Thiếu tướng Lê Văn Cương: "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người góp phần tạo nên lịch sử của Đảng ta"
(Tổ Quốc) - "Cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong gần 3 năm qua đã tạo nên bước ngoặt, có vai trò mang tính quyết định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước" - Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhận định.
Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương là người luôn có quan điểm sâu sắc về tình hình an ninh, chính trị trong nước và thế giới. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề an ninh mạng, phương pháp đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái trên không gian mạng hiện nay; cuộc chiến chống tham nhũng, những vấn đề đạo đức nghề nghiệp…
Đầu xuân Canh Tý, ông dành cho Báo Điện tử Tổ Quốc cuộc trò chuyện về vấn đề đang rất được người dân, dư luận quan tâm, ủng hộ - đó là cuộc chiến chống tham nhũng.
Người dân đồng tình và củng cố lòng tin đối với Đảng
-Thưa ông, tiếp nối năm 2018, năm 2019 có thể nói là một năm rất "nóng" bởi "người đốt lò" Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt công cuộc phòng chống tham nhũng. Cá nhân ông chia sẻ thế nào về điều này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cá nhân tôi cũng như đại đa số người dân Việt Nam đều thấy rất phấn khởi khi mà năm 2019 - Đảng ta, sự quyết tâm của Bộ Chính trị với hạt nhân lãnh đạo là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng hết sức quyết liệt, không có vùng cấm, không nhân nhượng, với tinh thần bất cứ cán bộ nào sai phạm ở đâu sẽ bị xử lý đúng theo pháp luật đến đấy.
Tôi cho rằng đây là tín hiệu lành mạnh. Chính điều này đã làm cho cán bộ Đảng viên cơ sở cũng như người dân đồng tình ủng hộ và củng cố lòng tin đối với Đảng ta. Chính cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và suy thoái này đã gieo vào trong lòng người dân Việt Nam một tình cảm mới đối với Đảng, trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Đảng ta trong năm 2019, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Đây là một điểm sáng được người dân hết sức ủng hộ, đồng tình.
Đó là nhận thức riêng của tôi và tôi cho rằng rất nhiều người dân, đảng viên cũng chia sẻ quan điểm giống như tôi.
câu 1
-Trong năm 2019, nhiều vụ án đã bị đưa ra truy tố, xét xử sơ thẩm, gồm vụ án tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, vụ án "Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền" xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường… Trong số này có cả các cựu Bộ trưởng. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong gần 3 năm vừa qua, cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo đã phát triển sang một bước ngoặt. Chưa bao giờ trong một khoảng thời gian chưa đến 3 năm mà đất nước kỷ luật 70 ủy viên – 70 cán bộ cấp cao thuộc Trung ương quản lý. Trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị, có cả ủy viên Trung ương đương nhiệm và hàng chục ủy viên Trung ương nhiệm kỳ trước. Ngay cả công an, quân đội cũng có 17 tướng bị xử lý kỷ luật, riêng cán bộ trung cấp (cấp trưởng, phó phòng..) cũng đến hàng trăm người …Đặc biệt, gần đây là vụ xét xử MobiFone mua AVG liên quan đến 2 cựu bộ trưởng. Tất cả những vụ án này đều đã được xét xử nghiêm túc, khách quan…Điều này đã làm cho người dân, đảng viên tin tưởng quyết tâm chính trị của Bộ Chính trị, đúng hơn là quyết tâm chính trị của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tôi cho đây là thành tựu lớn, là bước ngoặt phản ánh sự quyết tâm, là kết quả của quyết tâm chính trị.
Trong cuộc đấu tranh này nếu chỉ nói suông và không hành động thì người dân sẽ không tin. Tôi cho rằng, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong cuộc chiến này là "không có vùng cấm" đã hoàn toàn đúng đắn.
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói ẩn dụ "lò nóng" thực chất là bước ngoặt. Không ai đứng ngoài cuộc được cả. Cây non, cành tươi cũng phải cháy. Vì vậy, tôi cho rằng, đây là cái mới trong gần 3 năm qua.
Sự phát triển của cuộc đấu tranh này tạo ra một thế mới cho Đảng ta, là "ý Đảng, lòng dân" gặp nhau. Mà khi "ý Đảng, lòng dân" gặp nhau là nước sẽ mạnh.
"Ý Đảng, lòng dân" gặp nhau, nước sẽ mạnh
-Cuộc đấu tranh chống tham nhũng càng về sau thì càng không có vùng cấm. Ông có cho rằng, cái được của chống tham nhũng là không chỉ lôi ra ánh sáng những người tham nhũng, làm tổn thất cho đất nước mà quan trọng là lấy lại được lòng tin của nhân dân?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việc củng cố và nâng cao lòng tin của người dân với Đảng tôi cho là kết quả lớn nhất, thành công lớn nhất của cuộc chiến chống tham nhũng này chứ không phải việc xử được bao nhiêu cán bộ cao cấp…Đây cũng là thành công lớn gấp nhiều lần chuyện chúng ta thu lại được tiền tham nhũng. Tất nhiên, một trong những mục tiêu của đấu tranh chống tham nhũng là thu lại tài sản thất thoát, nhưng do nhiều nguyên nhân mà số tài sản tham nhũng thu lại chưa nhiều. Dù vậy, trong gần 3 năm qua tài sản thu lại được cũng gấp 10 lần của 30 năm trước.
Và quan trọng nhất vẫn là cuộc đấu tranh phòng củng cố lòng dân đối với Đảng. Điều quan trọng nữa là thông qua cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng này, bộ máy của nhà nước ta sẽ trong sạch hơn, gần dân và vì dân hơn, đồng hành cùng doanh nghiệp hơn. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng tạo ra môi trường lành mạnh hơn, thân thiện hơn và nước ngoài sẽ vào đầu tư nhiều hơn.
2019 là năm các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lớn nhất trong 33 năm vừa qua. Đấy chính là thành công.
-Trên thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đang đặt ra vấn đề bức bách phải tăng cường hệ thống giám sát quyền lực. Vậy, theo ông giám sát bằng cách nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vấn đề nhà báo nêu ra hoàn toàn đúng. Xét đến cùng, tham nhũng xảy ra chỗ nào là do quyền lực chỗ đó không được giám sát chặt chẽ. Có một nguyên lý về chính trị học: Quyền lực không được giám sát thì sớm muộn cũng tha hóa, không có ngoại lệ. Tôi sang Singapore, Thụy Điển, Na Uy… và trao đổi với các bạn của các quốc gia đó, thì tôi quan tâm nhất là việc "tại sao các ông lại xây dựng được bộ máy trong sạch thế?". Họ nói với tôi như chúng ta trao đổi với nhau đây, rằng "về mặt lý luận quyền lực phải được giám sát. Giao quyền lực đến đâu thì phải có chế tài giám sát đến đấy". Một quan chức ở đây đang điều hành công việc thường xuyên có 4 cơ quan theo dõi giám sát chặt chẽ. Vì thế quan chức không thể và không dám tham nhũng.
2019 là năm các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lớn nhất trong 33 năm vừa qua. Đấy chính là thành công"
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương
Còn chúng ta, điển hình vụ Vũ "Nhôm", vụ AVG, chúng ta giao quyền cho chủ tịch tỉnh, thành phố nhưng lại để cho họ tự tung, tự tác, bán đứt và làm thất thoát tài sản của nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Vì thế, một trong những biện pháp quan trọng bậc nhất để phòng ngừa và đẩy lùi tham nhũng chính là tổ chức lại hệ thống giám sát quyền lực ở Việt Nam.
Trước hết, muốn làm cơ bản phải sửa Hiến pháp. Cá nhân hóa trách nhiệm và quyền hạn cá nhân. Trách nhiệm của Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh…
Cùng với đó là tăng thêm quyền hạn, trách nhiệm của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Phải tạo điều kiện để người dân giám sát hoạt động của Đảng. Nghị quyết Đại hội X nói rằng, Đảng phải xây dựng cơ chế cho người dân giám sát hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, đảng viên và cán bộ nhưng 15 năm nay chúng ta không xây dựng được. Nếu người dân tham gia vào chắc chắn sẽ khác.
Tôi cũng cho rằng, phải xem xét lại vai trò của Thanh tra Chính phủ. Theo cá nhân tôi, có thể vẫn giữ Thanh tra Chính phủ như hiện nay: có thanh tra ngành, thanh tra địa phương, thanh tra cơ quan hành pháp nhưng cần hình thành một Ủy ban Giám sát quyền lực Quốc gia. Ủy ban này trực thuộc Quốc hội do một đồng chí phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chịu trách nhiệm giám sát. Cùng với đó là tăng quyền hạn hơn nữa cho Kiểm toán Nhà nước.
Như vậy, hệ thống giám sát quyền lực của chúng ta sẽ được nâng cao hẳn. Song song với việc này, công tác của cán bộ - theo tôi thì đầu vào phải được tuyển chọn công khai và tranh luận.
Bố trí cán bộ, ngay cả Đảng, Nhà nước đều cần phải có số dư.
-Với tư cách công dân, một học giả- ông bày tỏ mong muốn gì, thưa ông?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Với tư cách công dân, một học giả tôi đánh giá rất cao quyết tâm chính trị của Đảng do trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo. Tôi từng nói rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong gần 3 năm qua đã sang bước ngoặt mới, tạo ra một tình huống chính trị mới mà ý Đảng lòng dân gặp nhau, củng cố lòng tin người dân với Đảng.
Sống trong dân mới biết lòng dân.
Người góp phần tạo nên lịch sử của Đảng
-Ông nhận định như thế nào về vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh đặc biệt bởi nó đặt ra yêu cầu có tính tiên quyết là người đứng đầu phải trong sạch, thứ hai là quyết tâm chính trị, không sợ liên lụy. Mà phàm là trong sạch thì không sợ liên lụy. Nếu không trong sạch thì "mở miệng mắc quai" như các cụ đã nói.
Người cầm quân chống tham nhũng như tư lệnh chiến trường, có trí tuệ, có tâm sáng, sống chết để tiêu diệt địch. Người chống tham nhũng của Đảng ta hiện nay là đúng với yêu cầu ấy. Có thể nói, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được người dân yêu quý là vì tâm sáng, quyết tâm chính trị, bằng mọi cách quyết tâm làm sạch Đảng. Tôi nghĩ đây là con người góp phần tạo nên lịch sử của Đảng ta trong những năm vừa rồi.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong gần 3 năm qua đã tạo nên bước ngoặt, có vai trò mang tính quyết định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
-Xin cảm ơn ông đã chia sẻ! Chúc ông năm mới mạnh khoẻ, vạn sự như ý!
Hà Giang
Ảnh: Nam Nguyễn