Thon gọn mùa Covid-19: Phòng gym có thể đóng cửa, nhưng chị em không thể ngừng giữ dáng và sự hứa hẹn “lên ngôi” của ngành Online Coaching

AMT | 30-03-2020 - 07:25 AM

(Tổ Quốc) - Các huấn luyện viên (HLV) thể hình, hay còn được biết với tên gọi là PT (Personal Trainer), họ đang xoay xở ra sao trong tình trạng các phòng tập đang tạm đóng cửa? Chia sẻ của 2 HLV dưới đây sẽ cho chúng ta một góc nhìn mới, đầy hứa hẹn về công việc này.

Với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ ngày 24/3, theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thành phố, các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình,... tại Hà Nội và TP.HCM đã chính thức phải tạm dừng hoạt động.

Quyết định này chắc hẳn đều khiến những người đang làm việc trong ngành dịch vụ gặp khó khăn. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”. Các dịch vụ ăn uống, làm đẹp bắt đầu chuyển hướng sang phục vụ khách hàng qua hình thức online: Bạn chỉ cần ngồi nhà, mọi thứ chúng tôi sẽ giao tận cửa!

Nhưng ăn ngon rồi mà không có không gian luyện tập, từ cánh mày râu cho đến chị em phụ nữ đều đang có chung một nỗi lo lắng mang tên tăng cân.

Và đây chính là thời điểm Online Coaching lên ngôi.

Online Coaching là gì?

Cũng giống như học online, Online Coaching là từ dành cho những HLV thể hình hướng dẫn học viên và khách hàng qua mạng. Họ không trực tiếp mặt đối mặt với khách hàng, cũng không kè kè bên cạnh học viên trong mỗi buổi tập. Nhưng mọi chỉ dẫn đều được nghiên cứu và đưa ra một cách sát sao, phù hợp với từng người.

Trong bối cảnh các phòng tập đã tạm dừng hoạt động, mọi tiếp xúc đều bị hạn chế, có thể thấy đây chính là “thời điểm vàng” cho ngành Online Coaching.

Chia sẻ và góc nhìn của Yến Xuân và Kei - 2 bạn trẻ với công việc chính là HLV thể hình online (Online Coaching)

Vậy những người trong cuộc thực sự nghĩ gì về điều này? Cùng nghe những chia sẻ từ Yến Xuân (đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM) và Kei (đang sinh sống và làm việc tại HN) - 2 bạn trẻ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn tập luyện online cho khách hàng, hay còn gọi là Online Coaching.

1. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, anh/chị gặp những khó khăn như thế nào trong việc tập luyện cũng như hướng dẫn cho người khác?

- Yến Xuân: "Kể từ đầu tháng 2, mình đã không nhận thêm khách hàng có nhu cầu được tập luyện với sự kèm cặp riêng của PT nữa. Một phần vì mình cũng cảm thấy phòng tập gym là nơi dễ lây lan, không an toàn, nên mình thường tư vấn các bạn tập luyện tại nhà trong khoảng thời gian này."

Thon gọn mùa Covid-19: Phòng gym có thể đóng cửa, nhưng chị em không thể ngừng giữ dáng và sự hứa hẹn “lên ngôi” của ngành Online Coaching  - Ảnh 1.

- Kei: "Lúc dịch mới xuất hiện chứ chưa bùng mạnh, công việc của mình có phần thuận lợi hơn vì nhiều người có nhu cầu tập luyện để tăng sức đề kháng, cải thiện sức khỏe. Nhưng đến khi các phòng tập đóng cửa, mình cũng gặp khó khăn, lượng khách hàng giảm đáng kể.

Lúc đó, mình và khách hàng thống nhất với nhau là sẽ trao đổi online. Có người thì mình sẽ đến tận nhà, tùy vào nhu cầu và mong muốn của họ."

2. Cá nhân anh/chị cảm thấy ngành thể hình chuyên nghiệp ở VN đang chuyển dịch ra sao?

- Kei: "Nhìn chung, mình thấy ngành thể hình đang có xu hướng phát triển tốt từ cơ sở vật chất, đến chất lượng đội ngũ HLV. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mình thấy những HLV online sẽ có lợi hơn những người cung cấp dịch vụ luyện tập, như chủ phòng gym chẳng hạn."

Thon gọn mùa Covid-19: Phòng gym có thể đóng cửa, nhưng chị em không thể ngừng giữ dáng và sự hứa hẹn “lên ngôi” của ngành Online Coaching  - Ảnh 2.

- Yến Xuân: "Mình nghĩ rằng tại thời điểm này, tất cả các ngành đều đang gặp khó khăn. Nhưng khi dịch bệnh đã được kiểm soát, mình tin rằng ngành thể hình hay Online Coaching sẽ hồi phục mạnh mẽ vì mọi người đều ý thức được tầm quan trọng của việc luyện tập để giữ gìn sức khỏe."

3. Ngoài việc hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm, Online Coaching còn có ưu/nhược điểm gì khác theo góc nhìn của anh/chị?

- Yến Xuân: "Online Coaching có ưu điểm là các bạn có thể tập mọi lúc và mọi nơi, còn nhược điểm là các bạn sẽ dễ bỏ cuộc giữa chừng vì thiếu sự kiên trì."

- Kei: "Mình nghĩ Online Coaching có một ưu điểm lớn đó là chi phí người tập phải bỏ ra sẽ rẻ hơn so với việc thuê HLV đến phòng tập. Tuy nhiên, nhược điểm của Online Coaching chính là khách hàng thường dễ nuông chiều bản thân và không nghiêm túc nghe theo đúng hướng dẫn của HLV."

4. Mọi người thường phản ứng ra sao với Online Coaching? Anh/chị có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất khi hướng dẫn online và theo sát khách hàng không?

- Yến Xuân: "Online Coaching không phải là mô hình quá mới mẻ. Theo mình thấy, đa số mọi người còn hoài nghi với hiệu quả của hình thức tập luyện này khi chưa trải nghiệm, nhưng nếu đã thử thì đều hài lòng.

Về kỉ niệm, có lẽ điều vui nhất với mình là có thêm nhiều người bạn để tâm sự hằng ngày. Chúng mình không chỉ nói về việc tập luyện, mà đôi khi còn chia sẻ về việc làm đẹp, skincare, hay tư vấn tình cảm nữa.

- Kei: "Mình thấy trong thời gian này các chị em khá hào hứng xem và tham gia các livestream hướng dẫn luyện tập trên Facebook. Còn với mình, mỗi lần thấy khách hàng có cơ thể đẹp và khỏe hơn, đó đều là những kỷ niệm đáng nhớ."

5. Ở nhà nhiều, không được ra ngoài hẹn hò gặp gỡ bạn bè, nhiều người sẽ cảm thấy không quen và bị stress. Anh/chị có chia sẻ hoặc bí kíp nào giúp mọi người giữ gìn sức khỏe và tinh thần tích cực trong giai đoạn này không?

- Yến Xuân: "Mình nghĩ là nếu không tập vì đẹp, cũng nên tập vì khoẻ. Hãy cho cơ thể hoạt động và suy nghĩ đơn giản về việc tập luyện. Đi bộ, leo cầu thang,... cũng là tập luyện rồi. Hãy bắt đầu bằng 5 phút, 10 phút mỗi ngày với những động tác đơn giản. Dần dần mỗi người sẽ quen với việc luyện tập hàng ngày thôi."

Thon gọn mùa Covid-19: Phòng gym có thể đóng cửa, nhưng chị em không thể ngừng giữ dáng và sự hứa hẹn “lên ngôi” của ngành Online Coaching  - Ảnh 3.

- Kei: "Cá nhân mình thấy mọi người thường hay lấy lí do là bận đi làm nên không có thời gian tập luyện hoặc ăn uống lành mạnh. Vậy hãy thử coi khoảng thời gian phải hạn chế ra ngoài này là cơ hội để tìm hiểu về chuyện ăn uống, và luyện tập sao cho cơ thể không chỉ khỏe mà còn đẹp nữa.

Phải hoạt động thì mới có niềm vui, dù là việc nhỏ nấu một món ăn mới cũng giúp tinh thần tốt lên nhiều."

Từ những chia sẻ của Kei và Yến Xuân, chúng ta càng có một cái nhìn rõ hơn về việc trong "nguy" có "cơ". Chỉ cần bạn luôn có một suy nghĩ và cái nhìn tích cực với mọi việc, chuyện gì xảy ra cũng có thể trở thành cơ hội tốt để bạn phát triển bản thân, thử làm điều mới.


Thon gọn mùa Covid-19: Phòng gym có thể đóng cửa, nhưng chị em không thể ngừng giữ dáng và sự hứa hẹn “lên ngôi” của ngành Online Coaching  - Ảnh 5.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM