Thảm cảnh của hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ: Số máy bay 'đắp chiếu' lớn chưa từng có, các giám đốc nỗ lực từng giây để công ty duy trì hoạt động

(Tổ Quốc) - Trong những tuần gần đây, gần như toàn bộ hoạt động của American Airlines đều chịu ảnh hưởng và buộc phải thay đổi do những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Hãng hiện đã huỷ khoảng 40% chuyến bay mỗi ngày và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm thêm trong những ngày tới khi nhu cầu sụt giảm.

Sáng ngày 23/3, chuyến bay số hiệu "1" của American Airlines khởi hành từ sân bay John F. Kennedy Airport tại New York đến Los Angeles chỉ có 6 hành khách. Đây thường là chuyến bay có lượng hành khách đông và thu về lợi nhuận lớn nhất cho hãng. Giờ đây, nó lại trở thành một "biểu tượng" về mức độ thiệt hại của Covid-19 đối với ngành hàng không thương mại trong vài tuần vừa qua.

Nhu cầu hành khách sụt giảm mạnh đến vậy là điều American chưa từng chứng kiến trong lịch sử và họ cũng không biết đến khi nào ngành hàng không toàn cầu mới thực sự hồi phục. José Freig – quản lý các hoạt động của American tại Mỹ Latinh, hiện đang quản lý nhóm phản ứng virus corona của công ty, chia sẻ: "Việc này thực sự đáng sợ. Không biết đến khi nào nó mới kết thúc."

Trong những tuần gần đây, gần như toàn bộ các hoạt động của hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ đều chịu ảnh hưởng và buộc phải thay đổi do những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. American hiện đã huỷ khoảng 40% chuyến bay mỗi ngày và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm thêm trong những ngày tới khi nhu cầu sụt giảm. Những chuyến bay còn được khai thác hầu như chỉ có 1 vài hành khách, khiến công ty tốn hàng nghìn USD cho mỗi chuyến.

Ngoại trừ những chuyến đến Mexico và một số hòn đảo của Caribbean thì hãng đã ngừng khai thác hầu hết các chuyến quốc tế. Cổ phiếu của American trượt dốc 66% kể từ hồi giữa tháng 2, hồi phục nhẹ từ hôm 24/3.

Thay đổi để tiết kiệm

Hiện tại, công ty này đang nỗ lực tiết kiệm tiền mặt hết mức có thể. Họ đã đóng cửa dịch vụ bán cafe và nước trong phòng nghỉ, đưa ra chương trình nghỉ phép tự nguyện cho nhân viên. Thậm chí, American cũng thay đổi cách bảo trì máy bay: Thay vì mua bộ phận mới, họ tháo phụ tùng từ một trong hàng trăm máy bay đang không hoạt động.

Ngoài ra, công ty cũng đang tìm kiếm những nguồn doanh thu mới. Hồi tuần trước, American đã bắt đầu khai thác những chuyến bay miễn phí – lần đầu tiên trong 36 năm. Đây là những chuyến vận chuyển vật tư y tế, bưu kiện cho quân đội Mỹ, thiết bị viễn thông và điện tử giữa Dallas và Frankfurt.

Nhiều phòng chờ tại sân bay, gồm New York, Chicago, Miami và Dallas, đều đóng cửa và dự kiến sẽ đóng cửa thêm các cơ sở khác trong những ngày tới. Ở những phòng chờ vẫn hoạt động, những bữa buffet đã được thay đổi bằng đồ ăn nhẹ đóng gói sẵn và không còn rượu miễn phí. Khoang hạng nhất hiện không được phục vụ khăn nóng hoặc các loạt hạt Hot Nuts. Ly thuỷ tinh được thay thế bằng cốc nhựa. Ở những chuyến bay ngắn, đồ uống và đồ ăn cũng không còn được phục vụ.

Ngoài ra, phi hành đoàn của American, thường có 100 người, đang nỗ lực tiến hành 10 cuộc họp ngắn với 10 thành viên của tổ trước giờ bay. Chưa dừng ở đó, hãng cũng dự đoán đà phục hồi sẽ diễn ra chậm chạp, nhiều máy bay cũ của American vẫn đang "đắp chiếu" nhiều khả năng sẽ không được sử dụng nữa. 

"Mọi thứ thay đổi chỉ trong vài phút"  

Các giám đốc điều hành của American bắt đầu theo dõi tình hình Covid-19 từ hồi tháng 1, khi dịch bệnh gây ảnh hưởng đến hoạt động di chuyển của Trung Quốc và các khu vực khác ở châu Á. Các phi công của hãng là một trong những người có hành động mạnh mẽ nhất, đã đâm đơn kiện Amrican, yêu cầu ngừng cách chuyến bay tới Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Thậm chí sau đó, các giám đốc điều hành vẫn tin rằng dịch bệnh chỉ diễn ra tức thời ở Trung Quốc. Cho đến ngày 25/2, điều hành của hãng tại châu Âu - Richard Muise, gọi đến trụ sở ở Mỹ và cảnh báo rằng nhiều người ở Italy đã nhiễm bệnh và dịch đang lây lan nhanh. 1 tuần sau, WHO khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, nhằm đình chỉ hầu hết các chuyến bay thương mại trên khắp châu Âu.

Freig kể lại: "Mọi hoạt động trước thời điểm đó chỉ thay đổi trong vài ngày. Còn sau đó, mọi thứ biến chuyển chỉ trong vài giờ, thậm chí là vài phút." Ông nói thêm, rõ ràng kế hoạch của công ty đưa ra là không đủ, "chúng tôi đã trải qua rất nhiều thảm hoạ, nhưng chưa từng chứng kiến sự việc nào như thế này."

Ngày 11/3, Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ tạm đình chỉ các chuyến bay giữa Mỹ và châu Âu. Hôm sau, các trung tâm tư vấn khách hàng của Amrican, vốn đã rất bận rộn, trở nên quá tải, với lượng cuộc gọi đến cao nhất từ trước đến nay, gấp khoảng 5 lần so với bình thường. Để xử lý một loạt cuộc gọi tìm cách thay đổi đặt chỗ, hãng đã yêu cầu sự hỗ trợ từ các nhân viên ở phòng chờ, cửa sân bay.

Trong vài ngày, hàng nghìn chuyến bay đã bị huỷ. Đột nhiên, họ phải tìm cách đậu hàng trăm máy bay cùng một lúc. Erik Olund – giám đốc quản lý bộ phận bảo trì, chia sẻ: "Chưa bao giờ chúng tôi phải đón nhiều máy bay hạ cánh đến vậy." Trên khắp nước Mỹ, các máy bay của American phải hạ cánh nhanh nhất có thể, với 100 chiếc ở Tulsa, Okla; 100 chiếc ở Roswell, New Mexico; 50 chiếc ở Pittsburgh và nhiều máy bay khác ở Mobile, Alabama, Greensboro và North Carolina.

Các máy bay đã hạ cánh hàng ngày cần được một nhóm 10 người kiểm tra và bảo trì. Mỗi ngày, mỗi máy bay cần chạy lại động cơ, phải chạy trên đường băng đủ để các lốp có thể xoay vòng toàn bộ và kiểm tra thuỷ lực, hệ thống điện tử và điện tử hàng không.

Nỗ lực "cứu" công ty

Các nhà lãnh đạo của American đang rất nỗ lực để giúp công ty tiếp tục hoạt động. Giám đốc điều hành, Doug Parker, đã thảo luận với các CEO ngành hàng không trong cả tuần trước nhằm vận động Nhà Trắng và Quốc hội sớm đưa ra gói cứu trợ trị giá vài tỷ USD. Hồi tuần trước, hãng cho biết họ đã huy động được khoản trợ cấp 1 tỷ USD và có 4,8 tỷ USD thanh khoản. Hiện tại, các đại diện tài chính đang làm việc với các ngân hàng để đánh giá về những biện pháp hỗ trợ khác. 

Tuy nhiên, ngay cả khi đã tiếp cận được với biện pháp hỗ trợ, thì American vẫn cực kỳ lo ngại về tương lai của công ty. Julie Rath – giám sát trải nghiệm khách hàng, cho biết: "Chưa từng có sự việc nào như vậy. Mọi thứ sẽ không thể hồi phục chỉ trong vài tháng tới."

Cho đến nay, Amrican chưa thực hiện biện pháp sa thải nhân viên. Họ yêu cầu nhân viên tự nguyện nghỉ phép, được hưởng đủ phúc lợi y tế và một số trường hợp là một vài phần trăm lương. Tuy nhiên, những khó khăn mới chỉ bắt đầu diễn ra trong vài tuần và sự bất ổn vẫn đang "gặm nhấm" công ty với 130.000 nhân sự. Khoản tiền mặt dự trữ đang dần "bay biến" và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. 

Trong một nỗ lực nhằm tránh rơi vào tình trạng phá sản, Olund đã nhờ đến sự trợ giúp của nhân viên trong chiến dịch vận động hành lang. Ông cho biết: "Chúng tôi đã nói với họ hãy trò chuyện với các nghị sĩ tại các bang qua điện thoại và kể rằng đây là khoảng thời gian, rất cần sự giúp đỡ." 

Tham khảo New York Times

    
        Thảm cảnh của hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ: Số máy bay đắp chiếu lớn chưa từng có, các giám đốc nỗ lực từng giây để công ty duy trì hoạt động - Ảnh 2.     
    

Giang Ng

Tin mới