• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thanh tra Chính phủ 'bắt bệnh' dự án BOT: Nhiều bất cập và sai sót

Kinh tế 07/09/2017 19:08

(Tổ Quốc) -Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT tại Bộ Giao thông, vận tải. Trong đó, bức tranh về hình thức đầu tư đang gây tranh cãi này hiện lên với nhiều lỗ hổng.

Do chỉ định thầu nên nhiều nhà đầu tư không đảm bảo năng lực

Đánh giá mặt được của hình thức đầu tư này, kết luận thanh tra cho hay, BT, BOT đã góp phần tháo gỡ khó khăn, áp lực về nguồn vốn nhà nước hạn hẹp đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng, người tham gia giao thông cũng được lựa chọn điều kiện giao thông thông thoáng hơn.

Tuy nhiên, hình thức này cũng có nhiều khuyết điểm, vi phạm. Thanh tra Chính phủ cho hay, hình thức đầu tư BT, BOT chưa thực hiện quy định về việc xây dựng và công bố danh sách danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư, việc công bố sau khi phê duyệt danh mục dự án, không đúng thời điểm tháng một hàng năm là thiếu chặt chẽ, ảnh hưởng không tốt đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Một số trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, gây khó khăn đối với người tham gia giao thông (ảnh: Thái Linh)

Thực tế từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trong đó có nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực, dẫn đến việc đàm phán ký kết nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý thực hiện hợp đồng, quản lý vốn đầu tư hết sức phức tạp, nhiều bất cập sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án cũng như chủ trương đầu tư chung.

Thứ hai, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án còn bất hợp lý trong cân đối tổng thể và quy hoạch, phê duyệt một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư chưa đúng quy định, còn một số khoản sai lệch. Bộ Giao thông vận tải chưa có nghiên cứu đánh giá tổng thể, toàn diện hiện trạng giao thông để từ đó có cân đối, so sánh đầy đủ trên toàn hệ thống về sự cần thiết, về lộ trình đầu tư theo hình thức đầu tư trong đó có hình thức đầu tư theo hợp đồng BT, BOT;

Bộ này cũng coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí của đối tượng tham gia giao thông cũng như sự ảnh hưởng đến chi phí hoạt động vận tải, chi phí xã hội trước khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án.

Do vậy các dự án đã quyết định đầu tư bằng hình thức BT, BOT hầu hết thực hiện ở những khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn, đặt một số trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, gây khó khăn đối với người tham gia giao thông, không có sự lựa chọn khác. Việc này điển hình tại các khu vực Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hòa Bình…

Hậu quả là phát sinh tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông tìm cách tránh đi vào trạm thu phí, đi vào đường ngang, ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương và nguy cơ mất an toàn… Việc xác định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án còn thiếu chuẩn xác, doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí kéo dài.

Phần lớn các dự án đầu tư theo hình thức BOT là cải tạo nâng cấp tuyến đường cũ nên càng tăng tình trạng dồn tích phương tiện giao thông ở những khu vực vốn đã đông đúc, không hướng đến việc mở rộng mạng lưới và phân làn giao thông hợp lý. Nhiều dự án như đường Hòa Lạc – Hòa BÌnh, Thái Nguyên – Chợ Mới, nâng cấp Pháp Vân- Cầu Giẽ đã quyết định quy mô cấp đường đầu tư chưa phù hợp quy hoạch được phê duyệt…

Công tác lập và phê duyệt tổng mức đầu tư còn nhiều nội dung chưa đúng chế độ, chưa phù hợp thực tế như áp dụng đơn giá tiền lương, chế độ phụ cấp, giá và cự ly vận chuyển, cấp loại đất đá, vật liệu, định mức máy móc thiết bị, chi phí dự phòng… Hoặc thiếu hồ sơ, căn cứ về một số nội dung phê duyệt theo cơ sở thực tế.

Kết luận cho hay, qua kiểm tra một số nội dung về tổng mức đầu tư đối với 6 dự án xác định giá trị phê duyệt sai tăng hơn 451.577 triệu đồng. Đó là các dự án hầm đường bộ Phước Tượng, Hầm Phú Gia, dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, đường Hòa Lạc – Hòa BÌnh, cải tạo- nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình; dự án đường Thái Nguyên – Chợ Mới; dự án khôi phục, cải tạo một số đoạn thuộc Quốc lộ 20.

Thanh tra Chính phủ cho hay, việc lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết và giám sát thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thiếu chặt chẽ; nhà đầu tư đã lập duyệt không đúng nhiều khối lượng, định mức, đơn giá trong dự toán công trình. Một số nhà đầu tư được lựa chọn năng lực hạn chế không đáp ứng yêu cầu của dự án như 3/4 công ty trong liên danh nhà đầu tư thực hiện dự án hầm đường bộ Phước Tượng, hầm Phú Gia đã không góp được vốn theo cam kết phải rút khỏi liên danh và xin giảm tỷ lệ vốn góp, Liên danh đã phải mời gọi nhà đầu tư thay thế dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án…

Nội dung ký kết các hợp đồng dự án phức tạp, nhiều điểm không cụ thể, mang nặng tính nguyên tắc với nhiều chỉ tiêu hợp đồng ký kết dưới dạng tạm tính và giả thiết sẽ phải tiếp tục đàm phán xác định trong suốt quá trình thực hiện dự án và cả thời gian quản lý khai thác dự án. Trong khi đó, nhà đầu tư không phải chịu rủi ro về doanh thu và lại ấn định tỷ lệ lợi nhuận trong hợp đồng. Như vậy, hợp đồng dự án không mang tính thị trường, thiếu bình đẳng giữa các bên hợp đồng.

Tổng vốn đầu tư xác định cho hợp đồng dự án trên cơ sở tổng mức đầu tư, tuy nhiên kết quả kiểm tra tổng mức đầu tư có nhiều sai lệch nên vốn đầu tư xác định cho hợp đồng dự án cũng không chính xác…

Ngoài ra, việc thanh quyết toán xác định giá trị công trình dự án còn bất hợp lý, hầu hết các công trình dự án hoàn thành giai đoạn xây dựng đã đưa vào khai thác, thu phí đều chậm và chưa quyết toán được theo đúng thời gian hợp đồng;

Kết quả huy động vốn thực hiện các dự án BT, BOT không đạt được mục tiêu đa dạng các nguồn vốn, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xác định phương án tài chính thiếu chính xác, nhất là phương án thu phí giao thông.

Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xử lý phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu 6 dự án

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ Kế hoạch, đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải phối hợp rà soát những quy định pháp lý về lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư còn thiếu, còn chưa thống nhất để bổ sung, điều chỉnh hoặc trình bổ sung điều chỉnh theo thẩm quyền. Trong đó cần quan tâm việc bổ sung quy định chặt chẽ về lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu, những dự án chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký phải xem xét lại tính khả thi của dự án trong việc quyết định chủ trương đầu tư. Quy định rõ nguyên tắc, trách nhiệm trong việc đàm phán ký kết hợp đồng dự án, giám sát thực hiện hợp đồng, đặc biệt là quản lý chất lượng công trình và tổng giá trị đầu tư, giá thu phí và thời gian thu phí phải thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán như công trình sử dụng vốn ngân sách; rà soát quy định về cơ cấu nguồn vốn đầu tư; rà soát bổ sung và quy hoạch hệ thống giao thông toàn quốc tiêu thức trạm thu phí giao thông; khắc phục ngay tình trạng quá chậm trễ quyết toán công trình bằng những giải pháp mạnh, cụ thể, trong đó gắn chặt với thực hiện quyền thu phí…

Đối với Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở kết luận thanh tra, chủ động điều chỉnh, khắc phục toàn bộ những nội dung đã kết luận thuộc trách nhiệm của mình; phối hợp rà soát toàn diện các hồ sơ dự án, các hộ đồng để bổ sung điều chỉnh đúng quy định…

Đối với các nhà đầu tư, cần thực hiện nghiêm túc các quy định về đầu tư xây dựng, những điều khoản hợp đồng dự án đã ký kết, đặc biệt là việc lập, phê duyệt thiết kế, dự toán, quản lý chất lượng trong xây dựng…

Về kiến nghị xử lý kinh tế, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm rà soát, xử lý phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu 6 dự án hơn 451.577 triệu đồng và điều chỉnh các hợp đồng dự án về tổng vốn đầu tư, xác định lại chi phí tư vấn lập dự án và thu hồi nộp ngân sách phần đã thanh toán vượt tương ứng giá trị tổng mức đầu tư phải điều chỉnh, thanh lý 2 hợp đồng tư vấn với nhà đầu tư trị giá 16.203 triệu đồng.

Các doanh nghiệp dự án xử lý hơn 316.252 triệu đồng để điều chỉnh thanh quyết toán theo thực tế đúng chế độ, đối chiếu loại bỏ những khoản đã xử lý điều chỉnh tổng mức đầu tư; căn cứ thực tế thi công và xử lý của cơ quan có thẩm quyền để quyết toán vốn đầu tư theo quy định.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ