• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thanh Hóa: Ưu tiên bổ sung tài liệu quý hiếm và đẩy mạnh công tác số hóa trong hệ thống thư viện công cộng

Văn hoá 11/08/2020 10:09

(Tổ Quốc) - Trong giai đoạn 2016-2020, hoạt động của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu bạn đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Thanh Hóa: Ưu tiên bổ sung tài liệu quý hiếm và đẩy mạnh công tác số hóa trong hệ thống thư viện công cộng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.vn

Chú trọng kế hoạch xây dựng và phát triển thư viện địa phương

Trong giai đoạn 2015-2020, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh đã ban hành và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quản lý và tổ chức hoạt động của hệ thống Thư viện công cộng tỉnh Thanh Hóa, trọng tâm là Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 03/10/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch triển khai thực hiện 'Ngày sách Việt Nam" hàng năm; Kế hoạch số 2708/QĐ-UBND ngày 22/8/2014 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ" giai đoạn 2014 - 2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; Quyết định số 1666/QĐ-UBND ngày 16/4/2012 của UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020.

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam; Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Đề án nâng cấp phần mềm Ilip 3.5 lên 8.0 để phát huy hiệu quả hoạt động của Thư viện tỉnh; các văn bản thẩm định sách luân chuyển, kinh phí cho hoạt động luân chuyển sách, báo về cơ sở; kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và các hoạt động chuyên môn khác.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 298 Thư viện công cộng trong đó có 01 Thư viện tỉnh; 27 Thư viện huyện, thị, thành phố; 270 Thư viện xã, phường, thị trấn; 4.060 phòng đọc sách báo làng và 05 Thư viện tư nhân. Tất cả hệ thống Thư viện công cộng được phân cấp quản lý và hoạt động theo Thông tư 13/2016/TTBVHTTDL ngày 9/12/2016 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Mô hình tổ chức hoạt động của thư viện rất đa dạng: kho mở, kho đóng, phục vụ lưu động, kho luân chuyển.

Bổ sung vốn tài liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện

Giai đoạn 2016-2020, Thư viện tỉnh đã bổ sung được 92.820 bản sách trong đó sách kế hoạch 30.000 bản, 18.500 bản sách kho luân chuyển phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, Trại tạm giam, Trường giáo dưỡng, Thư viện các trường học, 22.500 bản cho các Điểm Bưu điện văn hóa xã, 3.930 bản sách mục tiêu văn hóa Quốc gia; 16.320 bản sách từ nguồn xã hội hóa tài trợ, sưu tầm 1.570 bản tài liệu địa chí; bổ sung 172 đầu báo, tạp chí/năm; biên soạn và phát hành 330 số thư mục toàn văn "Thanh Hoá qua báo chí Trung ương"; biên soạn 02 bộ Hàm Rồng chiến thắng gồm 5 tập; biên soạn 03 bản bao gồm Thư mục chuyên đề Văn hóa dân gian và Di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh Thanh Hóa.

Đơn vị cũng đã xử lý dán mã vạch đưa ra lưu thông phục vụ bạn đọc 47.890 bản sách, nhập 15.963 biểu ghi; Xử lý kỹ thuật sách 44.930 bản sách luân chuyển các chương trình phối hợp và chương trình mục tiêu văn hóa Quốc gia.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện trong những năm qua cũng được Lãnh đạo đơn vị ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển văn hóa đọc như áp dụng các phần mềm tra cứu (OPAC), Cổng thông tin điện tử: http://thuvientinhthanhhoa.vn, duy trì Dự án "Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam" đã phát huy tốt. Đặc biệt trong năm 2019, đơn vị đã được UBND tỉnh đầu tư nâng cấp phần mềm Ilib từ 3.5 lên 8.0 đã đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tra cứu thông tin của bạn đọc. Thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu hoạt động của thư viện từ tỉnh đến cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang website, giới thiệu sách chuyên đề, tổ chức giới thiệu sách mới tại thư viện, trên website nhằm định hướng cho bạn đọc những tác phẩm hay, giá trị, qua đó thúc đẩy phong trào đọc trong nhân dân.

Hoạt động của hệ thống thư viện cơ sở đặc biệt là hệ thống thư viện cấp huyện đã từng bước đi vào ổn định, có nhiều chuyển biến tích cực trong tổ chức thiết chế thư viện, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác phục vụ bạn đọc, ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện, đảm bảo công tác bổ sung xử lý nguồn tài liệu phục vụ bạn đọc. Phối hợp tổ chức tốt các đợt tuyên truyền sách, báo vào các dịp lễ kỷ niệm, tổ chức trưng bày triển lãm báo xuân, ngày Hội sách; các đợt sinh hoạt chính trị tại địa phương. Kết quả, trong 5 năm, hệ thống thư viện cấp huyện, cấp xã đã bổ sung được 78.350 bản sách; 39 đầu báo tạp chí; cấp và đổi thẻ bạn đọc: 25.080 thẻ; lượt bạn đọc 1.030.000 lượt; luân chuyển 3.090.000 lượt sách báo.

Tập trung đẩy mạnh công tác số hóa, tiến tới xây dựng Thư viện điện tử

Phát huy những kết quả đạt được, trong giai đoạn 2021 - 2025, hệ thống thư viện tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu hoạt động, quan tâm nâng cao chất lượng, số lượng bản sách được bổ sung; tăng cường nhiều hình thức hoạt động phong phú; duy trì bền vững dự án BMGF, đồng thời phát triển có hiệu quả hệ thống thư viện cơ sở. Bên cạnh đó, tăng cường công tác luân chuyển sách, báo; tăng cường ứng dụng công nghệ tin học vào công tác thư viện, tiến tới hoàn thiện thư viện điện tử - thư viện số; ưu tiên công tác bổ sung, số hóa và bảo quản di sản tài liệu địa chí quí hiếm, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, năng động, sáng tạo trong công tác phục vụ bạn đọc; Tổ chức nhiều hình thức hoạt động trong, ngoài thư viện và nâng cao chất lượng phục vụ người đọc, thông tin tuyên truyền các sản phẩm thông tin phong phú, đa dạng, thu hút nhiều người đọc đến sử dụng thư viện.

Cụ thể như: Tổ chức tốt các cuộc trưng bày, triển lãm tư liệu phục vụ các nhiệm vụ chính trị nhân các sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của địa phương và đất nước; Làm tốt các công tác dịch vụ về lĩnh vực thư viện và phòng đọc đa phương tiện; Thực hiện tốt các chương trình phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ban, ngành trong tỉnh và ngoài tỉnh; Tổ chức tốt các đợt phục vụ xe ô tô lưu động trên địa bàn tỉnh; Tổ chức tốt các ngày Ngày sách Việt Nam và bản quyền thế giới; Đẩy mạnh phát triển hệ thống thư viện cơ sở, thư viện tư nhân, dòng họ…; Chú trọng công tác phát triển vốn tài liệu trong thư viện.

Cùng với đó, ưu tiên công tác bổ sung tài liệu, sưu tầm tài liệu quý hiếm, tài liệu địa chí, địa phương; tập trung đẩy mạnh công tác số hóa các tài liệu tiến tới xây dựng Thư viện điện tử; Đẩy mạnh công nghệ thông tin 4.0 vào hoạt động thư viện; duy trì bền vững phần mềm Ilib 8.0 theo công năng của thư viện./.

Thanh Thủy (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ