dân Huế xưa, việc uống trà không đơn thuần là thói quen sinh hoạt bình thường. Uống trà còn là một thú vui tao nhã thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần.

Những năm lên năm, ông Kinh từng được ông ngoại là quan Tham tri Bộ Lễ - Nguyễn Văn Giáo đưa vào Tham tri Bộ Lễ đường sinh sống. Thuở thiếu thời sống cùng ông ngoại, ông nhiều lần được thấy cụ Giáo cùng nhiều vị quan trong triều thưởng trà cùng nhau.

Theo ông Kinh được chứng kiến và kể lại, từ xưa các cụ đã xem việc thưởng trà như một thú vui tao nhã. Cách uống trà ở cung đình cũng không giống như kiểu người ta hay biểu diễn cho người khác xem như bây giờ. Cách uống và pha chế phức tạp tại các lễ hội hiện nay thường mang tính khoa trương hơn so với cách pha chế và uống thường ngày.

Ngày xưa, cách uống trà của người Huế cũng có nét riêng biệt. Tách trà không chỉ là phương tiện để con người dùng để kết giao với nhau. Thông qua cách dùng trà người xưa cũng thể hiện sự giận dữ cũng như thanh tao như thế nào với người đối diện.

 Bộ ấm trà Thế Đức trong “tam đại lão gia” đồ trà. Ảnh: Thế Trung

“Ngày trước, khi đã cùng khách an tọa theo thứ vị thì gia chủ đích thân tráng tách thay trà. Trên bàn trà, bên cạnh một khay cau trầu và hộp thuốc lá sâu kèn còn có ống nhổ bằng đồng bạch, một thau đồng và khăn điều. Người ta thường uống trà một tách ba hồi. Hồi đầu hớp nhẹ, thử độ nóng và hương thơm của trà. Hồi thứ hai mới uống chính và hồi thứ ba uống gần hết phần còn lại.

Tuần trà đầu, chủ nhà tự tay chuyên trà ra tách và bằng hai tay đưa tách lên ngang mày mời khách cùng nâng uống từng ngụm. Qua tuần trà thứ hai, chủ nhân thường nhường việc pha trà qua đồng ẩm ngồi phía tay phải, thường là người thân thiết.

Câu chuyện nở rộ sau tuần trà thứ hai và giả như giữa khách và gia chủ không đồng tình về một nội dung đối thoại nào đó thì tách trà trên tay liền đổ vào ống nhổ để thể hiện sự bất bình rồi tiếp tục thảo luận”, ông Kinh chia sẻ.

Ông Kinh cũng cho biết thêm, khi thưởng trà, người xưa không bao giờ rót hết hẳn nước trong bình mà luôn chừa lại một tý xíu gọi là “chừa hậu”, giữ lại chút đức cho con cháu về sau. Nếu câu chuyện còn kéo dài thì sau ba lần chuyên, trà lại được thay mới. Thế mới thấy, việc uống trà đối với người xưa không đơn thuần chỉ là một thói quen sinh hoạt bình thường.

 Cách nâng tách trà của quan lại triều Nguyễn. Ảnh: Thế Trung

Giữ gìn một nét đẹp văn hóa

Bàn về trà, từ lâu đây là đề tài được nhiều người đề cập dưới dạng nghiên cứu, tìm hiểu phân tích. Theo các nhà nghiên cứu, tùy thuộc vào vào nếp sống, văn hóa vùng miền mà ở mỗi nơi có một cách thưởng trà khác nhau. Với bản sắc văn hóa riêng của mình, chén trà của người Huế cũng mang đầy những nghi thức của một vùng đất văn hóa.

Theo ông Kinh, cách thưởng trà của người Huế xưa cũng khác hẳn so với cách thưởng trà của Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản,.. Nếu người Trung Quốc khi uống một tay cầm tách, một tay che miệng. Người Nhật dùng hai tay nâng xoa tách trà thì người Việt Nam nói chung và người Huế nói riêng lại khác.

Khi uống, tách trà thường được nâng bằng tay phải, ngón trỏ và ngón cái bên cạnh miệng tách, ngón giữa đỡ dưới trôn, hai ngón khác có lại. Lúc uống trà, cổ tay xoay vào để mu bàn tay và tách trà che miệng thể hiện sự lịch sự, tôn trọng người đối diện.

Thêm một điều nữa, khâu pha trà và chuyên trà cũng rất quan trọng. Lúc chuyên trà từ ấm qua tách thì vòi ấm phải kề sát miệng tách hoặc chỉ cách 2-3 phân. Bởi nếu đưa trà lên cao như các thiếu nữ hay biểu diễn ở lễ hội trà hiện nay thì nước trà sẽ nguội và hương thơm thoảng nhẹ cũng bay mất. Phần nữa, nếu nâng ấm lên cao để rót trà vào tách sẽ khiến nước trà sủi bọt trên miệng tách sẽ làm mất đi mỹ quan.

 Chiếc ấm đất nung đề hiệu Mạnh Thần với tuổi đời không dưới 500 năm. Ảnh: Thế Trung

Bằng quan sát và học hỏi, cách thưởng trà này đã được ông Kinh kế thừa và áp dụng từ đó cho đến nay. Với những am hiểu về cách thưởng trà truyền thống Huế, ông Kinh nhận được sự mến mộ của rất nhiều trà hữu.

Nhiều du khách trong đó có du khách nước ngoài khi nghe tiếng đã không ngần ngại vượt đường xa tìm tới cửa hàng của gia đình. Không chỉ để mua tranh, mà còn tìm đến để được nghe ông đàm đạo về trà.

Đam mê với trà, ông Kinh hiện cũng đang sở hữu trên 50 bộ ấm trà khác nhau, phần lớn là do những người quý mến gửi tặng. Trong bộ sưu tập ấm trà ấy phải kể đến bộ ba trong “tam đại lão gia” đồ trà nổi tiếng xưa: Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần.

Chiếc ấm Mạnh Thần với dòng chữ “Hà hoa mãn trì đường”, có lẽ nổi tiếng nhất trong số đó với tuổi đời không dưới 500 năm. Đây đều là những “báu vật” quý giá mà ông được cụ Nguyễn Văn Giáo truyền lại. Ngày xưa chỉ có những bằng hữu thân thiết mới được cụ Tham tri mời thưởng trà bằng ấm quý này và dù có đến sáu người hầu luôn túc trực, nhưng vì ấm quý mà mỗi lần dùng trà xong cụ đều tự tay lau rửa, cất giữ.

 Nhiều du khách nước ngoài khi nghe tiếng đã không ngại vượt đường xa tìm gặp để được nghe ông Kinh đàm đạo về trà. 

Đến nay dù sắp bước sang tuổi 90 nhưng ông Lê Văn Kinh vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Để có được một sức khỏe như vậy ông Kinh cho hay, một phần là nhờ duy trì thói quen uống trà mỗi ngày mà ông được ông ngoại truyền lại suốt hơn 70 năm qua.

“Thiền sư Kakuzo Okakura từng nói “Trà không có tính chất tự tôn như một vài chất uống khác..” và Truyện Kiều cũng có câu …“Khi hương sớm, khi trà trưa/ Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn”... Rõ ràng, trà là sự giao hòa với thời gian, sự tiếp cận đầy nhân tính với không gian, môi trường với con người. Chính thú vui thưởng trà đã mang đến cho tôi sức khỏe và nhiều điều bổ ích trong cuộc sống”, ông Kinh vui vẻ cho biết.

Thế Trung

Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ