Thị trường ngày 11/07: Dầu bật tăng hơn 2%, vàng tiếp đà giảm

Minh Quân | 11-07-2020 - 07:59 AM

(Tổ Quốc) - Chốt phiên đêm qua giá dầu tăng hơn 2% do Cơ quan Năng lượng Quốc tế nâng dự báo nhu cầu dầu năm 2020, vàng cũng giảm khi dòng tiền đổ sang chứng khoán Mỹ, kim loại và quặng sắt đều có tuần tăng mạnh.

Dầu tăng do Cơ quan Năng lượng Quốc tế tăng dự báo nhu cầu

Giá dầu tăng hơn 2% trong phiên cuối tuần sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo nhu cầu năm 2020 nhưng số ca nhiễm virus corona kỷ lục ở Mỹ làm giảm dự đoán tiêu thụ nhiên liệu phục hồi nhanh.

Giá cũng được hỗ trợ sau khi số liệu cho thấy các công ty năng lượng Mỹ cắt giảm số giàn khoan dầu và khí đang hoạt động xuống mức thấp kỷ lục trong 10 tuần liên tiếp.

Chốt phiên 10/7, dầu thô Brent tăng 89 US cent hay 2% lên 43,24 USD/thùng và dầu WTI của Mỹ tăng 93 US cent hay 2,4% lên 40,55 USD/thùng.

Một thị trường chứng khoán mạnh mẽ cũng thúc đẩy giá dầu. Một loạt số liệu kinh tế gồm số liệu việc làm hàng tháng kỷ lục, cho thấy sự phục hồi trong hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 6.

Dầu WTI thay đổi ít trong tuần này, trong khi dầu Brent tăng khoảng 1%.

IEA đã nâng dự báo nhu cầu lên 92,1 triệu thùng/ngày, tăng 400.000 thùng/ngày so với triển vọng trong tháng trước.

Giá dầu đã giảm trong đầu phiên giao dịch sau khi Tập đoàn Dầu Quốc gia Libya thông báo họ đã dỡ bỏ tình trạng bất khả kháng với tất cả xuất khẩu dầu mỏ sau khi bị phong tỏa trong nửa năm bởi lực lượng miền đông.

Tồn kho dầu vẫn ở mức cao do sự bùng phát của dịch bệnh. Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng gần 6 triệu thùng trong tuần trước trong khi các nhà phân tích dự đoán giảm.

Một loạt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng gây áp lực lên giá dầu. Trung Quốc cho biết họ sẽ áp đặt các biện pháp đối ứng để đáp trả các áp đặt trừng phạt của Mỹ với các quan chức Trung Quốc về vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Vàng giảm

Giá vàng giảm trong phiên cuối tuần do sự gia tăng của chứng khoán Mỹ đã giảm bớt dòng tiền đổ vào vàng.

Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.797,89 USD/ounce và tăng hơn 1,4% trong tuần này, lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 tại 1.817,71 USD. Vàng kỳ hạn tháng 8 của Mỹ giảm 0,1% xuống 1.801,9 USD/ounce.

Vàng có thể đạt kỷ lục mới trong năm nay nếu một loạt các rủi ro khác xảy ra, đặc biệt nếu nhem nhóm sự phục hồi kinh tế toàn cầu bị dập tắt bởi một đợt phong tỏa khác của các nền kinh tế lớn.

Vàng đã tăng 18% trong năm nay, thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích khổng lồ từ các ngân hàng trung ương và chính phủ để hạn chế sự sụt giảm kinh tế.

Đồng có tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2018

Giá đồng có tuần tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm, giá tăng lên mức trước khủng hoảng virus corona do nhu cầu của Trung Quốc phục hồi và các nhà dầu tư trở lại lạc quan về kim loại này.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,9% lên 6.417 USD/tấn. Giá đã tăng 6,6% trong tuần này, tăng tuần thứ 8 liên tiếp và nhiều nhất kể từ tháng 2/2018 – và đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.

Theo một nhà phân tích nhu cầu của Trung Quốc dường như sẽ quay trở lại không chỉ nhanh mà còn nhanh hơn hầu hết dự kiến của mọi người, nhưng cũng bắt đầu có rủi ro về nguồn cung được định giá trong giá đồng. Tại một số nước, đặt biệt ở Mỹ Latinh, nơi sản xuất một nửa quặng đồng thế giới, việc hạn chế đang được dỡ bỏ tại thời điểm ca nhiễm virus gia tăng.

Dự trữ đồng trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 20.018 tấn lên 137.336 tấn trong tuần này, nhưng vấn thấp hơn nhiều mức đỉnh hồi tháng 3.

Quặng sắt Trung Quốc giảm giá

Quặng sắt kỳ hạn giảm trong phiên cuối tuần, nhưng giá quặng Trung Quốc đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 5, do lạc quan ngày càng tăng về triển vọng nhu cầu tại nhà sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép hàng đầu thế giới này.

Giá bị áp lực giảm sau khi số liệu của Australia cho thấy xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc trong tháng 6 từ kho cảng xuất khẩu hàng đầu thế giới Port Hedland tăng lên mức kỷ lục 46,2 triệu tấn.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Đại Liên đóng cửa giảm 0,1% xuống 790,5 CNY (112,79 USD)/tấn, mất chuỗi tăng 5 ngày. Trong tuần này, giá tăng 6,3%, tăng một tuần lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 22/5. Hợp đồng Đại Liên này đã tăng khoảng 6,3% trong tháng 7.

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 8 trên sàn giao dịch Singapore giảm 0,3% xuống 102,82 USD/tấn sau khi tăng 6 phiên liên tiếp.

Trong tuần này, giá quặng sắt giao ngày hàm lượng 62% lên mức cao nhất trong 11 tháng đạt 107 USD/tấn, theo số liệu từ công ty tư vấn SteelHome.

Thép thanh trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa giảm 0,8% sau 6 phiên tăng liên tiếp, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,5% sau 5 ngày tăng. Thép không gỉ giảm 0,9%.

Cao su TOCOM giảm theo giá Thượng Hải

Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm theo xu hướng giá Thượng Hải, và do số trường hợp nhiễm virus corona mới tại một số bang của Mỹ làm tăng thêm lo lắng về sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại.

Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 2,5 JPY xuống 155,1 JPY (1,45 USD)/kg. Giá đã giảm 0,3% trong tuần này.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 215 CNY xuống 10.495 CNY (1.498 USD)/tấn. Tuy nhiên, trên cơ sở hàng tuần, giá tăng 2% đánh dấu tuần tăng thứ 2 liên tiếp.

Đồng JPY mạnh lên cũng gây áp lực cho giá cao su do khiến tài sản định giá bằng đồng JPY rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác. Bổ sung thêm áp lực là giá dầu giảm bởi lo lắng về về số ca nhiễm virus tăng vọt tại Mỹ và những nơi khác.

Đường giảm

Giá đường thô kết thúc phiên đêm qua giảm 0,08 US cent hay 0,7% xuống 11,76 US cent/lb.

Đường đóng cửa giảm bất chấp giá dầu đang tăng, diễn biến trái chiều hiếm hoi giữa hai loại tài sản này vì giá năng lượng cao thường được coi như đang giảm sản lượng đường tại Brazil để hỗ trợ sản xuất ethanol.

Sản lượng đường tích lũy của các nhà máy Brazil trong mùa này cao hơn 48,75% so với mùa trước.

Hệ số tỷ lệ giữa dự trữ và sử dụng đường của Mỹ tăng trong cả 2 vụ mùa mới và cũ, do nhập khẩu và sản xuất tăng, trong khi tiêu thụ dự kiến không đổi, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 4,7 USD hay 1,4% xuống 335,4 USD/tấn.

Cà phê giảm

Cà phê arabica chốt phiên giảm 1,35 US cent hay 1,4% xuống 97,4 US cent/lb.

Các đại lý cho biết những dấu hiệu cung cầu chỉ ra các nguồn cung cà phê chất lượng tốt dồi dào tiếp tục áp lực lên giá.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 không đổi tại 1.197 USD/tấn.

Ngô, đậu tương giảm do thời tiết thuận lợi ở Mỹ, lúa mì tăng giá

Giá ngô, đậu tương của Mỹ giảm trong phiên đêm qua do dự đoán mưa tại các khu vực trồng trọt và do Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết mối quan hệ của nước này với đối tác thương mại Trung Quốc đã bị tổn hại nghiêm trọng.

Một báo cáo hàng tháng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã chốt các vụ thu hoạch của Mỹ dưới mức dự đoán của nhà phân tích, mặc dù ước tính này không đủ để kéo giá nông sản tăng.

Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago giảm 12-1/4 US cent xuống 3,44-3/4 USD và chạm mức thấp nhất kể từ ngày 30/6. Đậu tương kỳ hạn giảm 10-3/4 US cent xuống 8,9-3/4 USD, thấp nhất kể từ ngày 1/7.

Lúa mì đóng cửa tăng 9 US cent lên 5,34 USD/bushel và thiết lập giá cao nhất kể từ ngày 24/4.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 11/07

Thị trường ngày 11/07: Dầu bật tăng hơn 2%, vàng tiếp đà giảm  - Ảnh 1.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM