Thị trường lao động - "những người khốn khổ" thời Covid-19

Hoàng An | 17-03-2020 - 19:42 PM

(Tổ Quốc) - Cho dù diễn biến dịch Covid-19 có đi theo hướng nào, các doanh nghiệp đều đã và đang phải hứng chịu hậu quả vô cùng nặng nề, do vậy rất nhiều doanh nghiệp đã phải tính tới bài toán cắt giảm chi phí, nhân sự để duy trì vận hành.

Công nghiệp

Tại Việt Nam hiện nay, nhiều dự án, doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ thầu hoặc chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn chuyên gia và lao động Trung Quốc tham gia vào nhiều khâu quan trọng trong sản xuất và điều hành dự án, doanh nghiệp. 

Việc những lao động này đang bị hạn chế trở lại Việt Nam hoặc phải cách ly 14 ngày do các biện pháp phòng lây lan dịch Covid-19 sẽ có tác động trực tiếp đến các dự án, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống của người lao động trong dự án, doanh nghiệp liên quan. Đặc biệt, lao động theo giờ và lao động thời vụ là những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Thị trường lao động - những người khốn khổ thời Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chị Vượng, công nhân tại một nhà máy sản xuất rèm, là một trong số những người bị cắt giảm tạm thời. 

"Chúng tôi sản xuất cho khách trong nước, nên cầu không quá ảnh hưởng, nhưng không nhập được vải, vì Trung Quốc tắc nguồn cung rồi. Thế nên khi nhận được thông báo nghỉ, tôi cũng không ngạc nhiên. Thôi thì ở nhà trông con. Con tôi nghỉ học từ Tết đến giờ, tưởng sắp được đi học thì lại báo nghỉ tiếp. Học thêm cũng phải nghỉ, nghĩ cũng thương các cô giáo. Họ cũng như mình thôi, lương cứng thì được mấy" - chị Vượng kể.

Dịch vụ

Lĩnh vực du lịch và nhà hàng khách sạn được nhiều chuyên gia đánh giá là những ngành chịu tác động tiêu cực về phía cầu của dịch Covid-19 một cách trực tiếp và rõ nét nhất, cả về khách quốc tế cũng như khách nội địa. Nhiều khách sạn, nhà hàng, để hạn chế tối đa việc chi tiêu đã tính phương án giảm nhân sự đến mức tối đa. Họ cho nhân viên nghỉ phép chia ca làm việc để giảm chi tiền lương, thu hẹp quy mô.

“Covid-19 đã kéo theo doanh thu của khách sạn chúng tôi giảm nghiêm trọng. Khách sạn đã ra thông báo cắt giảm nhân sự trong một ca và cho chúng tôi nghỉ phép bù. Hiểu được khó khăn trong giai đoạn này nên bọn em vẫn làm việc với tâm lí thoải mái, phục vụ tận tình, tuy nhiên không kéo lại được lượng khách giảm sâu” – chị Hậu, nhân viên của một khách sạn ở phố cổ Hà Nội tâm sự.

Thị trường lao động - những người khốn khổ thời Covid-19 - Ảnh 2.

Gần đây, nữ quản lý khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel đã buộc lòng phải thông báo cho nhân viên nghỉ việc tạm thời. Quản lý này công bố hai phương án để mọi người lựa chọn. Với những người tự nguyện nghỉ việc, khách sạn sẽ trợ cấp 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Nếu tình trạng khó khăn kéo dài tới 4 tháng, họ sẽ nhận mức trợ cấp 6 triệu đồng vào ngày 5/8 khi quay trở lại khách sạn để làm việc.

Bà Phạm Thị Hằng - chủ chuỗi khách sạn này cho hay, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng trong đợt dịch Covid-19, khiến cho toàn bộ 9 khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel ngưng trệ nhiều hoạt động đón khách.

Không may mắn như chị Hậu, và nhân viên Hanoi Emerald Waters Hotel, anh Hưng, nhân viên một nhà hàng Hàn Quốc phải chấp nhận nghỉ không lương, vì nhà hàng phải đóng cửa tạm thời.

Thị trường lao động - những người khốn khổ thời Covid-19 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

"Hiện nay Hàn Quốc cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế các nhà hàng và khách sạn chuyên khách Hàn, và cả Trung hầu như đều đóng cửa ngừng hoạt động. Nhà hàng tôi đã dừng hoạt động từ đầu tháng 3, tôi nghỉ việc không lương từ đó. Thời gian nghỉ càng kéo dài thì không chỉ nghèo mà còn nản nản. Hy vọng dịch qua nhanh, để tôi và nhiều lao động khác có thể tiếp tục công việc" – anh Hưng chia sẻ.

Truyền thông - công nghệ

Những tưởng các công ty công nghệ hay truyền thông sẽ không bị ảnh hưởng vì nhân viên có thể làm việc online, thì không, họ cũng không tránh khỏi hệ lụy. 

"Đành rằng làm công nghệ thì làm việc online dễ hơn những nơi khác, nhưng rất nhiều máy móc thiết bị cố định ở công ty, liên quan mật thiết đến vấn đề bảo mật. Nữa là làm việc ở nhà rất mất tập trung. Nếu ai cũng nghĩ là làm công nghệ thì có thể làm ở nhà thì các công ty họ đã không xây dựng văn phòng cho tốn kém. Khi có một người rơi vào diện F3, là rất nhiều người phải cách ly ở nhà, cũng ảnh hưởng đến công việc" - chị Lê, nhân viên một công ty công nghệ cho hay.

Thị trường lao động - những người khốn khổ thời Covid-19 - Ảnh 4.

Chị Bùi Hằng - Giám đốc nhân sự công ty công nghệ - giải trí Appota chia sẻ: "Thật ra trong tình huống này, việc làm ở nhà là không thể tránh khỏi, đó cũng là hướng khả thi nhất trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp rồi. Trong trường hợp lao động phải đến công ty, nên tránh chấm vân tay thông thường vì điều đó dễ làm lây lan dịch bệnh. Như chúng tôi thì sẽ chấm công bằng ứng dụng QR Code".

Việc liên tục phân công bố trí nhân sự luân phiên nghỉ - làm, cơ cấu lại phòng ban, phân tách phòng ban, sắp xếp lại chỗ ngồi làm việc để đảm bảo khoảng cách tiếp xúc an toàn, họp online, theo chị Hằng là việc cần thiết để điều chỉnh để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.

"Thật ra, lạc quan thì thời điểm này cũng là cơ hội tốt cho những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để lựa chọn ứng viên, do lượng người tìm việc cao vì ảnh hưởng cắt giảm hay đóng cửa của một số ngành kinh doanh. Tuy nhiên trong thời điểm dịch, mọi người có tâm lý e ngại khi đi phỏng vấn do sợ nguy cơ lây nhiễm. Phỏng vấn online ứng viên là giải pháp tốt nhất trong thời điểm dịch đang bùng phát, để vừa đảm bảo an toàn vừa tiết kiệm thời gian" - chị Hằng nói thêm. 

Thị trường lao động - những người khốn khổ thời Covid-19 - Ảnh 5.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Thương hiệu mỹ phẩm Dermafirm ra mắt dòng sản phẩm 'Cica AC Line' tại Việt Nam

Sự kiện ra mắt ‘Cica AC Line’ của Dermafirm đã kết thúc thành công tại Việt Nam, nơi được gọi là chiến trường khốc liệt của K-beauty. Tại đây, nhu cầu về sản phẩm có thể giải quyết các vấn đề về làn da nhạy cảm luôn được người tiêu dùng quan tâm, do đó Dermafirm tung ra 5 dòng sản phẩm chăm sóc cho làn da có vấn đề.