• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tháng 4: Chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ

Thời sự 02/04/2018 14:23

(Tổ Quốc) - Loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4 gồm: Chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ, Sử dụng bản ghi âm với mục đích thương mại phải trả tiền; Trường hợp không được giải ngân vốn vay bằng tiền mặt…

Chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ

(Nguồn: Internet)

Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ có hiệu lực từ ngày 15/4, quy định: đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hoá, vật tư bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm.

Theo quy định của Chính phủ, có 18 nhóm cơ sở nằm trong danh sách có nguy hiểm về cháy nổ như trường học, bệnh viện, khu chung cư, sân vận động, cơ quan bộ ban ngành....

Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Cũng theo Nghị định, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại Nghị định.

Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.

Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm…

Trường hợp không được giải ngân vốn vay bằng tiền mặt

(Nguồn: Internet)

Theo quy định tại Thông tư 21/2017 của Ngân hàng Nhà nước, thay thế cho Thông tư 09/2012 về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. tổ chức tín dụng cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong các trường hợp:

Khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản từ cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn...

Ngân hàng Nhà nước quy định, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Ngoài ra, Thông tư 21 cũng quy định việc giải ngân vốn cho vay để trả lương cho người lao động không còn thuộc trường hợp xem xét giải ngân vốn cho vay theo phương thức bằng tiền mặt như quy định tại Thông tư 09/2012 của Ngân hàng Nhà nước.

Sử dụng bản ghi âm với mục đích thương mại phải trả tiền

Theo quy định tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ,  quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả và quyền liên quan, từ 10/4 các tổ chức, cá nhân nào sử dụng bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả tự thỏa thuận về việc thu tiền nhuận bút và tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều tổ chức đại diện tập thể được ủy quyền đại diện cho một quyền, nhóm quyền cụ thể, các tổ chức có thể thỏa thuận để một tổ chức thay mặt đàm phán cấp phép sử dụng, thu và phân chia tiền theo điều lệ và văn bản ủy quyền.

Tàu nước ngoài qua lãnh hải Việt Nam phải đúng luồng tuyến

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 16/2018/NĐ-CP  về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/4.

Tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý hoặc tàu quân sự và các loại tàu thuyền khác không vì mục đích thương mại đi qua lãnh hải và nội thủy, để vào cảng biển Việt Nam phải hành trình đúng tuyến luồng và thực hiện thủ tục tàu thuyền theo quy định.

Bên cạnh đó, tàu thuyền đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam nhưng không đến cảng biển Việt Nam thì thuyền trưởng của tàu thuyền đó phải thông báo ngay cho cảng vụ hàng hải khu vực biết về lý do, mục đích tàu thuyền vào nội thủy Việt Nam trong các trường hợp sau đây: Cấp cứu thuyền viên, hành khách trên tàu; tránh, trú bão; thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn...

Hà Giang (T/h)

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ