• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thái Nguyên: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới toàn thể người dân về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh

Văn hoá 07/07/2020 16:35

(Tổ Quốc) - Thái Nguyên quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh; Xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Hà Giang từng bước hình thành nên các lĩnh vực công nghiệp trong hoạt động văn hóa là những thông tin đáng chú ý.

Thái Nguyên: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh

Sở VHTTDL đã có báo cáo sơ kết 03 triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Theo đó, Sở VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 06/06/2017 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Thái Nguyên: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới toàn thể người dân về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/nguồn: thainguyen.gov.vn

Trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trực quan (pano, băng rôn, khẩu hiệu); tuyên truyền lưu động (biểu diễn, thông tin lưu động, triển lãm, chiếu phim); tuyên truyền trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hình; tuyên truyền thông qua các cuộc thi, liên hoan, hội diễn, giải thể thao….

Công tác phối hợp các cấp, ngành trong việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Thái Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế luôn được quan tâm, thực hiện.

Toàn tỉnh có gần 800 điểm di tích; trong đó có 01 khu di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 50 di tích cấp quốc gia, 209 di tích cấp tỉnh; Thái Nguyên có 17 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để góp phần phát triển ngành du lịch, hằng năm, Sở tham mưu tổ chức khai mạc Mùa Du lịch nhằm quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch của tỉnh Thái Nguyên đến với các du khách trong và ngoài nước; tham gia chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" và các hoạt động hội chợ, thương mại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tổ chức.

Ngoài ra, hàng năm, Sở đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật có chất lượng cao chào mừng năm mới, phục vụ các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và của tỉnh. Tổ chức nhiều sự kiện lớn, gắn các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú mục đích nhằm quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Thái Nguyên gắn với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Việc xét tặng nhằm chọn được những tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình về văn học, nghệ thuật có giá trị đặc biệt xuất sắc hoặc xuất sắc về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật để trình Chủ tịch nước phong tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật năm 2021. Đồng thời động viên và tôn vinh các tập thể và cá nhân sáng tạo nhiều tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình về văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nghệ thuật và nội dung tư tưởng, có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp văn học, nghệ thuật đất nước; quảng bá hình ảnh tốt đẹp về đất nước, dân tộc, con người Việt Nam với các nước trên thế giới.

Đối tượng tham gia xét tặng bao gồm: Tác giả, đồng tác giả là công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định, thuộc các chuyên ngành: Âm nhạc (Tác phẩm thuộc các thể loại âm nhạc; công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về âm nhạc); Điện ảnh (Tác phẩm thuộc các loại hình điện ảnh (phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, phim truyện truyền hình); công trình nghiên cứu, lý luận phê bình về điện ảnh; kịch bản được dựng thành phim và được công chiếu); Kiến trúc (Công trình kiến trúc được xây dựng; công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về kiến trúc; quy hoạch đô thị được phê duyệt, triển khai); Múa (Tác phẩm thuộc các loại hình múa (vở múa, kịch múa, các thể loại múa độc lập); công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về múa; kịch bản múa được dàn dựng và công diễn); Mỹ thuật (Tác phẩm thuộc các loại hình mỹ thuật (hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng, nghệ thuật trang trí, tượng đài, tranh hoành tráng); công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về mỹ thuật); Nhiếp ảnh (Tác phẩm nhiếp ảnh; công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về nhiếp ảnh); Sân khấu (Tác phẩm thuộc các loại hình sân khấu; công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về sân khấu; kịch bản sân khấu được dàn dựng và công diễn); Văn học (Tác phẩm thuộc các thể loại văn học; công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về văn học); Văn nghệ dân gian (Tác phẩm, công trình sưu tầm, công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về văn học, nghệ thuật dân gian).

Từ ngày 01/7/2020 đến ngày 15/8/2020, tỉnh sẽ triển khai kế hoạch thực hiện, nhận hồ sơ đề nghị xét tặng. Từ ngày 16/8/2020 đến ngày 15/10/2020, Hội đồng cấp tỉnh triển khai công tác xét tặng. Hội đồng cấp tỉnh gửi hồ sơ đến Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước vào ngày 16/10/2020.

Hà Giang: Từng bước hình thành nên các lĩnh vực công nghiệp trong hoạt động văn hóa

Theo báo cáo sơ kết 3 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được sự thống nhất chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến địa phương, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh trong hiện tại và tương lai.

Sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan chức năng từ cấp tỉnh đến cơ sở trong việc phổ biến, hướng dẫn và triển khai thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả nhất định, từng bước hình thành nên các lĩnh vực công nghiệp trong hoạt động văn hóa, qua đó đã có những đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các ngành: du lịch văn hóa; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo đều đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung của Quyết định trong đó cần xác định một số lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng của tỉnh để triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm và đem lại kết quả nhất định, làm tiền đề và động lực để phát triển các lĩnh vực khác.

Thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, phát triển mạnh các dịch vụ thương mại góp phần thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, kết nối thị trường tìm đầu ra cho các sản phẩm địa phương. Tập trung hỗ trợ các nguồn lực vào phát triển các sản phẩm mang tính chất đặc trưng của tỉnh, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, công nghiệp nông thôn có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, góp phần phát triển nền công nghiệp văn hóa tỉnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, hỗ trợ các làng nghề truyền thống, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp về tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất, tham gia các hội chợ triển lãm và giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa trong và ngoài nước.

Hằng Đinh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ