• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thách đấu tàng hình: F-35 khai màn chạy đua khí tài sát thương châu Á?

Thế giới 30/01/2019 16:29

(Tổ Quốc) - Singapore tuyên bố rằng họ có kế hoạch mua một số lượng hạn chế máy bay chiến đấu F-35 cho mục tiêu đánh giá loại tiêm kích này. Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Tháng 1 năm 2019, Singapore tuyên bố rằng họ đã lên kế hoạch mua một số lượng hạn chế máy bay chiến đấu F-35 để đánh giá về chiến đấu cơ này. Trong khi thông tin trên không gây ngạc nhiên cho giới chuyên gia theo dõi quân đội Singapore, quyết định này diễn ra vào một thời điểm khá căng thẳng đối với Singapore, khi Trung Quốc ngày càng hiện diện mạnh mẽ tại khu vực và sóng gió giữa đảo quốc Sư tử và Malaysia leo thang.

Singapore muốn nâng cấp đội bay tấn công

Cây viết Charlie Gao cho trang National Interest (NI) trong bài viết ngày 29/1 đã đặt ra câu hỏi, liệu việc mua F-35 có thể đẩy nhanh cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực? Làm thế nào các đặc tính kỹ thuật độc đáo của F-35 có thể khiến nó phù hợp với môi trường chiến thuật của Singapore?

Để hiểu được tác dụng của F-35 đối với nền quốc phòng Singapore, điều quan trọng là phải nhận ra việc chúng được dự kiến thay thế các biến thể F-16 tiên tiến của Singapore. Singapore đang vận hành khoảng 60 chiếc F-16 Block 52. Biến thể này sau khi được nâng cấp đã mang đến cho chúng các tính năng cao cấp hơn như radar AESA. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Singapore (MINDEF) dự tính rằng những chiếc máy bay này sẽ lỗi thời vào năm 2030.

Thách đấu tàng hình: F-35 khai màn chạy đua khí tài sát thương châu Á? - Ảnh 1.

Sức mạnh của F-35 sẽ tác động ra sao đến cảnh quan quân sự châu Á. (Nguồn: NI)

Theo hoạt động của lực lượng Singapore, F-16 được sử dụng đa chức năng. Tuy nhiên, bản nâng cấp gần đây nhất dường như đã ưu tiên vai trò như một chiếc máy bay tấn công hơn là chiến đấu không đối không. Trong khi các tên lửa không đối không nằm trong diện phụ tải của chiếc máy bay này, chúng chủ yếu là tên lửa tầm ngắn AIM-9X.

Phần lớn các trang thiết bị đi kèm là dành cho nhiệm vụ tấn công, từ bộ dụng cụ dẫn đường bằng laser cho các loại bom đến tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick. Đối với một nhiệm vụ không đối không thuần túy, Singapore có thể chủ yếu dựa vào F-15SG – loại máy bay được tối ưu hóa cho vai trò này với các hệ thống bổ sung như tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST).

Phá rào sức mạnh không quân Singapore?

Như vậy, nếu F-35 được dự kiến sẽ thay thế F-16, thì có khả năng nó được MINDEF xem là máy bay tấn công hạng nhẹ có khả năng tồn tại tốt nhất trong không phận đầy những mối đe dọa ngày càng nguy hiểm. Mặc dù số lượng F-35 mà không lực Singapore SAF có được có thể không đủ cho các cuộc tấn công dồn dập đối với các đối thủ lớn như Trung Quốc – bên có khả năng chống tiếp cận đáng kể, F-35 vẫn có thể làm giảm nhiều nguy cơ tấn công phủ đầu trước các đối thủ ít có sự chuẩn bị hơn như Malaysia. Các cuộc tấn công phủ đầu là một phần quan trọng trong học thuyết quân sự Singapore vì đảo quốc này không có chiều sâu phòng thủ, do đó, gia tăng sức mạnh phủ đầu có thể có tác dụng răn đe.

Biến thể F-35B, với khả năng VTOL (cất hạ cánh thẳng đứng) cũng có thể làm tăng đáng kể khả năng tồn tại của loại máy bay này trong trường hợp đường băng bị phá hủy dưới một cuộc tấn công bất ngờ. Bởi vì Singapore rất nhỏ, các căn cứ không quân mà họ có sẽ là mục tiêu nổi bật. Dù một cuộc tấn công vào những nơi này có thể sẽ đánh bật F-16 hoặc F-15, nhưng khả năng VTOL có thể cho phép F-35 ở lại chiến đấu lâu hơn các loại máy bay truyền thống.

F-35 cũng tích hợp tốt với các máy bay mua từ Mỹ khác của Singapore: nó sử dụng cùng một bảng dữ liệu, radar và yêu cầu đào tạo kĩ thuật đối với phi công. Nó cũng phù hợp và tích hợp tốt với học thuyết quân sự Singapore hiện đại. Quân đội Singapore đang phấn đấu trở thành một lực lượng nhanh nhẹn, được kết nối cao với tên gọi Chỉ huy và kiểm soát dựa trên tri thức tích hợp (IKC2). Khả năng của F-35 trong việc cung cấp một bức tranh cảm biến phong phú về môi trường chiến thuật sẽ khiến nó trở thành một tài sản rất quan trọng trong học thuyết IKC2.

Giá trị chiến lược khu vực

Chuyển sang những cân nhắc về mặt chiến lược, quyết định mua F-35 của Singapore đặt nước này vào cái mà Trung Quốc gọi là "vòng tròn bạn bè F-35 của Mỹ"- một nhóm các quốc gia có biên giới với Trung Quốc đã mua F-35 để đối phó với lực lượng không quân ngày càng mạnh của Bắc Kinh. Nhóm này hiện bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Việc Singapore mua F-35 sẽ tái khẳng định cam kết hợp tác quốc phòng và hội nhập với các đồng minh khu vực này, theo cách mà một số người gọi là tứ giác chiến lược.

Quyết định của Singapore về việc công bố mua F-35 giữa một loạt các tranh chấp trên biển và trên không với Malaysia cũng cho thấy rằng khả năng của F-35 có thể trở thành một "cây gậy lớn"- thể hiện một sức mạnh có thể dùng vũ lực trong tương lai đối với các vấn đề khu vực.

Mặc dù lực lượng không quân Malaysia hoạt động hiệu quả trong khu vực, nhưng loại máy bay mới nhất mà họ đang cân nhắc mua chỉ là thế hệ thứ tư và có lẽ chỉ tương đương với những chiếc F-16 được nâng cấp của Singapore. F-35 sẽ là một lợi thế chiến lược quan trọng và có thể gây áp lực buộc Malaysia phải tìm đến Nga để có vũ khí chống tiếp cận tiên tiến hơn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ