• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thị trường tuần tới 25/4: Giá dầu lao dốc 24%, vàng tăng cao

Kinh tế 25/04/2020 07:43

(Tổ Quốc) - Phiên giao dịch cuối tuần (24/4), dầu mỏ là mặt hàng hiếm hoi tăng giá trong khi hầu hết các mặt hàng khác đi xuống, kết thúc một tuần giao dịch đầy thăng trầm khi giá dầu Brent giảm tổng cộng 24% và vàng tăng 2%. Xuất hiện thông tin mới tác động tới một số thị trường, đó là kết quả thử nghiệm một số loại thuốc và vắc xin chống Covid-19.

Dầu tăng nhưng tính chung cả tuần giảm

Giá dầu tăng trong phiên giao dịch 24/4, kết thúc một tuần vô cùng biến động với một phiên đi vào lịch sử (20/4) khi giá dầu Mỹ lao xuống mức âm 40 USD/thùng.

Kết thúc phiên cuối tuần, dầu Brent tăng 11 US cent (0,5%) lên 21,44 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WIT) tăng 44 US cent (2,7%) lên 16,94 USD/thùng. Xu hướng đi lên của giá dầu tiếp tục duy trì ở phiên này là bởi những yếu tố cơ bản không chắc chắn như việc số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua có thể là cơ sở để các nhà đầu tư xem xét dự báo về xu hướng của thị trường trong thời gian tới.

Mặc dù tăng ở phiên cuối tuần nhưng giá dầu vẫn kết thúc tuần thứ 3 giảm giá liên tiếp, trong đó Brent mất 24%, còn WTI mất khoảng 7%.

Thị trường tuần tới 25/4: Giá dầu lao dốc 24%, vàng tăng cao - Ảnh 1.

Các thương gia dự báo nhu cầu vẫn không theo kịp nguồn cung trong những tháng tới do kinh tế toàn cầu ngưng trệ vì đại dịch. Các nhà sản xuất có thể sẽ giảm sản lượng không đủ nhanh hoặc nhiều đủ để kéo giá dầu tăng lên, trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo sẽ giảm 2% trong năm 2020, tồi tệ hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính.

Vàng giảm trong một phiên, tăng trong cả tuần

Giá vàng giảm trong phiên chốt tuần do các nhà đầu tư bán chốt lời, nhưng tính chung cả tuần vẫn tăng mạnh do lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái. Các gói kích thích kinh tế khổng lồ của các ngân hàng trung ương cũng góp phần đẩy giá vàng đi lên trong tuần qua.

Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.724,29 USD/ounce, trước đó có thời điểm giảm hơn 1%; vàng kỳ hạn tháng 6/2020 giảm 0,6% xuống 1.735,60 USD/ounce.

Tính chung cả tuần, giá vàng đã tăng trên 2%, có thời điểm (ngày 23/4) giá đạt mức cao nhất trong vòng hơn 1 tuần.

Thị trường tuần tới 25/4: Giá dầu lao dốc 24%, vàng tăng cao - Ảnh 2.

Sự bùng phát của coronavirus mới, khiến hơn 2,7 triệu người trên toàn cầu bị lây nhiễm cho đến thời điểm hiện tại, đã khiến các quốc gia phải kéo dài thời gian phong tỏa hoặc hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, gây suy yếu các nền kinh tế và buộc các ngân hàng trung ương phải tăng cường các biện pháp tài chính để ngăn chặn sự suy thoái kinh tế.

Là tài sản đầu tư an toàn trong mỗi giai đoạn bất ổn chính trị/tài chính, giá vàng thường có xu hướng hưởng lợi bởi những biện pháp kích thích rộng rãi của các ngân hàng trung ương, vì kim loại này được coi như một "vũ khí" chống lại lạm phát cũng như biến động tiền tệ.

Mới đây nhất (ngày 23/4), Mỹ đã bổ sung 484 tỷ USD để chống lại tác động tiêu cực Covid-19 đối với nền kinh tế này, trong khi Liên minh Châu Âu cũng phê duyệt gói giải cứu khẩn cấp khoảng 500 tỷ EUR.

Tuy nhiên, nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc OANDA cho rằng một yếu tố đang xuất hiện có thể khiến cho giá vàng đảo chiều giảm, đó là bước đột phá trong việc nghiên cứu vắc xin chống Virus corona.

Đồng giảm do lo ngại nhu cầu yếu

Giá đồng và các kim loại cơ bản khác nhìn chung giảm trong phiên vừa qua do lo ngại kinh tế toàn cầu suy yếu nghiêm trọng và những hoài nghi về việc phát triển các loại thuốc điều trị Covid-19.

Các nhà đầu tư chưa thể xác định được việc các nền kinh tế đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến mức nào đến kinh tế toàn cầu, khi kết quả khảo sát vừa công bố hôm qua cho thấy niềm tin kinh doanh ở Đức – nền kinh tế lớn nhất Châu Âu - trong tháng 4/2020 sụp đổ với mức giảm nhiều nhất trong lịch sử.

Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) giảm 0,3% xuống 5.143 USD/tấn, kết thúc tuần giảm giá đầu tiên trong vòng 4 tuần.

Nguồn cung đồng dự báo sẽ giảm do nhiều nhà máy sản xuất kim loại này phải đóng cửa vì dịch bệnh. Tuy nhiên, nhu cầu cũng giảm sút nghiêm trọng. Ông Ole Hansen, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo ở Copenhagen nhận định: "Các dữ liệu kinh tế mà chúng tôi thu thập được rất ‘khủng khiếp’, chúng cho thấy rằng chúng ta đang phải đối mặt với một sự suy thoái nghiêm trọng. Nếu kinh tế suy thoái sâu thì nhu cầu sẽ chịu áp lực, và điều đó đang tác động tiêu cực đến thị trường kim loại công nghiệp".

Thép giảm do sản lượng tăng

Giá thép trên thị trường Trung Quốc giảm trong phiên vừa qua, tính chung cả tuần cũng giảm, do sản lượng của các nhà máy tăng nhanh hơn nhiều so với mức tiêu thụ.

Kết thúc phiên vừa qua, thép cây kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải giảm 0,4% xuống 3.343 CNY (472,39 USD)/tấn, tính chung cả tuần giảm 1,1%. Thép cuộn cán nóng giảm 0,2% trong cùng phiên, xuống 3.187 CNY/tấn, tính chung cả tuần giảm 1,5%.

Số liệu của Mysteel cho thấy, các thương gia Trung Quốc đang lưu giữ 20,1 triệu tấn các sản phẩm thép tính tới ngày 23/4, giảm 5,7% so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, các lò luyện thép đang hoạt động ở 80,59% công suất – mức cao nhất trong vòng 7 tuần.

Quặng sắt giảm

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên kỳ hạn tháng 9/2020 giảm 0,4% trong phiên vừa qua, xuống 607 CNY/tấn, mặc dù quặng sắt 62% giao ngay nhập khẩu phiên trước đó (23/4) tăng lên 86 USD/tấn.

Tuy nhiên, Fitch Solutions nhận định giá quặng sắt sẽ vẫn ổn định so với các kim loại khác, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng từ chính sách giãn cách xã hội do Covid-19 và giá dầu lao dốc.

Ngũ cốc giảm trở lại

Giá ngô và đậu tương quay đầu giảm trong phiên vừa qua sau 3 phiên tăng liên tiếp trước đó, do nhà đầu tư rời khỏi thị trường vì lo ngại có nhiều rủi ro về nhu cầu do Covid-19. Lúa mì cũng giảm giá vì dự báo sẽ có mưa ở các khu vực trồng trọt chính của Châu Âu.

Nhà phân tích Jack Scoville của Price Futures Group (ở Chicago) cho biết: "Chúng tôi đã kinh doanh khá thuận lợi trong mấy ngày qua và bây giờ là lúc thu lợi nhuận (bán chốt lời)".

Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn Chicago giảm 3 US cent xuống 2,23 USD/bushel, đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 7-1/4 US cent xuống 8,39-1/2 USD/bushel, trong khi lúa mì đỏ mềm vụ Đông cũng kỳ hạn này giảm 14-1/4 US cent xuống 5,30-1/2 USD/bushel.

Nhu cầu ethanol giảm sút do sự bùng phát của Covid-19 đã ảnh hưởng tới thị trường ngô, và dự báo thời tiết ở Mỹ thuận lợi càng gia tăng sức ép lên nông sản này. Công ty Archer Daniels Midland Co ngày 23/4 cho biết sẽ tạm dừng sản xuất 2 trong số các cơ sở chế biến ngô do nhu cầu xăng giảm thấp.

Về thông tin liên quan, Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 24/4 thông báo Trung Quốc đã đồng ý mua 136.000 tấn đậu tương Mỹ, trước đó Trung Quốc cũng đã đặt mua 60.000 tấn đậu tương Mỹ khi giá mặt hàng này xuống mức thấp nhất 11 tháng hồi đầu tuần này. Tất cả các đợt hàng này sẽ đều giao trong năm marketing 2019/20, nhưng chưa xác định chính xác thời hạn. 125.000 tấn đậu tương và 589.395 tấn ngô Mỹ cũng được bán cho Mexico trong tuần vừa qua.

Đường thô và cà phê giảm do real Brazil thấp kỷ lục

Giá đường thô đã giảm 0,11 US cent (1,1%) xuống 9,73 US cent/lb trong phiên vừa qua sau khi đồng real của Brazil giảm xuống mức thấp kỷ lục. Trên thực tế, đường đã từng chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2008 vào ngày 21/4 vừa qua, và việc đồng real yếu đi chỉ làm tăng thêm các nguyên nhân đẩy giá đường đi xuống. Doanh số bán ethanol tại Brazil đã giảm mạnh trong thời gian qua.

Đường trắng cũng giảm trong phiên này, mất 4,6 USD (1,4%) xuống 317,4 USD/tấn.

Cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 7 giảm 5,65 US cent, tương đương 5,0%, kết thúc tuần ở mức 1,0675 USD/lb, thấp nhất trong vòng một tháng. Robusta giao cùng kỳ hạn giảm 6 USD, tương đương 0,5%, xuống 1.144 USD/tấn.

Giá cà phê đã có khoảng thời gian tăng mạnh khi các nhà chế biến tăng cường mua nguyên liệu phòng trường hợp chính sách phong tỏa kinh tế gây trở ngại cho việc giao nhận hàng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 có vẻ sẽ tác động lâu dài tới tăng trưởng kinh tế nên xu hướng giá cà phê cũng không thể có ngoại lệ tăng.

Cao su giảm

Giá cao su trên sàn Tokyo (TOCOM) giảm trong phiên vừa qua và tính chung cả tuần cũng giảm do lo ngại về nhu cầu trong bối cảnh Covid-19 làm giảm sút tăng trưởng kinh tế.

Kết thúc phiên vừa qua, hợp đồng kỳ hạn tháng 10 trên sàn TOCOM giảm 0,5 JPY xuống 151,5 JPY/kg, tính chung cả tuần giá giảm 1,5% và là tuần giảm đầu tiên trong vòng 3 tuần.

Trên sàn Thượng Hải, giá tăng trong phiên vừa qua, lên 9.960 CNY/tấn; tính chung cả tuần giảm 0,6%, là tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Dầu cọ trải qua tuần giảm nhiều nhất 6 tuần

Giá dầu cọ Malaysia trong phiên cuối tuần giảm, đưa giá cả tuần giảm mạnh nhất trong vòng 6 tuần, do ảnh hưởng bởi xu hướng đi xuống của thị trường dầu mỏ.

Kết thúc phiên cuối tuần, dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 1,5% xuống 2.090 ringgit (479,36 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá giảm 6,5% - nhiều nhất kể từ 13/3/2020.

Vải thiều Trung Quốc bắt đầu vào vụ, giá cao

Đảo Hải Nam (Trung Quốc) bắt đầu thu hoạch vải thiều từ đầu tháng 4. Là vải sớm nên giá khá cao, khoảng 30-50 CNY/0,5kg. Tuy nhiên, giá dự báo sẽ giảm dần từ tháng 5, khi nguồn cung tăng lên không chỉ ở Hải Nam mà cả những khu vực khác như Quảng Đông, Quảng Tây…, giá sẽ giảm về khoảng 10 CNY/0,5kg. Một số thương gia nhận định, trong nửa cuối tháng 5, khi nguồn cung dồi dào, giá sẽ chỉ dưới 10 CNY/0,5 kg.

Năm ngoái thời tiết không thuận lợi nên sản lượng vải không cao. Năm nay, thời tiết tốt hơn, sản lượng dự báo sẽ trở lại bình thường, nguồn cung do đó dự báo sẽ tăng lên.

Các sàn giao dịch hàng hóa Trung Quốc nối lại việc giao dịch đêm

Các sàn giao dịch hàng hóa của Trung Quốc sẽ bắt đầu trở lại giao dịch hàng quyền chọn về đêm kể từ ngày 6/5/2020 trong một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa kinh tế trở lại "đường ray" tăng trưởng sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

Các sàn giao dịch, bao gồm Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải, Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải, Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên và Sàn giao dịch hàng hóa Trịnh Châu, đã dừng giao dịch về đêm kể từ đầu tháng 2 do chính sách phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Trung Quốc sắp giao dịch hợp đồng lợn sống kỳ hạn tương lai

Trung Quốc sẽ trở thành thị trường giao dịch lợn sống kỳ hạn tương lai thế 2 thế giới sau Mỹ, khi Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên cho ra mắt hợp đồng lợn kỳ hạn giao sau.

Trung Quốc là nước sản xuất lợn lớn nhất thế giới, và kế hoạch đưa lợn sống lên sàn giao dịch đã được bàn bạc từ hàng chục năm nay.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 25/4

Thị trường tuần tới 25/4: Giá dầu lao dốc 24%, vàng tăng cao - Ảnh 3.

Minh Quân - Nhịp Sống Kinh Tế

NỔI BẬT TRANG CHỦ