• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thất nghiệp vì Covid-19, người trẻ Đông Nam Á thi nhau ‘khởi nghiệp’ bán hàng online

Chuyện kinh doanh 23/11/2020 13:20

(Tổ Quốc) - Mất việc, thất nghiệp, các thanh niên trên khắp Đông Nam Á tìm cách "khởi nghiệp" bán hàng online tìm lối thoát.

Trong suốt 1 thập kỷ, Tidaporn Potisai đã phục vụ khách hàng trên độ cao khoảng 11.000m. Bây giờ, cựu tiếp viên hàng không tiếp tục sứ mệnh đó, nhưng là dưới mặt đất với món kor moo yang (thịt lợn nướng kiểu Thái).

Khi dịch Covid-19 ập đến khiến các chuyến bay bị ngưng trệ, tháng 5 Potisai quyết định sẽ tận dụng sở thích nấu ăn của mình đến biến thành một hoạt động kinh doanh trực tuyến. Hóa ra đó lại là một quyết định đúng đắn – cô nhận được từ 50 – 100 đơn đặt hàng mỗi ngày từ khắp mọi nơi ở Bangkok.

"Thật khó để đưa ra quyết định phải rời bỏ công việc mà mình yêu thích. Tuy nhiên, đã 6 tháng rồi tôi không có lịch bay nào cả, vì vậy chồng tôi đã gợi ý về việc bán món kor moo yang".

Giống Potisai, nhiều người trưởng thành ở Đông Nam Á đang trở thành ông chủ, bà chủ - một tinh thần kinh doanh ra đời trong đại dịch. Khi việc làm bị cắt giảm mạnh vì kinh tế đi xuống, tỷ lệ thất nghiệp trong số những người trẻ tăng mạnh. Nhóm thanh niên này không chấp nhận số phận mà thay vào đó họ nỗ lực tìm những cơ hội mới nổi lên từ khủng hoảng.

Khi mà tầng lớp trung lưu ngày một tăng, những doanh nhân trẻ càng hăng hái tiếp cận thị trường với sức mua mạnh mặc cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khi lượng người gia nhập kỹ thuật số tăng vọt, nhiều người làm việc tại nhà hơn, nhu cầu với hàng hóa tiêu dùng và những dịch vụ trực tuyến khác tăng mạnh là điều dễ hiểu.

Xu hướng tiêu dùng thay đổi

Trong khi không có số lượng chính xác cho thấy sự tăng lên của các hoạt động kinh doanh tự phát ở Đông Nam Á trong giai đoạn dịch bệnh nhưng các chuyên gia đã thấy rõ sự thay đổi trong giai đoạn này.

Rõ ràng, khủng hoảng kinh tế sẽ tác động tới người trẻ nhiều hơn những người già khi cơ hội nhận được việc làm đầu tiên không còn.

"Những bằng chứng trong quá khứ cho thấy rằng người trẻ tốt nghiệp trong khủng hoảng sẽ khó khăn hơn để tìm một công việc có thu nhập tốt".

Theo một báo cáo vào tháng 8 bởi Tổ chức Lao động quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á, người trẻ - tức là trong độ tuổi từ 15 – 24 ở 13 quốc gia châu Á Thái Bình Dương sẽ mất từ 10 – 15 triệu việc làm toàn thời gian vì Covid-19.

Thất nghiệp vì Covid-19, người trẻ Đông Nam Á thi nhau ‘khởi nghiệp’ bán hàng online  - Ảnh 1.

"Giữa học thêm và tự khởi nghiệp kinh doanh, người trẻ tuổi có ít gánh nặng trách nhiệm hỗ trợ gia đình hoặc áp lực tài chính sẽ cảm thấy không có gì để mất khi tận dụng mọi cơ hội, kể cả nhỏ nhất thay vì do dự", theo Selena Ling, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ của OCBC Bank.

Tận dụng được cơ hội đó là Lucas Kang – một người Singapore. Với kinh nghiệm 2 năm làm nhân viên tư vấn marketing, đến tháng 9 anh quyết định tự mở công ty cung cấp dịch vụ từ phát triển website đến chiến dịch thương hiệu nhằm giúp các doanh nghiệp bán được hàng.

"Ở thời điểm việc làm khan hiếm như hiện tại, bạn không thể nói khởi nghiệp là lựa chọn rủi ro hay kém an toàn nữa. Trong kỹ nguyên kỹ thuật số, sự khác biệt đó lại càng nhỏ hơn", Kang khẳng định. 

Sự thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trên khắp các lĩnh vực cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc mang tinh thần doanh nhân tới cho thế hệ trẻ. Khi nhiều quốc gia rơi vào tình trạng phong tỏa, mọi người buộc phải mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến.

Và trong khu vực có 360 triệu người dùng internet, việc thiếu hụt sự hiện diện kỹ thuật số có thể gây ra thảm họa cho các doanh nghiệp. "Khả năng tận dụng các công cụ kỹ thuật số đã trở thành một thứ cần thiết cho các doanh nhân để sống sót trong đại dịch này. Người trẻ thường có lợi thế hơn, thậm chí dẫn dắt những người lớn tuổi trong việc áp dụng và sử dụng công nghệ".

Hơn nữa, mô hình kinh doanh trực tuyến không cần vốn lớn, cũng không bằng cấp mà thời gian lại linh hoạt hơn.

"Bạn sẽ không phải trình diện mỗi ngày từ 10 giờ sáng tới 10 giờ tối. Doanh nghiệp của bạn sẽ mở cửa 24 giờ với bất kỳ giao dịch nào".

Tiền, tiền ở khắp mọi nơi

Sự mở rộng thích nghi kỹ thuật số đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh trong những năm gần đây.

Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy các quốc gia Đông Nam Á chiếm 8 trong 18 nền kinh tế tăng trưởng tốt trong dài hạn trên thế giới. Khu vực này đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm trên đầu người 5% trong 20 năm và 3,5% trong 50 năm qua.

Một nghiên cứu khác thì dự đoán vào năm 2019 tầng lớp trung lưu của khu vực sẽ đạt 50 triệu người từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam vào năm 2022.

Với nhân viên truyền thông Ayu Cempaka – việc xây dựng thêm những kỹ năng mới là cách tốt nhất để hưởng lợi từ tiêu dùng trực tuyến khổng lồ.

Sau khi làm việc tại nhà nhiều tháng, Balinese quyết định vào tháng 8 rằng sẽ khởi nghiệp kinh doanh cùng gia đình cô trên Instagram, bán các sản phẩm làm tại nhà như bánh mì bơ tỏi, sữa đông chanh.

"Đại dịch đã có tác động lớn tới lĩnh vực du lịch của chúng tôi vì vậy sức mua giảm mạnh – một nửa khách hàng của chúng tôi đến từ bên ngoài Bali".

Sản phẩm của cô có giá từ 24.000 – 50.000 rupiah (1,6 – 3,4 USD) nhắm tới những công nhân có thu nhập vừa phải. Trung bình, cô bán được 120 – 150 bản phẩm một tháng. Thời điểm cao nhất là 220 sản phẩm.

"Hầu hết khách hàng của tôi rất hào phóng, họ luôn chia sẻ sản phẩm và đánh giá trên các trang Instagram. Những phản hồi đó đã giúp tôi tăng doanh thu trên toàn quốc".

Với Potisai - nữ tiếp viên hàng không nghỉ việc bán đồ ăn trực tuyến được nhắc đến ở phần đầu bài viết, bước ngoặt mới trong sự nghiệp của cô vẫn đang diễn ra tốt đẹp:

"Tôi nghĩ khó khăn nhất là phải kiên nhẫn khi mới bắt đầu vì khi ấy chưa có nhiều khách hàng và việc quảng bá cũng không thể theo cách thông thường. Tuy nhiên, hỗ trợ mà chúng tôi nhận được từ gia đình và bạn bè đã mang tới động lực thúc đẩy tôi làm ra món kor moo yang tốt nhất".

Vân Đàm

NỔI BẬT TRANG CHỦ