• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thống nhất không dùng ngân sách để cơ cấu các tổ chức tín dụng

Kinh tế 18/09/2017 20:00

(Tổ Quốc) - Sáng 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng. 

Theo đó, hai vấn đề được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề cập và cho ý kiến nhiều nhất là vấn đề miễn trách nhiệm hình sự và chuyển giao bắt buộc.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng miễn trách nhiệm ở đây chủ yếu là miễn trách nhiệm hình sự, dân sự  (Ảnh: Hà Giang)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; hạn chế, ngăn ngừa tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh; xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng.

Việc sửa đổi toàn diện các quy định tại Luật này cần tiến hành đồng thời với việc sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

Về hai vấn đề: miễn trách nhiệm hình sự và chuyển giao bắt buộc. Điều 147 dự thảo Luật quy định rõ về việc miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt. Dù vậy, một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc quy định này vì không đảm bảo tính thống nhất với Luật Cán bộ, công chức.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần cân nhắc kỹ quy định này bởi hiện nay việc miễn trách nhiệm hình sự không quy định tại luật chuyên ngành mà chỉ quy định tại Bộ Luật Hình sự. Nếu quy định tại luật này sẽ là sự thay đổi về lập pháp.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, miễn ở đây chủ yếu là miễn trách nhiệm hình sự, dân sự, quy định ở đây không trái quy định, bởi theo Thống đốc, do người tham gia tái cơ cấu thường có tâm lý hoang mang, nặng nề khi tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng do có những sự việc không kiểm soát hết được.

Các cán bộ được điều động tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém phải tham gia xử lý một công việc khó, phức tạp, quy định của pháp luật lại chưa đầy đủ. Một số trường hợp gặp rủi ro pháp lý.

Tổng kết các ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phạm vi điều chỉnh như đã trình Quốc hội trong dự thảo Luật, đồng thời thống nhất không dùng ngân sách để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

“Không quy định trong Luật này các quy định về thuế để đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật nhưng giao Chính phủ xem xét lại để khi sửa đổi Luật thuế thì có tính đề xuất này của cơ quan soạn thảo, của ngân hàng không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.

Đồng ý có quy định về phá sản, tuy nhiên Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết cần thêm điều luật, trong trường hợp đặc biệt, để đảm bảo an toàn hệ thống thì Chính phủ có có những quy định để xử lý, để đảm bảo tránh đổ vỡ hệ thống.

Với quy định về phá sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình nhưng cần thêm: Trong trường hợp đặc biệt để đảm bảo an toàn hệ thống thì Chính phủ có quy định chi tiết để xử lý, tránh đổ vỡ hệ thống.

Đối với vấn đề miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bỏ điều này trong dự thảo.

“Riêng với vấn đề về "chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt”, tại phiên thảo luận hôm nay còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đưa ra kết luận và đề nghị Chính phủ giải trình thêm. Vấn đề này sẽ đưa ra Quốc hội thảo luận và xin ý kiến Bộ Chính trị”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh./.

 Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ