• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thách thức đồng minh, Mỹ mở đường trừng phạt ván cờ Nga – Đức

Thế giới 16/07/2020 13:06

(Tổ Quốc) - Nhằm tăng cường sức ép đối với Đức, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thứ Tư đã mở đường hướng tới đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.

Động thái này diễn ra khi đồng minh lớn mạnh của Mỹ tại châu Âu vẫn giữ ý định tiếp tục thực hiện dự án này với Nga.

Thông điệp từ Ngoại trưởng Mỹ

"Đó là một cảnh báo rõ ràng cho các công ty – rằng việc hỗ trợ và tiếp tay cho các dự án tăng cường ảnh hưởng xấu của Nga sẽ không được dung thứ", Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong một cuộc họp báo.

"Hãy rút lui ngay bây giờ hoặc mạo hiểm để rồi hứng chịu hậu quả," ông Pompeo cảnh báo.

Nord Stream 2, dự án sắp hoàn thành bên dưới biển Baltic, dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU, với chi phí 10 tỷ euro (11 tỷ USD).

Thách thức đồng minh, Mỹ mở đường trừng phạt ván cờ Nga – Đức - Ảnh 1.

Ông Pompeo tại 1 buổi họp ở Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Bangkok Post.

Ông Trump năm ngoái đã ký một đạo luật nhắm vào các nhà thầu làm việc cho dự án Nord Stream 2 và một dự án khí đốt khác của Nga, TurkStream – đường ống đi qua Biển Đen.

Nhưng trong khi các biện pháp trừng phạt này tập trung vào các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật trong những dự án trên thì Đạo luật đối phó với các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt đặt ra các biện pháp còn khắc nghiệt hơn nữa, có thể bao gồm việc cắt đứt quyền tiếp cận của những đơn vị bị trừng phạt vào hệ thống tài chính của Mỹ.

Sau khi Tổng thống Donald Trump miễn cưỡng ký vào Đạo luật đó năm 2017 thì Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Rex Tillerson đã miễn trừ cho Nord Stream 2 và TurkStream với lý do các hoạt động của dự án này đã bắt đầu trước đạo luật trên có hiệu lực.

Ông Pompeo đã tuyên bố các hướng dẫn sửa đổi mới để dỡ bỏ những miễn trừ này. Có nghĩa là các công ty Đức tham gia dự án này sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt ngay cả họ chỉ đưa ra các khoản đầu tư nhỏ.

Đức đã lên tiếng về những sức ép trừng phạt từ đạo luật trước đó, nói rằng những động thái này đã can thiệp vào công việc nội bộ của nước họ.

Nhưng Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic đã lên tiếng lo ngại rằng dự án Nord Stream 2 sẽ tiếp tục thúc đẩy ảnh hưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại châu Âu.

"Chúng tôi đang tăng cường tiếng nói của mình cùng những tiếng nói châu Âu hôm nay bày tỏ quan ngại về sự leo thang ảnh hưởng của Nga", Chris Robinson, một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ về vấn đề Nga nói.

"Các công cụ mà chúng tôi đã có sẵn ngày hôm nay giúp củng cố thông điệp đó", ông nói với các phóng viên.

Quan điểm khác biệt về an ninh

Đức, bất chấp sự khác biệt chính trị với Nga, coi Nord Stream 2 là dự án đảm bảo nguồn năng lượng ổn định và sạch hơn khi họ đang dần từ bỏ sử dụng than và năng lượng hạt nhân.

Nhưng các nhà phê bình nói rằng, với dự án này, Nga sẽ không còn coi Ukraine là điểm trung chuyển dầu tới châu Âu nữa - nước cũng đang chiến đấu với phe ly khai được Nga hậu thuẫn.

"Điện Kremlin đã tiếp tục thúc đẩy dự án Nord Stream 2 – một nỗ lực khai thác và mở rộng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga", Frank Fannon, Trợ lý Bộ trưởng tài nguyên năng lượng Mỹ cho biết.

"Cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đóng vai trò ngăn chặn sự leo thang của Nga. Tuy nhiên, Kremlin hiện đang tìm cách làm suy yếu Ukraine, bằng cách làm cho cơ sở hạ tầng đó trở nên lỗi thời", ông nói.

Đức là một đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ, nhưng Trump đã tạo nên sự căng thẳng trong quan hệ với Thủ tướng Đức Angela Merkel, từng nói rằng bà bị Nga đưa vào vòng gây ảnh hưởng và bày tỏ sự không hài lòng với việc Berlin chào đón người tị nạn Syria.

Ông Trump gần đây đã phê duyệt kế hoạch rút 9.500 lính Mỹ khỏi Đức, cáo buộc Berlin đối xử bất công với Hoa Kỳ trong thương mại trong khi không trả đủ tiền cho quốc phòng.

Bà Merkel rõ ràng cũng làm ông Trump thất vọng khi từ chối tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy người mà ông hy vọng sẽ tổ chức giữa đại dịch virus corona.

Cựu quan chức Hoa Kỳ Brian O'Toole và Daniel Fried, hiện là chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết thông báo của ông Pompeo dường như là một "sự leo thang lớn" đối với Nord Stream 2.

Họ đã viết trong một bài phân tích rằng chính quyền có thể hy vọng là gây áp lực được lên Đức thay vì có ý định ban hành lệnh trừng phạt.

"Tất nhiên, dưới chính quyền này, ý chí chính trị về áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một quốc gia đồng minh có thể trở thành hiện thực nhanh chóng, khi một quyết định được đưa ra chỉ bởi tweet hoặc là phản ứng với một mẩu tin tức", họ viết.

Ông Putin cho biết vào tháng 1 rằng ông hy vọng dự án Nord Stream 2 sẽ hoàn thành vào đầu năm 2021 sau "vài tháng" trì hoãn do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Bất chấp sự tức giận của Tổng thống Trump đối với Nord Stream 2, ông đã tìm cách xây dựng mối quan hệ với Putin và đã cố gắng mời nhà lãnh đạo Nga tới hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ