Thêm 4 "mãnh điểu lưng gù" Nga bất ngờ tới Syria, điềm báo nguy hiểm cho tiêm kích Thổ?

DK | 14-05-2020 - 13:00 PM

(Tổ Quốc) - Sau chuyến thử nghiệm thực chiến vào năm 2018, đây là lần thứ 2 tiêm kích được mệnh danh là "mãnh điểu lưng gù" tới chiến trường Syria.

Nga điều "mãnh điểu lưng gù" MiG-29SMT tới Syria

Ngày 13/5/2020, nguồn tin địa phương cho biết 4 tiêm kích đa năng MiG-29SMT thuộc phi đoàn 116 của Không quân Vũ trụ Nga (VKS) đã được triển khai từ Astrakhan đến Căn cứ không quân Khmeimim tại Latakia, Syria.

Đây là lần thứ hai MiG-29SMT (thường được gọi là "mãnh điểu lưng gù" do tích hợp thêm bình nhiên liệu trên phần lưng) được cử tới Syria sau chuyến thử nghiệm trong vòng 2 tháng vào năm 2018 để đánh giá lần cuối cùng của VKS về tính năng kỹ chiến thuật trước khi đưa vào trang bị.

Tiêm kích đa năng thế hệ 4 MiG-29SMT là một phiên bản nâng cấp và hiện đại hóa của MiG-29. Nga, Algeria, Ấn Độ, Yemen và Peru là các quốc gia trên thế giới hiện đang trang bị MiG-29SMT.

Theo Mikoyan, MiG-29SMT có hiệu quả tác chiến tăng gấp 2,5 lần so với các biến thể trước đó (gần bằng MiG-29M/M2 đắt tiền hơn) nhưng chi phí vận hành giảm tới 40% - được cho là phù hợp với các nước có chi phí quân sự thấp và có kinh nghiệm vận hành bảo dưỡng máy bay MiG.

Không quân Arab Syria (SyAAF) hiện đang duy trì hoạt động khoảng 17 tiêm kích chiếm ưu thế trên không MiG-29 (sau vụ tai nạn tháng 3/2020 tại căn cứ Shaytat ở tỉnh Homs, nhiều phân tích cho rằng chúng đã được nâng cấp lên chuẩn MiG-29SM).

Lần gần nhất MiG-29 của Syria tham chiến là khi tiến hành không kích phiến quân bằng tên lửa và bom không điều khiển ở Damascus vào cuối tháng 10/2013. Từ đó tới nay, MiG-29 của SyAAF xuất hiện rất hạn chế và chủ yếu để ngăn chặn máy bay Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Tiêm kích MiG-29SMT của Không quân Nga phóng tên lửa Kh-29T

Trái với tin đồn, mối quan hệ Nga-Iran-Syria vẫn "nồng ấm"?

Cũng theo nguồn tin địa phương nói trên, nhóm tiêm kích MiG-29SMT của Nga được dẫn đường bởi một chiếc Tu-154M và đã hạ cánh để tiếp nhiên liệu tại căn cứ Không quân Hamedan của Iran.

Năm 2016, các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M và tiêm kích ném bom Su-34 đã sử dụng Căn cứ Hamedan của Iran để tiến hành các cuộc không kích phiến quân và khủng bố ở Syria.

Đây là lần đầu tiên Iran cho phép một quốc gia nước ngoài sử dụng không phận và căn cứ quân sự của mình kể từ Cách mạng Iran vào năm 1979.

Vào tháng 8/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Iran vào thời điểm đó là ông Hossein Dehghani Poudeh đã khẳng định rằng Iran đang hỗ trợ VKS theo yêu cầu của chính phủ Syria.

Việc những chiếc MiG-29SMT và Tu-154M tiếp nhiên liệu tại Hamedan hôm 13/5/2020 cho thấy "tam giác quan hệ" giữa Nga-Iran và Syria hiện vẫn đang tốt đẹp.

Điều này trái ngược với tin đồn của Phương Tây (căn cứ vào các cáo buộc Damascus tham nhũng của truyền thông Nga) rằng Moscow và Tehran đang muốn thay thế Tổng thống Syria Bashar al-Assad bằng một "gương mặt mới".

Thêm 4 mãnh điểu lưng gù Nga bất ngờ tới Syria, điềm báo nguy hiểm cho tiêm kích Thổ? - Ảnh 3.

Trái ngược với tin đồn của Phương Tây, việc Iran vẫn tiếp tục cho phép VKS sử dụng căn cứ Hamadan là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ Moscow-Tehran và Damascus vẫn đang tốt đẹp.

Cặp tiêm kích "song kiếm hợp bích" khiến F-16 Thổ khiếp vía?

Những chiếc MiG-29SMT tới Khmeimim gần một tháng sau vụ việc Su-35 Nga "tiếp cận nguy hiểm" (ở khoảng cách chỉ hơn 7 mét) với một máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ này trên không phận quốc tế ở biển Địa Trung Hải hôm 19/4/2020.

Việc tiêm kích đa năng Su-35 phải xuất kích nhằm vào các cuộc trinh sát gần (chỉ cách không phận Syria từ 1-2 km) của Mỹ và việc MiG-29SMT tới Syria có một mối liên kết nhất định.

Cuối năm 2018, việc VKS rút Su-30SM khỏi Syria được cho là đã để lại một "lỗ hổng" trong phòng không và khiến toàn bộ gánh nặng đổ dồn về Su-35.

Tháng 7/2019, một ảnh vệ tinh chụp rõ nét tại căn cứ Khmeimim cho thấy có 7 cường kích Su-24 (VKS đã bổ sung thêm 2 chiếc vào tháng 3/2020), 4 cường kích Su-25, 7 tiêm kích ném bom Su-34, 4 tiêm kích đa năng Su-35 cung các máy bay trinh sát và vận tải.

Nói cách khác, khi cơ sở hạ tầng ở Khmeimim đã được hoàn thiện, mục đích đầu tiên của việc VKS đưa MiG-29SMT tới Syria là để thay thế cho những chiếc Su-30SM đã rút đi.

Mục đích thứ hai chắc chắn là tăng cường lực lượng để giữ được ưu thế trên bầu trời Syria.

Mục đích thứ ba có thể liên quan tới quá trình thu thập kinh nghiệm thực chiến của các phi công MiG-29SMT (được cho là ít kinh nghiệm hơn nhiều nếu so với phi công của Su-24, Su-25, Su-34 và Su-57 đã nhiều năm tham chiến ở Syria).

Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian tới, cặp đôi "song kiếm hợp bích" Su-35 và MiG-29SMT có thể sẽ được giao các nhiệm vụ tương đối phức tạp và nguy hiểm.

Vào năm 2019, Su-35 đã liên tiếp xuất kích đánh chặn tiêm kích Israel và Thổ Nhĩ Kỳ khiến phi công đối phương phải tháo chạy. Đồng thời tiêm kích đa năng này của Nga đã lần đầu tiên khai hỏa và bắn hạ lập tức máy bay không người lái (UAV) của Israel trên vùng trời phía nam Syria.

MiG-29SMT có ưu thế nhất định về kỹ thuật nếu so sánh giữa radar N010M Zhuk-M (tương tự radar với radar AN/APG-68 trên F-16C Block 52 đã tương đối lỗi thời của Thổ.

Rõ ràng, với việc trang bị radar và hệ thống điện tử hàng không hiện đại hơn, MiG-29SMT sẽ có cơ hội "vượt mặt" F-16C Block 52 trong các cuộc đối đầu trên không có thể xảy ra ở miền bắc Syria.

Su-35 Nga ngăn chặn máy bay tuần thám biển P-8A của Hải quân Mỹ trên biển Địa Trung Hải

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM