• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Thổi bùng" căng thẳng láng giềng mới, Ấn Độ hé lộ chính sách ngoại giao phiêu lưu trước Bắc Kinh?

Thế giới 25/06/2020 11:27

(Tổ Quốc) - Trong khi cuộc đụng độ biên giới thương vong với Trung Quốc còn chưa lắng xuống, Ấn Độ tiếp tục vướng vào một căng thẳng ngoại giao mới với láng giềng Pakistan.

Tờ SCMP đăng tải, diễn ra không lâu sau cuộc đụng độ gây thương vong với Trung Quốc, căng thẳng ngoại giao mới nhất giữa Ấn Độ với Pakistan, khiến tình hình an ninh tại khu vực Himalaya ngày càng thêm phức tạp.

Hôm thứ 3 (23/6), Ấn Độ yêu cầu Pakistan cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại New Delhi xuống còn một nửa, và cho biết sẽ thực hiện hành động tương tự tại Islamabad.

"Thổi bùng" căng thẳng láng giềng mới, Ấn Độ hé lộ chính sách ngoại giao phiêu lưu trước Bắc Kinh? - Ảnh 1.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia sở hữu hạt nhân là láng giềng và đối thủ của nhau Ấn Độ và Pakistan đang leo thang căng thẳng (ảnh: SCMP)

Mặc dù Ấn Độ và Pakistan đôi khi vẫn trục xuất nhân viên ngoại giao của nhau, nhưng động thái mới được đánh giá là một trong những xói mòn nghiêm trọng nhất trong quan hệ song phương kể từ năm 2001. Nó diễn ra sau quyết định gây tranh cãi của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 8, thay đổi chế độ tự trị tại Kashmir.

Các nhà quan sát Trung Quốc bày tỏ sự quan ngại rằng, đối đầu giữa Pakistan và Ấn Độ sẽ tiếp tục leo thang, đẩy các bên vào nguy cơ đụng độ cũng như ảnh hưởng tới toàn khu vực.

Theo họ, tiểu lục địa Ấn Độ đang rơi vào một trong những thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử khi sự thiếu tin tưởng và chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng trong khi các mâu thuẫn lãnh thổ truyền thống vẫn chưa được giải quyết bên cạnh những xung đột về kinh tế và địa chính trị.

"Quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang đối mặt nguy cơ leo thang về phía bạo lực và xung đột", ông Sun Shihai, một chuyên gia về Nam Á tại Đại học Tứ Xuyên nhận định.

Ông chỉ ra, tình hình hiện rất gay go cho cả Ấn Độ, Pakistan và các nước khác như Mỹ và Trung, "bởi vì một cuộc xung đột vũ trang hoặc một cuộc chiến tranh sẽ là điều cuối cùng mà mọi người muốn thấy".

Một số chuyên gia lưu ý, Ấn Độ dường như lựa chọn một cách tiếp cận mang tính gây hấn hơn và đôi khi là bất cẩn trước những tranh chấp biên giới đã kéo dài nhiều thập kỷ với các láng giềng. Họ nhận xét, Bắc Kinh đang gia tăng cảnh giác trước chính sách đối ngoại mang tính phiêu lưu và mang đậm chủ nghĩa dân tộc của ông Modi với New Delhi mở rộng kết nối với Washington.

Hôm thứ tư (24/6), một lần nữa phát ngôn viên Bộ ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đổ lỗi cho Ấn Độ là nguyên nhân dẫn tới cuộc đụng độ biên giới giữa quân đội hai bên hôm 15/6.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Quian tuyên bố, trách nhiệm cho xung đột biên giới Trung-Ấn tại Thung lũng Galwan, thuộc vùng tranh chấp Ladakh tại Kashmir – khiến ít nhất 20 lính Ấn thiệt mạng và một cơ số (chưa tiết lộ) lính Trung Quốc thương vong, hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ.

Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Zhao Lijian kêu gọi New Delhi "gặp gỡ Trung Quốc" để khôi phục hòa bình và ổn định dọc biên giới giữa hai bên.

Khác với Trung Quốc, một tranh chấp biên giới nữa của Ấn Độ hầu như không nhận được nhiều sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Đầu tháng trước, Nepal – nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhưng có quan hệ khá thân thiết với New Delhi – phản đối việc Ấn Độ xây dựng một con đường mới ở cửa ngõ biên giới Lipulekh, nối giữa bang Uttarakhand của Ấn với vùng Tây Tạng của Trung Quốc.

Nepal chỉ trích Ấn Độ đơn phương thay đổi tình trạng hiện tại ở ngã ba biên giới Nepal-Trung Quốc-Ấn Độ - tương tự như cáo buộc của Bắc Kinh trong cuộc đụng độ biên giới mới nhất. Đáp trả, Ấn Độ cho rằng Nepal đang đi theo cách tiếp cận cứng rắn một cách bất thường "theo chỉ thị một bên nào đó" (ở đây ám chỉ là Trung Quốc).

"Đối với nhiều người Ấn Độ, Trung Quốc đang rất cố gắng để kiềm chế sự trỗi dậy của Ấn Độ. Nhưng điều đó không có nghĩa, đặc biệt nhìn vào trọng tâm của Trung Quốc giờ đây là cạnh tranh với Mỹ ở tây Thái Bình Dương", ông Zhao Gancheng, một nhà nghiên cứu của Học viện Quan hệ Quốc tế Thượng Hải phân tích.

Theo cả hai ông Zhao và Sun, Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò hòa giải trong căng thẳng Ấn Độ - Pakistan; tuy nhiên, gần như chắc chắn New Delhi không có cái nhìn tích cực với Bắc Kinh.

Trung Quốc có vai trò khó có thể bỏ qua trong những tranh chấp kéo dài nhiều năm và thường nổ ra đụng độ bạo lực liên quan tới Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc đụng độ biên giới mới nhất là do quyết định gây tranh cãi của Ấn Độ về Kashmir, "buộc Trung Quốc phải dính dáng tới tranh chấp Kashmir".

Kể từ khi Ấn Độ xóa bỏ vị thế đặc biệt của Jammu và Kashmir, đồng thời áp dụng lệnh phong tỏa, Trung Quốc – theo đề nghị từ phía Pakistan, đã đưa vấn đề Kashmir lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 8 và tháng 1 bất chấp sự phản đối của New Delhi.

Tuy nhiên, học giả cấp cao Yun Sun từ Trung tâm Stimson, Washington nói, trong bối cảnh mối quan hệ cạnh tranh giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ ngày càng sâu sắc, khả năng Bắc Kinh đóng vai trò tích cực trong cuộc khủng hoảng Ấn Độ -Pakistan sẽ trở nên vô cùng mờ nhạt.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ