• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tàu sân bay Trung Quốc chuẩn bị ra mắt sức mạnh: Nền tảng viễn chinh?

Thế giới 05/06/2020 10:02

(Tổ Quốc) - Tàu sân bay đầu tiên được Trung Quốc chế tạo nội địa đang tiến hành các thử nghiệm trên biển và có thể sớm hoạt động.

Theo trang Asia Times, con tàu này, được đặt theo tên tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, được coi là một biểu tượng của Trung Quốc và cũng có thể được sử dụng như một nền tảng tiềm năng để thực hiện các nhiệm vụ viễn chinh ở nước ngoài.

Các nhà phân tích quân sự đã bày tỏ rằng, tàu sân bay này - được giao cho Hải quân Trung Quốc (PLAN) vào tháng 12 năm ngoái tại cảng hải quân ở Tam Á - có tính năng kém hơn nhiều so với các đối tác của Hải quân Hoa Kỳ, nhưng nó đóng vai trò là bước đệm để phát triển các tàu sân bay mạnh hơn .

Tàu sân bay thứ 1 của Trung Quốc, Type 001 Liêu Ninh, được sửa lại từ thân tàu tuần dương có thể mang theo máy bay còn chưa hoàn chỉnh của Liên Xô.

Tàu sân bay Sơn Đông đã rời cảng nhà Đại Liên vào cuối tháng 5 trong chuyến đi đầu tiên tiến hành nhiệm vụ huấn luyện, 5 tháng sau khi được hạ thủy.

Chiến lược của PLAN cho Sơn Đông

Theo Business Insider, Li Yongxuan, phó thuyền trưởng hàng không mẫu hạm Sơn Đông, thông tin với truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV rằng Sơn Đông cần khẩn trương phát triển năng lực của mình.

Tàu sân bay Trung Quốc chuẩn bị ra mắt sức mạnh: Nền tảng viễn chinh? - Ảnh 1.

Trung Quốc đang thể hiện được công nghệ và sức mạnh của mình thông qua chương trình phát triển tàu sân bay nội địa. Ảnh: PLAN.

Chúng tôi cần tích hợp nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông vào hệ thống chiến đấu tổng thể càng sớm càng tốt. Và chúng tôi sẽ cố gắng đưa tàu sân bay của chúng tôi thành một con tàu sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng, ông Li nói với CCTV.

Đoạn phim CCTV ghi lại cho thấy bảy máy bay chiến đấu J-15 có mặt trên tàu sân bay này và cảnh quay lúc chúng thực hành cất cánh và hạ cánh.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang phát biểu tại một cuộc họp báo vào thứ Sáu tuần trước rằng: Mục tiêu của khóa huấn luyện này là để kiểm nghiệm hiệu suất của các loại vũ khí và thiết bị, nâng cao trình độ huấn luyện của tàu sân bay và tăng cường hơn nữa khả năng thực hiện nhiệm vụ và hành trình của lực lượng quân đội.

Mặc dù được hoàn thiện nội địa, tàu sân bay Shandong 55 nghìn tấn vẫn là phiên bản sửa đổi của Liêu Ninh, có nghĩa là nó không chỉ có kết cấu tương tự mà còn có nhiều hạn chế tương tự, The National Interest đưa tin.

Tàu sân bay này thiếu bệ phóng máy bay và thay vào đó là phóng các máy bay thông qua một đoạn đường nối phụ trợ, điều hạn chế đáng kể trọng lượng của máy bay cũng như số lượng vũ khí và thậm chí là nhiên liệu mà những chiếc máy bay đó có thể mang theo.

Tàu Sơn Đông đã có một số những cải tiến về thiết kế cho phép nó mang theo và giúp vận hành một khu vực chứa máy bay lớn hơn gồm 40 máy bay, bao gồm 36 máy bay chiến đấu, The National Interest đưa tin.

Hiện máy bay chiến đấu phóng từ tàu sân bay của Trung Quốc là J-15 Flying Shark, một loại máy bay có nguyên bản từ thiết kế máy bay Su-33 Flanker của Nga.

Đây là loại máy bay chiến đấu đa năng, được đưa vào sử dụng năm 2015 và được so sánh với FA-18 Super Hornet hai chỗ ngồi của Hải quân Hoa Kỳ. Chúng cũng được thiết kế để hoạt động trên các tàu sân bay được trang bị đường dốc trượt thay vì từ bệ phóng.

Sức mạnh răn đe khu vực

Theo Navy Recognition, Trung Quốc được cho là đã công bố kế hoạch phát triển một biến thể của tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 J-20 có khả năng hoạt động trên tàu sân bay hoặc một biến thể của máy bay chiến đấu FC-31 có năng lực tương tự - điều sẽ giúp hỗ trợ cho các con tàu sân bay đang được trang bị máy phóng cho J-15.

J-20 là máy bay chiến đấu tàng hình tối tân của Trung Quốc và các hệ thống vũ khí đi kèm của đã nhận được nhiều sự chú ý tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2018, trong khi FC-31 cũng thu hút vì dựa vào các yếu tố thiết kế từ chương trình máy bay chiến đấu của các nước khác, đáng chú ý là tiêm kích F-35 của Mỹ.

Hải quân Trung Quốc đã thông báo rằng họ có thể triển khai cả Sơn Đông và Liêu Ninh trong các cuộc tập trận đầu tiên vào mùa hè này, nhưng cả hai con tàu này đều đã có hoạt động thể hiện sự "sẵn sàng chiến đấu" vào tháng trước ở biển Hoàng Hải.

Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp – nơi Hải quân Hoa Kỳ cũng đẩy mạnh các hoạt động trong khu vực theo chương trình tự do hàng hải.

Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho biết các hoạt động diễn tập trên biển sẽ giúp tàu sân bay Sơn Đông tăng cường được khả năng chiến đấu, Business Insider đưa tin.

"Trung Quốc đang phải đối mặt với một tình hình xấu đi, đặc biệt là ở vùng biển xung quanh. Hai con tàu sân bay này có thể mang lại cho Bắc Kinh khả năng răn đe lớn hơn khi quân đội Trung Quốc dần dần tiến xa hơn từ bờ biển của họ", ông Zhou nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ