• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đổi từ "Chiến lang" sang "Ngoại giao vaccine": Chiến lược gia tăng sức mạnh của Trung Quốc

Thế giới 05/08/2020 19:54

(Tổ Quốc) - Các chuyên gia cho rằng, nếu Trung Quốc thực hiện "ngoại giao vaccine", điều này sẽ làm tăng sức mạnh mềm và giúp Bắc Kinh tái khởi động Sáng kiến Vành đai - Con đường.

Ngoại giao vaccine của Trung Quốc

Chính sách "Chiến lang", được sử dụng để nói đến những nhà ngoại giao sử dụng lời lẽ cứng rắn để đáp trả những chỉ trích từ bên ngoài, đang trở thành phương thức phổ biến để Trung Quốc phản ứng trước những nghi vấn về sự liên hệ của nước này đối với đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên tới đây, điều này có thể thay đổi khi Trung Quốc đang hướng tới hình ảnh lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh, mà trong đó Bắc Kinh cho biết sẵn sàng cung cấp các khoản vay và hỗ trợ vaccine chống Covid-19 do chính nước này phát triển cho các nước.

Nhiều nhà ngoại giao Trung quốc nhận định nếu phát triển thành công, vaccine do Trung Quốc sản xuất sẽ là "sản phẩm của toàn cầu", một cam kết được chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc họp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 5.

Cam kết này được đưa ra trong bối cảnh nhiều tổ chức và đơn vị đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn cho các vaccine được phát triển, tuy nhiên, do nhu cầu lớn, sự thiếu hụt về nguồn cung đối với những vaccine này sẽ là không tránh khỏi, và dự báo có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí là cả năm.

Điều này dẫn đến việc một số quốc gia giàu có, bao gồm Mỹ, Anh và Nhật, đã đạt được thỏa thuận riêng với các công ty dược phẩm để ưu tiên cung cấp vaccine cho người dân.

"Trung Quốc sẽ không hành xử như một số quốc gia muốn độc quyền hoặc mua toàn bộ số vaccine được sản xuất", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu vào tháng trước.

Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa nêu cụ thể cách mà nước này sẽ hợp tác với các công ty bản địa hướng tới mục tiêu sản xuất một "vaccine cho toàn cầu", trong khi vẫn cung cấp đủ nguồn cung cho 1,4 tỷ dân số trong nước.

Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa tham gia Covax, một cơ chế do WHO hỗ trợ nhằm đảm bảo phân bổ vaccine cho các quốc gia thành viên, bao gồm cả những nước không đủ tiềm lực tài chính để tự mua vaccine. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tự đưa ra những cam kết hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển.

Nepal, Afghanistan, Pakistan và Philippiné đều được các nhà ngoại giao Trung Quốc nhắc đến trong những tuần vừa qua như những quốc gia sẽ hưởng lợi từ vaccine do nước này sản xuất.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng trước đã cho biết sẽ hỗ trợ khoản vay 1 tỷ USD cho các quốc gia Mỹ Latin và Caribe nhằm mua vaccine. Vào tháng 6, ông Tập nói rằng "các nước châu Phi sẽ được ưu tiên tiếp cận vaccine cho Covid-19 do Trung Quốc sản xuất".

Việc giúp đỡ các nước có thu nhập trung bình và thấp tiếp cận vaccine sẽ giúp cải thiện danh tiếng của Trung Quốc trên trường quốc tế, Yanzhong Huang, chuyên gia về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế có trụ sở ở New York, nói.

"Nếu Trung Quốc thực hiện "ngoại giao vaccine", điều này sẽ làm tăng sức mạnh mềm của nước này và giúp Bắc Kinh tái khởi động Sáng kiến Vành đai và Con đường", ông nói.

Vấn đề chất lượng và quy mô sản xuất

Sau khi xuất hiện một số trường hợp nhiễm Covid-19 ở Tân Cương và trước đó là tại Bắc Kinh, nhà chức trách Trung Quốc đang đặt ưu tiên trong việc phát triển vaccine, Huang nói. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể cung cấp nguồn vaccine cho nước ngoài bên cạnh việc phân phát cho người dân trong nước, Huang cho biết.

"Trong lịch sử Trung Quốc không phải là nước cung cấp vaccine lớn trên thế giới, một phần là bởi chính bản thân họ là một nước lớn với dân số đông. Ở bối cảnh bình thường, việc Trung Quốc tự bảo vệ nước này trước đại dịch đã là một công việc khó khăn, nhưng đang có các cơ hội để các công ty Trung Quốc có thể tiến ra thị trường thế giới", John Donnelly, người đứng đầu Viện tư vấn Vaccine (Mỹ) nói.

Mặc dù Trung Quốc mỗi năm sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine cho các bệnh khác, ảnh hưởng của các công ty Trung Quốc trên thế giới bị che phủ bởi các công ty Ấn Độ và phương tây, dữ liệu của WHO ghi nhận.

Một số công ty Trung Quốc đã từng cung cấp vaccine cho các chiến dịch toàn cầu của Liên Hiệp Quốc. Năm ngoái, 3 công ty Trung Quốc đã trúng thầu gói cung cấp vaccine viêm gan A, bại liệt và phế cầu khuẩn cho Unicef, qua đó đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tạo miễn dịch cho trẻ em toàn cầu.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia nhận định trọng tâm của Trung Quốc sẽ vẫn là nhu cầu trong thị trường nội địa, kể cả khi nước này có đẩy mạnh quy mô sản xuất, nhưng rõ ràng không có lý do gì để các nhà sản xuất Trung Quốc không thể tiếp tục đầu tư để đáp ứng nhu cầu thế giới, Helen Chen, Giám đốc công ty Tư vấn LEK tại Trung Quốc nói.

Vào tháng trước, 13 công ty Trung Quốc đã xây dựng cơ sở để sản xuất vaccine cho Covid-19, thông tin được Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc công bố, nhưng không nêu rõ cụ thể quy mô sản xuất vaccine.

Hai trong số các cơ sở mới được đầu tư xây dựng sản xuất vaccine là thuộc công ty con của Sinopharm công ty hiện đang thử nghiệm lâm sàng vaccine giai đoạn 3 tại UAE. Một cơ sở ở Vũ Hán được dự kiến sẽ sản xuất 100 triệu liều mỗi năm, và một cơ sở khác ở Bắc Kinh với năng lực sản xuất khoảng 120 triệu liều.

Sinovac, công ty đang thử nghiệm vaccine tại Brazil, đang xây dựng nhà máy để sản xuất 100 triệu liều vaccine.

Nếu phát triển vaccine thành công, việc nâng quy mô sản xuất "sẽ không phải là thách thức", khi có sự tham gia của chính phủ, Vicky Xia, Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường BioPlan Associates nói.

"Trung Quốc từ lâu đã có tham vọng xuất khẩu vaccine ra thị trường thế giới", Vicky nói.

Một phương thức khác để đáp ứng nhu cầu vaccine thế giới là chuyển giao công nghệ, trong dó cho phép các nước sản xuất vaccine do Trung Quốc phát triển, Donnelly nói.

Cách thức này đang được Sinovac và một số công ty tại Brazil và Indonesia nghiên cứu. Tuy nhiên, một vấn đề khác đối với Trung Quốc là lòng tin.

Ngành công nghiệp vaccine Trung Quốc nhiều năm qua đã vấp phải nhiều scandal về vấn đề an toàn và chất lượng sản phẩm. Vào năm ngoài, Trung Quốc đã ra một luật mới thắt chặt các quy định trong quá trình sản xuất vaccine. "Rõ ràng sẽ có những lo ngại chính đáng về chất lượng vaccine, do những sự cố liên quan đến Trung Quốc trong việc sản xuất vaccine", Huang nói. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp sản xuất vaccine Trung Quốc đã ngày một trở nên cạnh tranh hơn.

"Trung Quốc hiểu rõ trong quá trình sản xuất vaccine cho Covid-19, yếu tố an toàn mang tính then chốt".

Minh Khôi

NỔI BẬT TRANG CHỦ