• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thời ông Đặng Thanh Bình kiêm nhiệm Chủ tịch VAMC, nợ xấu được xử lý thế nào?

Kinh tế 08/09/2017 17:12

(Tổ Quốc) - Ông Đặng Thanh Bình – người vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can - nguyên Phó thống đốc NHNN và cũng đồng thời kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Ông Đặng Thanh Bình kiêm nhiệm Chủ tịch VAMC

 Ông Đặng Thanh Bình – người vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can  (Nguồn: Infonet)

 

Ngày 16/7/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1567/QĐ-NHNN về việc giao kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng ViệtNam.

Theo đó, Thống đốc NHNN giao ông Đặng Thanh Bình, Phó thống đốc NHNN kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) kể từ ngày ký Quyết định này cho đến khi có Quyết định mới. Cùng ngày, Thống đốc NHNN đã ban hành các Quyết định số 1568, 1569, 1570, 1571, 1572, 1573/QĐ-NHNN về việc điều động, tiếp nhận và bổ nhiệm cán bộ, cụ thể:

Điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Hùng, phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam giữ chức Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Điều động và bổ nhiệm, ông Nguyễn Hữu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra các tổ chức tín dụng nước ngoài thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – NHNN, giữ chức thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tiếp nhận và bổ nhiệm: Ông Lê Quang Châu, Giám đốc Ban Quản lý tín dụng thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam; ông Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện – Liên Việt; ông Bùi Tín Nghị, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn –Hà Nội, giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Điều động và bổ nhiệm bà Lê Thị Mai Hương, Trưởng phòng Xây dựng chương trình và thẩm định báo cáo kiểm toán thuộc Vụ Kiểm toán nội bộ - NHNN, giữ chức Trưởng ban Ban Kiểm soát Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Những con số về xử lý nợ xấu tại VAMC

Tính đến cuối tháng 6/2014, 9 tháng ông Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất tại VAMC, tổng số nợ xấu đã được công ty mua lại vào khoảng 51.000 tỷ đồng. Con số này đến cuối năm đã tăng hơn gấp đôi, đạt 123.000 tỷ đồng dư nợ gốc, trong đó, VAMC đã xử lý nợ xấu được hơn 4.000 tỷ đồng.

Đối với VAMC, lũy kế đến năm 2015, công ty này đã mua được 228.416 tỷ đồng tổng số dư nợ gốc nội bảng. Với việc thu hồi được hơn 18.000 tỷ đồng nợ xấu, VAMC đã xử lý được gần 8% tổng số nợ xấu đã mua.

Đến hết tháng 3 năm nay, sau hơn 3 năm hoạt động, VAMC đã mua tổng cộng được 25.631 khoản nợ xấu tại 42 tổ chức tín dụng tại Việt Nam, với tổng dư nợ gốc 282.124 tỷ đồng, giá mua nợ là 245.672 tỷ đồng, thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt.

Tuy nhiên, hiện nay, có 2 ngân hàng đã xử lý xong nợ xấu “gửi” tại VAMC nên số tổ chức tín dụng đang nắm trái phiếu đặc biệt của VAMC là 40, với lũy kế tổng giá mua 205.659 tỷ đồng trên tổng dư nợ gốc 233.685 tỷ đồng.

Hầu hết khoản nợ xấu VAMC đã nhận từ các tổ chức tín dụng đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp...

Trong đó, tài sản là bất động sản trị giá 268.872 tỷ đồng, chiếm 62%. Tài sản trên đất trị giá 31.308 tỷ đồng, chiếm 7,2%. Giấy tờ có giá trị giá 12.902 tỷ đồng, chiếm 3%. Máy móc thiết bị trị giá 22.097 tỷ đồng, chiếm 5,1%.

Phương tiện vận tải trị giá 18.333 tỷ đồng, chiếm 4,2%. Quyền đòi nợ trị giá 11.610 tỷ đồng, chiếm 2,7%. Quyền phát sinh tài sản 34.805 tỷ đồng, chiếm 8,0%. Các loại tài sản khác trị giá 34.051 tỷ đồng, chiếm 7,8%.

Công ty cho biết đã thực hiện thí điểm việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường và triển khai đánh giá thực trạng khoản nợ để xem xét hiệu quả việc mua nợ thị trường, tìm kiếm đối tác mua nợ, đàm phán với các tổ chức tín dụng.

Lũy kế từ năm 2013 đến nay, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi nợ được 50.165 tỷ đồng, bao gồm cả việc thu từ bán nợ và bán tài sản đảm bảo.

Theo số liệu NHNN đưa ra, tính đến hết năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (nợ tiềm ẩn, có khả năng không mất vốn, phát sinh khi ngân hàng và khách hàng ký các cam kết tín dụng, hạn mức thấu chi chưa sử dụng hoặc thư tín dụng) và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% tổng dư nợ cho vay trong nền kinh tế. Tuy nhiên nếu tính cả nợ tiềm ẩn thì tỷ lệ này lên tới 10,08%, cao hơn rất nhiều con số thực.

Hà Giang (Tổng hợp)

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ