• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh: 10 phút vàng để đánh bại 'bà hỏa'

Thời sự 11/11/2016 06:18

(Tổ Quốc)- Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Phòng cháy chữa cháy cho biết, công tác chữa cháy đạt hiệu quả cao nhất là 10 phút đầu tiên sau khi xảy ra cháy.

Thông tin này được đưa ra trong buổi tọa đàm trực tuyến “Làm gì để giảm nguy cơ cháy nổ hiện nay?” do báo điện tử Tổ Quốc tổ chức sáng 10/11.

Theo Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, trong 10 phút ấy, nếu ứng cứu nhanh thì chỉ 1 gáo nước là dập tắt, sau 10 phút thì hệ quả khôn lường bởi vì tốc độ cháy, lan rất nhanh".

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Phòng cháy chữa cháy cho biết, công tác chữa cháy đạt hiệu quả cao nhất là 10 phút đầu tiên sau khi xảy ra cháy.

Còn Thiếu tá Vũ Công Hòa, Phó Trưởng phòng Công tác chữa cháy, cho biết, để tổ chức cứu chữa các đám cháy một cách có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng cần thiết nhất là trang bị cho người dân kiến thức cơ bản để tránh cháy nổ.

Vừa qua, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc tổ chức chữa cháy tại chỗ của nhân dân không hiệu quả. Như vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông xảy ra vào ngày 1/11 vừa qua, nếu người dân biết dùng bình cứu hỏa thì hạn chế được. Hơn nữa là việc báo thông tin chậm.

Cũng theo Thiếu tá Vũ Công Hòa, Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn khác hệ thống giao thông đi lại khó khăn, có nhiều ngõ nhỏ, hẻm sâu, dân cư đông đúc, nhà cửa chật chội, hệ thống dây dẫn điện chằng chịt, nhiều nơi người dân tự ý xây trụ bê tông hoặc hàn thanh ngang để cản đường ô tô... nên các xe chữa cháy thông thường được trang bị hiện nay không hoạt động được.

Bên cạnh đó, tại những khu vực này, đặc biệt là đối với những khu dân cư cũ, hệ thống mạng lưới cấp nước chữa cháy gần như không có, hoặc xuống cấp không được đầu tư nâng cấp, cải tạo không sử dụng được, nên khi có cháy xảy ra việc tiếp cận và triển khai tổ chức chữa cháy tại những nơi này gặp rất nhiều khó khăn. 

Các khu dân cư như phố cổ, việc đầu tư cho chữa cháy như nguồn nước tại chỗ khó khăn, có khu dân cư không có. Nên khi triển khai chúng tôi phải đi lấy nước rất xa. Nên tạo điều kiện cho đám cháy bùng phát trở lại.

Vấn đề nữa là ý thức trách nhiệm của người dân, người đứng đầu cơ sở không đầu tư cho đảm bảo an toàn cháy nổ từ ban đầu nên việc cháy nổ diễn biến phức tạp.

Theo Thiếu tá Vũ Công Hòa, để giải quyết vấn đề này, trước hết cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác PCCC, rỡ bỏ các ụ bê tông, thanh ngang chắn đường tạo điều kiện hoạt động cho xe chữa cháy ở những nơi xe có thể vào được. 

Tại những nơi xe chữa cháy không tiếp cận được, Thiếu tá Vũ Công Hòa cho biết, giải pháp đầu tư các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy loại nhỏ là phù hợp và hiệu quả như máy bơm chữa cháy, xe máy chữa cháy, ô tô chữa cháy mini và đặc biệt là phải tính toán đầu tư xây dựng mạng lưới các bể chữa cháy, trụ nước chữa cháy, hệ thống máy bơm, đường ống dẫn nước đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy, để khi có sự cố xảy ra là có thể sử dụng được ngay để chữa cháy.

Để giảm thiểu các nguy cơ cháy tại hộ gia đình, Trung tá Phạm Văn Điềm (Phó Trưởng phòng Công tác phòng cháy khuyến cáo người dân cần chú ý có biện pháp quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt, bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC, ví dụ như: Không để các hàng hóa vật tư dễ cháy, nổ ở gần nơi đun nấu; hệ thống điện trong gia đình phải được thiết kế và lắp đặt các thiết bị bảo vệ điện.

Clip: Buổi tọa đàm trực tuyến về công tác phòng cháy, chữa cháy (Nguồn Quochoitv)

Cùng đó, người dân còn phải chủ động dự kiến các tình huống cháy, nổ có thể xẩy ra để có các giải pháp, biện pháp chữa cháy và thoát nạn. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

Một điều cần phải xây dựng thành thói quen, đó là mỗi thành viên trong gia đình thường xuyên có ý thức kiểm tra, phát hiện và loại trừ kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn PCCC, đặc biệt vào ban đêm trước khi đi ngủ hoặc trước khi ra khỏi nhà. 

“Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến”, Trung tá Điềm nhấn mạnh./.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ