• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tạo sự chuyển biến tích cực trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Văn hoá 21/04/2020 16:44

(Tổ Quốc) - Chú trọng xây dựng đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là những thông tin văn hóa đáng chú ý tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế.

Tạo sự chuyển biến tích cực trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

Thanh Hóa: Tạo sự chuyển biến tích cực trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Kế hoạch triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 30/TB-VPCP ngày 23/01/2020 của Văn phòng Chính phủ và Kế hoạch số 878/KH-BCĐ ngày 28/2/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH)

Kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thành viên Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố; tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33/NQ-TW ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH; Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Phong trào; Chú trọng xây dựng đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Để thực hiện kế hoạch, các nội dung và nhiệm vụ trọng tâm đưa ra gồm: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các văn bản của Ban Chỉ đạo trung ương và UBND tỉnh về Phong trào TDĐKXDĐSVH; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm trong năm 2020, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực và sâu rộng trong mọi lĩnh vực và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phong trào, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác, góp phần nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, lựa chọn các nội dung cụ thể của phong trào thuộc lĩnh vực quản lý để tập trung chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa, nhất là văn hóa công sở, doanh nghiệp, trường học, bảo vệ môi trường, y tế, giao thông, đặc biệt chú trọng chấn chỉnh kỷ cương, đẩy lùi bệnh hình thức; tập trung nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phong trào tại các địa phương; tổng kết các Đề án, Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến hoạt động Phong trào có hiệu lực đến năm 2020 và xây dựng các nội dung thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Quảng Bình: Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), 15 năm qua, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác gia đình, đặc biệt là nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình trong giai đoạn hiện nay.

Nội dung của Chỉ thị đã được cụ thể hóa bằng các hoạt động hàng năm, tuyên truyền trực quan vào dịp các ngày lễ về gia đình như: Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11… 

Các sở, ngành cũng tổ chức nhiều hoạt động, phong trào hiệu quả như "Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc", mô hình "Gia đình hạnh phúc", "Gia đình trẻ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh"… Tại các xã, phường, thị trấn đã xây dựng pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phòng, chống bạo lực gia đình, tuyên truyền các ngày kỷ niệm về gia đình...

Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh triển khai thực hiện công tác giáo dục đời sống gia đình, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp tuyên truyền, phổ biến nội dung giáo dục đời sống gia đình trên phương tiện thông tin đại chúng, phù hợp với tình hình thực tế của cơ sở; lồng ghép qua các lớp tập huấn, sinh hoạt Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình để tuyên truyền sâu rộng đến người dân kiến thức chung về đời sống gia đình, những điều cần thiết chuẩn bị cho hôn nhân và gia đình, tầm quan trọng của gia đình và nội dung giáo dục đời sống gia đình.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực nhằm phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng; nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được giữ gìn và phát huy. Công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình đạt nhiều kết quả tích cực, số vụ bạo lực gia đình giảm qua các năm; vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi được nâng cao; triển khai thực hiện tốt chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em... góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Tại các khu dân cư, danh hiệu gia đình văn hóa tăng lên cả số lượng và chất lượng, có tính bền vững và sức lan tỏa rộng khắp. Qua thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa tăng hàng năm từ 69,3% (năm 2010) và đến năm 2019 đạt tỷ lệ 85,3%.

Tạo sự chuyển biến tích cực trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: mangthuvien.com

Trong thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; chủ động rà soát, đánh giá tình hình công tác gia đình tại địa phương, xây dựng, triển khai kế hoạch, đề án cụ thể; giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình và công tác gia đình, đặc biệt quan tâm xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân, gia đình; tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có kế hoạch, biện pháp cụ thể đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện phòng, chống bạo hành trong gia đình; tập trung tuyên truyền pháp luật, làm tốt công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho các đối tượng về công tác gia đình; tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương người tốt việc tốt, phê phán những biểu hiện không đúng trong việc xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Mặt khác, các ngành, địa phương nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội; trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc tuyên truyền pháp luật, chính sách liên quan đến vấn đề xây dựng gia đình, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh Dân số... Đặc biệt, toàn tỉnh chú trọng tổ chức các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình như tổ chức hội thi tìm hiểu Luật phòng, chống bạo lực gia đình, hội nghị, diễn đàn về hôn nhân và gia đình… qua đó giúp các gia đình có kỹ năng sống và chủ động phòng, chống sự xâm nhập các tệ nạn xã hội vào gia đình; kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu những giá trị tiên tiến của gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH hóa đất nước...

Thừa Thiên Huế: Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Thông tin từ Sở VHTT Thừa Thiên Huế cho biết, qua hai năm triển khai thực hiện kế hoạch phát triển văn hóa đọc, trên địa bàn tỉnh đã gặt hái được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, công tác tuyên truyền phát triển văn hóa đọc đã được triển khai thực hiện trong hệ thống thư viện công cộng, trường học và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở VHTT đã tổ chức 02 buổi tập huấn phổ biến các văn bản hướng dẫn của trung ương; đồng thời, hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền phát triển văn hóa đọc tại các địa phương. Thư viện Tổng hợp tỉnh đã tổ chức tập huấn hướng dẫn và phối hợp tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng phục vụ cho người làm công tác thư viện thuộc hệ thống thư viện công cộng.

Đối với hệ thống thư viện công cộng bao gồm Thư viện Tổng hợp tỉnh và các thư viện cấp huyện, xã đã tổ chức thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người đọc sử dụng vốn tài liệu thư viện thông qua các hình thức: đọc tại chỗ, mượn về nhà hoặc phục vụ ngoài thư viện phù hợp với nội quy của thư viện. Trong hai năm 2018-2019, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp 3.753 thẻ bạn đọc và thu hút được 266.078 lượt bạn đọc đến với thư viện công cộng. Lượng sách báo trong mỗi thư viện có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bạn đọc. Bên cạnh đó, còn chú trọng xây dựng phong trào đọc sách, báo trong nhân dân tại địa phương và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện.

Kết hợp với chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013-2020, hệ thống thư viện công cộng đã triển khai thực hiện lồng ghép kế hoạch phát triển văn hóa đọc với việc thực hiện chủ trương "Đưa văn hóa về cơ sở", luân chuyển sách đến 78 điểm Bưu điện - Văn hóa xã và 11 tủ sách bao gồm các tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng và các tủ sách của các trường học, trại giam, đồn biên phòng, trung tâm điều dưỡng… Tổng số lượt sách, báo luân chuyển trong hai năm 2018-2019 đạt 804.374 lượt.

Các Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, thị xã, thành phố Huế cũng tích cực tuyên truyền về Ngày sách Việt Nam nói chung và phát triển văn hóa đọc nói riêng thông qua việc xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền phát sóng trên hệ thống truyền thanh - truyền hình, tuyên truyền bằng xe lưu động, in ấn và treo băng - rôn trên các tuyến đường đông dân cư trên địa bàn. Các doanh nghiệp và cá nhân cũng đã tích cực tham gia tổ chức các hoạt động góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng./.

Thanh Thủy (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ