• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thăng hoa với 5 cung chèo mẫu mực

Văn hoá 02/09/2016 12:39

(Tổ Quốc) - Khán giả chật kín khán phòng Nhà hát Lớn, say sưa thưởng thức những tiết mục đặc sắc của đêm “Âm nhạc và các trích đoạn Chèo truyền thống mẫu mực”.

Người xem vẫn ủng hộ Chèo

Những tràng pháo tay không dứt của khán giả đã chứng minh, nghệ thuật Chèo vẫn có sức sống, vẫn chiếm được tình yêu của nhiều khán giả Thủ đô, đặc biệt là những khán giả trung tuổi.

Tại chương trình, 5 cung chèo là bức tranh đầy màu sắc của những số phận các nhân vật điển hình trong nghệ thuật Chèo được các nghệ sĩ trình diễn theo đúng theo chuẩn mực của Chèo.

Tiết mục Thị Màu lẳng lơ làm say lòng khán giả (ảnh Ước Minh)

Từ tiết mục Thị Màu lẳng lơ, lúng liếng đến những câu hát đã trở thành kinh điển của làng Chèo như “Đào liễu có một mình/Em đi đâu hỡi cô nàng ơi/Đào liễu có một mình” của những chàng trai, cô gái làng Chèo, hay Giá Ông Hoàng Mười – Cô bé Đông Cuông đầy thăng hoa đều nhận được những tràng pháo tay nhiệt tình của khán giả. Đặc biệt, khán phòng Nhà hát Lớn lâu lắm mới ngân vang những bản nhạc Chèo truyền thống với các nhạc cụ dân tộc: đàn tranh, đàn nguyệt, trống đế, tiêu…

Ngồi ngay hàng ghế đầu, say sưa thưởng thức các tiết mục biểu diễn của Chương trình, bà Trần Thị Nhung- 65 tuổi ở Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội xuýt xoa khi đêm diễn kết thúc. Bà cũng nán lại rất lâu để xin chụp ảnh cũng các nghệ sĩ của đêm diễn. Bà Nhung chia sẻ: “Tôi mê Chèo lắm, ngày xưa cũng muốn theo hát Chèo những không có “duyên” với nghiệp hát nên thôi. Được biết có chương trình Chèo chất lượng cao biểu diễn ở Nhà hát Lớn, tôi hỏi mua vé nhưng không có. Buồn mất mấy hôm, may quá một bà chị lại có vé và hai chị em chở nhau đi xem”.

Bà Nhung bảo, xem Chèo trong không gian hàng trăm người say sưa như mình, thấy như sống lại thời kỳ xưa cũ, đêm phải cầm ghế đi đến sân kho, sân hợp tác xã mà xem Chèo.  Bà Nhung cũng chia sẻ: “Ngày nay, vẫn thích Chèo lắm mà ti vi cũng chẳng có, đi ra rạp thì cũng không. Nếu Nhà hát Lớn thường xuyên tổ chức những đêm diễn như thế này, tôi sẽ đi xem đều và tôi nghĩ, nhiều khán giả tuổi tôi cũng như thế”!

Chèo lấy lại tự tin

Không giấu niềm vui sau khi Nhà hát đã biểu diễn thành công đêm “Âm nhạc và các trích đoạn Chèo truyền thống mẫu mực”, NSƯT Thanh Ngoan- Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ: “Sự ủng hộ của khán giả hôm nay đã khích lệ chúng tôi rất nhiều, để chúng tôi tự tin tiếp tục xây dựng những tác phẩm tốt nhất gửi đến người yêu mến nghệ thuật Chèo”.

NSƯT Thanh Ngoan cũng cho biết, trước đây, khi biểu diễn tại Nhà hát Chèo Kim Mã, dù chỉ có 5 khán giả, nhà hát vẫn biểu diễn để không phụ khán giả. Nhưng NSƯT Thanh Ngoan mong muốn: “Quan điểm của chúng ta là xây dựng thương hiệu, tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật chứ chưa nặng về doanh thu. Nhưng về lâu về dài, khi đã tạo được thói quen thưởng thức nghệ thuật thì sẽ bán được vé”.

Khán giả vỗ tay không dứt sau mỗi tiết mục Chèo (ảnh Báo Văn hóa)

Thú thực thời gian vừa qua việc đưa Chèo đến với khán giả là điều rất khó. Bởi ngay việc tổ chức biểu diễn một vở chèo tại nhà hát hiện nay kinh phí khoảng 20 – 30 triệu đồng, còn tại Nhà hát Lớn trước đây là 35 – 40 triệu đồng. Đây là một khoản kinh phí rất khó với Chèo. Nhưng từ khi Bộ VHTTDL đưa ra chủ trương cũng như hỗ trợ kinh phí cụ thể đã phần nào giúp Nhà hát Chèo Việt Nam tự tin hơn khi bước chân vào Nhà hát Lớn biểu diễn- NSƯT Thanh Ngoan khẳng định.

Cũng theo NSƯT Thanh Ngoan, có cơ chế được biểu diễn ở Nhà hát Lớn, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tự tin xây dựng nhiều hơn nữa các tác phẩm Chèo. Theo đó, "vào tháng 10 tới nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Nhà hát, chúng tôi sẽ tiến hành một chuỗi các hoạt động. Từ 20 đến 29/10, Nhà hát Chèo sẽ tổ chức một Festival của làng chèo. Trong chương trình sẽ có cả chiếu chèo, các chương trình âm nhạc và có rất nhiều vở diễn mới của Nhà hát. Một điều nữa là chúng tôi có mời thêm những nghệ sĩ thành danh lớn tuổi để kết hợp với các nghệ sĩ trẻ trong những vở diễn truyền thống, kinh điển của nghệ thuật chèo như Lưu Bình – Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính…

Bên cạnh 2 buổi diễn trong năm 2016 tại Nhà hát Lớn, tới năm 2017 với lịch diễn vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần chúng tôi sẽ đăng ký nhiều hơn các vở diễn tại đây. Tôi mong với sự quan tâm của Bộ VHTTDL như vậy sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các nhà hát truyền thống. Từ đó, các nhà hát sẽ có những vở diễn tốt, chất lượng để giới thiệu rộng rãi tới công chúng Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung"- NSƯT Thanh Ngoan bày tỏ./.

Hoàng Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ