• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thi THPT quốc gia 2019: Thí sinh cần cẩn trọng với quy định mới

Giáo dục 04/01/2019 16:30

Năm nay, dự kiến tỷ lệ trung bình thí sinh chọn môn KHXH trên cả nước vẫn sẽ cao hơn so với môn KHTN. Điều này được lý giải là vì bài thi KHXH có tới 2/3 môn dễ 'ăn' điểm như môn giáo dục công dân và địa lý.

Phân tích phổ điểm môn giáo dục công dân năm 2018 cho thấy dù mặt bằng điểm chung của tất cả các môn thi đều rất thấp nhưng đây là môn có mức điểm trung bình vượt xa các môn còn lại, là môn có nhiều điểm 10 nhất với 309 bài, đồng thời là môn có số điểm liệt thấp nhất trong tất cả các môn thi. Đây cũng là môn thi duy nhất số lượng bài thi đạt điểm tuyệt đối nhiều hơn năm 2017.

Đề thi tham khảo môn giáo dục công dân năm nay cũng được đánh giá là có nhiều nội dung kiến thức rất thiết thực với học sinh, đề bài không yêu cầu thí sinh ghi nhớ máy móc các khái niệm, điều luật, chỉ cần các em hiểu bản chất, nắm được “từ khóa” là có thể trả lời được câu hỏi. Hơn nữa, đề thi những năm gần đây có khoảng 50% câu hỏi tình huống, trong đó có 20% câu hỏi tình huống đơn giản, thí sinh chỉ cần nhớ nội dung chính là có thể giải quyết một cách dễ dàng, thí sinh có thể vận dụng kiến thức xã hội của mình vào bài làm. Với môn địa lý, lợi thế được sử dụng Atlat trong việc làm bài thi cũng đã được chứng minh trong nhiều năm gần đây… Đề tham khảo năm 2019 cho thấy số câu hỏi thực hành vẫn giữ nguyên tỷ lệ như đề thi năm 2018 (15 câu thực hành, trong đó 11 câu Atlat).

Tuy nhiên, các giáo viên cũng chỉ ra rằng với việc tăng điểm thi lên 70% để xét tốt nghiệp THPT năm 2019 thì thí sinh phải hết sức lưu ý vì không phải chỉ cần vượt qua điểm liệt mà điểm các môn thi sẽ phải đạt mức trung bình trở lên chứ không thể môn nọ “gồng gánh” cho môn kia như trước. Trong bài thi môn KHXH, đáng lo ngại nhất là môn lịch sử. Đây là môn mà kỳ thi năm 2018 có phổ điểm “xấu” nhất và cũng là môn có điểm thi thấp hơn so với các môn còn lại trong các năm gần đây.

GS Phạm Hồng Tung, ĐH Quốc gia Hà Nội, chủ biên môn lịch sử, cho rằng: Môn lịch sử dù có nhiều học sinh lựa chọn nhất trong năm 2018 nhưng cần có cái nhìn tỉnh táo về hiện tượng này. Hầu hết học sinh chọn môn sử chỉ để xét tốt nghiệp, nhiều em có tâm lý chỉ cần 2 - 3 điểm môn này là được xét tốt nghiệp rồi nên không tập trung học. Các năm trước học sinh với tâm lý coi đây là môn học thuộc, có thể ăn may nhờ trúng tủ nên ngày càng nhiều em chọn môn này. Tuy nhiên, đề thi từ năm 2018 và cả đề tham khảo năm 2019 đã cho thấy một điểm chung là không thể cứ học thuộc, ghi nhớ máy móc các sự kiện, ngày tháng… là làm được bài.

Lan Hương

NỔI BẬT TRANG CHỦ