• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thông tin của trường đại học trong tình trạng "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông"

Giáo dục 11/01/2020 08:53

(Tổ Quốc) - Tin giả- tin thật, xử lý khủng hoảng truyền thông, tình trạng thông tin "trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông"… là những vấn đề mà truyền thông giáo dục đại học đang phải đối diện, từ thực tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đặt ra những vấn đề của công tác truyền thông giáo dục ở các trường đại học trong bối cảnh 4.0.

Truyền thông giáo dục trong các trường đại học vẫn còn 'non trẻ'

PGS.TS Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, công tác truyền thông đã và đang khẳng định được vị thế cũng như tầm quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Bên cạnh những cơ hội, công tác truyền thông trong các trường ĐH cũng đối diện với nhiều thách thức.

PGS.TS Bùi Đức Thọ băn khoăn, trước thực tế này, truyền thông giáo dục ĐH làm sao để chuyển tải các thông điệp, thông tin, hình ảnh tốt nhất, những kết quả thành tựu đạt được trong quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy… của giảng viên, sinh viên nhà trường tới được công chúng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, mang đậm dấu ấn cá nhân nhất?

Thông qua công tác truyền thông, các trường ĐH cũng sẵn sàng tiếp cận thông tin một cách chủ động nhất nhằm hoàn thiện công tác quản trị đại học, đào tạo, giảng dạy, học tập, nghiên cứu? Hay làm thế nào để truyền thông vừa là cơ hội, vừa là người bạn đồng hành giúp trường làm tốt hơn nhiệm vụ, hoạt động, tiến dần hội nhập thế giới?

Nhận thức về tầm quan trọng của công tác truyền thông trong giáo dục đại học, trường ĐH KTQD đã thành lập Phòng Truyền thông từ tháng 01/2017. Sau 2 năm hoạt động, Phòng đã thực hiện được các hoạt động truyền thông trong điều kiện hội nhập quốc tế, đồng thời tham mưu giúp Hiệu trưởng quản lý công tác truyền thông trong quá trình xây dựng, nâng cao hình ảnh và thương hiệu của Trường, TS. Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng Phòng Truyền thông chia sẻ.

Tuy nhiên, hoạt động truyền thông của Trường vẫn còn những hạn chế như, chưa chủ động trong việc thực hiện công tác truyền thông khiến công tác chuyển tải các thông điệp, thông tin của trường chưa tốt, một số hoạt động chỉ trong phạm vi nội bộ trường, chưa có chiến lược, kế hoạch truyền thông cụ thể… khiến truyền thông của Trường chưa thực sự hiệu quả.

Mặc dù Trường đã có bộ phận truyền thông riêng nhưng trên thực tế, mọi tình huống đều có thể xảy ra, trong khi cán bộ của Phòng Truyền thông chưa nhiều kinh nghiệm để đối diện, xử lý khủng hoảng truyền thông. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường ĐH trong thời gian qua.

Hàng loạt rủi ro trong tiếp cận thông tin thời cách mạng công nghiệp 4.0

Đề cập đến vấn nạn tin giả hiện nay, Tổng Biên tập báo VTC News Ngô Văn Hải đã đưa ra những gợi ý để nhận diện và xử lý nguồn tin giả với giáo dục đại học trong Kỷ nguyên thông tin số. Theo nhà báo Ngô Văn Hải, tin giả (fake news) gồm 4 loại: tin lừa đảo, tin thiên vị, tin câu view, tin vu khống. Theo thăm dò ý kiến, có tới 63% người được hỏi cho biết họ bị tin giả tiếp cận trong vòng 3 tháng liên tục. Tin giả xuất hiện trên tất cả các phương tiện, loại hình thông tin, đứng đầu là các mạng xã hội (45%), cùng đó là báo chí, các trang tin, TV, Radio.

Không chỉ Việt Nam, các nước trên thế giới cũng rất lo ngại về tỷ lệ tin giả tràn lan trên mạng như Brazil, Hy Lạp, Pháp, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc… Tin giả luôn ẩn chứa hiểm họa khôn lường, bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của tin giả. Nếu độc giả không tỉnh táo để kiểm soát thông tin rất dễ bị tin giả đánh lừa, ông Hải khẳng định.

Tin giả ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, ảnh hưởng không chỉ tới các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng an ninh quốc gia, trong đó, báo chính thống vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của tin giả. Như vụ phóng viên Newsweek thông tin sai sự thật về việc thẩm vấn viên của Mỹ đã xúc phạm cuốn Kinh Koran của người Hồi giáo tại nhà tù Guantanamo, khiến ít nhất 15 người chết và hơn 100 người bị thương sau những vụ bạo lực ở các nước Hồi giáo sau khi bài báo được đăng hôm 09/5/2005… ông Hải nói.

Đối diện với thực trạng này, nhà báo Ngô Văn Hải đề xuất 6 bước dễ dàng để phát hiện tin giả, độc giả cần kiểm tra url. xem tin đó đến từ nguồn nào, đọc các trang giới thiệu, kiểm tra câu trích dẫn, kiểm tra đường link, tìm kiếm ngược ảnh, và nên chậm lại nếu đọc câu chuyện đó thấy quá hoàn hảo, quá hay tới mức khó tin… Kinh nghiệm thực tế là tin tức càng nóng, càng đáp ứng sự tò mò của tuyệt đại đa số, càng giống chỉ diễn ra trong tưởng tượng, càng gây căm phẫn thì càng phải cảnh giác. Ngoài ra, tin tức có nhiều chữ viết kỳ lạ, xen vào bằng các dấu chấm, tít ngô nghê, phi logic, đường dẫn có đuôi .org… thì độc giả cần phải cân nhắc kỹ.

Nhà báo Ngô Văn Hải cũng đề xuất 2 mô hình chống tin giả, dùng hệ thống pháp luật truyền thống, hệ thống khuyến khích và giải pháp kỹ thuật để chống lại tin giả. Các nước theo truyền thống Anh- Mỹ thường đi theo cách này. Cùng với đó là việc ban hành luật chuyên ngành để chống lại tin giả, coi trọng sự can dự của Nhà nước trong việc chống tin giả. Các nước theo tinh thần nhà nước kiến tạo phát triển thường đi theo cách này, ông Hải cho hay.

Truyền thông giáo dục đại học trong tình trạng "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông" - Ảnh 1.

Nhà báo Ngô Văn Hải "Tin giả ngày càng tinh vi, nhất là với AI"

Truyền thông đại học cần kết nối với báo chí

Cùng quan điểm với nhà báo Ngô Văn Hải, nhà báo Nguyễn Hà Duy (Kênh 14) cho rằng, khủng hoảng truyền thông là sự việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chủ thể (doanh nghiệp, trường học…), với sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay, có thể rút ngắn thời gian xử lý thông tin xuống chỉ còn vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên, không nên vì áp lực thời gian mà có những hành động vội vàng. Cần thành thật chia sẻ thông tin một cách thông minh, có thông tin đến đâu nên chia sẻ tới đó, không vòng vo, xử lý một cách khéo léo.

Qua một số vụ việc xảy ra, như vụ việc của trường Gateway (Hà Nội), nhà báo Hà Duy cho rằng, mỗi cơ quan, đơn vị nên có một người phát ngôn, người này nên là lãnh đạo của trường vì đó sẽ là người có tiếng nói cao nhất, nắm được vấn đề; các bản thông báo của trường trước khi phát đi phải kiểm tra kỹ lưỡng.

Việc xử lý khủng hoảng truyền thông cũng cần phải xử lý từ trong nội bộ trước, tránh tình trạng thông tin "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông", gây nhiễu loạn thông tin, khó xử lý. Thông thường trong các trường đại học, khủng hoảng xảy ra hay liên quan đến sinh viên, quyền lợi của sinh viên. Trong những trường hợp này, các trường trước hết nên lắng nghe sinh viên nói về sự việc đó như thế nào. Việc cấm đoán sinh viên lên tiếng trong những trường hợp này sẽ là biện pháp phản tác dụng. Để xử lý, việc đầu tiên là cần nhanh chóng xinh lỗi và cam kết sẽ không để xảy ra việc này. Việc xin lỗi cần thực hiện thành thực, tránh làm qua loa…

Từ kinh nghiệm làm việc trong cơ quan báo chí điện tử, nhà báo Hà Duy đề xuất ý kiến, về lâu dài, các trường cần tận dụng các công cụ kỹ thuật, CNTT vào việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm trên MXH, báo chí… để cung cấp những thông tin chính thống, Nhà trường phải nắm quyền quản trị. Và mỗi trường nên kết hợp chặt chẽ với 3-4 cơ quan báo chí, để các báo cùng đồng hành với trường, cung cấp thông tin có trọng lượng về trường tới độc giả trong các sự kiện.

Truyền thông giáo dục phải bài bản, chuyên nghiệp hơn

Khẳng định công tác truyền thông trong trường ĐH rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện Ngân hàng XHVN cho rằng, phải quan tâm tới công tác đảm bảo an ninh an toàn hệ thống. Với trang thiết bị công nghệ, MXH phát triển như hiện nay, thông tin chia sẻ rất nhanh, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, vì vậy Nhà trường phải có hướng đi nhất định, làm sao đưa được những thông tin đã được kiểm chứng, kiểm soát tới mọi người một cách nhanh nhất và chính xác nhất. Trường cũng nên xây dựng Cổng thông tin điện tử để không chỉ đưa tin mà còn cung cấp thông tin tới các sinh viên trong trường, tạo cho mỗi sinh viên một account để phục vụ học tập, qua đó để nắm được hoạt động của sinh viên trường mình.

Từ thực trạng công tác truyền thông trong trường ĐH Đà Nẵng, ThS. Võ Hùng Cường bổ sung thêm ý kiến về việc truyền thông cần cung cấp những kênh thông tin về chính sách hỗ trợ học tập để sinh viên tiếp cận tốt hơn các chính sách dành cho mình. Trường cũng cần tìm hiểu nhu cầu đối với các sinh viên để thiết kế các kênh thông tin một cách hiệu quả.

Trong khi đó, giảng viên Nguyễn Thị Huyền- trường ĐH KTQD, đề xuất ý kiến đẩy mạnh truyền thông nội bộ để các giảng viên, sinh viên, cán bộ nhà trường có nhiều thông tin chính thống hơn. Theo bà, trong thực tế có rất nhiều kênh thông tin mà bản thân phải rất cân nhắc khi xem, tiếp cận các thông tin đó, xem đã đủ niềm tin vào thông tin đó hay chưa. Trong quá trình công tác tại Trường, giảng viên này cũng nhận thấy, mặc dù bên mảng giáo dục đào tạo có rất nhiều hoạt động nhưng không thường xuyên cập nhật thông tin dẫn tới sinh viên chưa được cập nhật, việc này cũng ảnh hưởng tới quá trình học tập của các sinh viên trong trường.

PGS.TS Bùi Đức Thọ cho rằng, cần hoàn thiện hơn nữa công tác truyền thông trong bối cảnh 4.0, bằng việc ứng dụng CNTT, MXH, vào truyền thông sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa nhưng cũng có những thách thức, buộc công tác truyền thông nhà trường phải cải tiến. Trong đó, mỗi giáo viên, sinh viên đều là một nguồn tin, một người phát ngôn… vì vậy đòi hỏi truyền thông phải bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Trước ý kiến của Tổng Biên tập Ngô Văn Hải về giáo dục truyền thông trong trường học, PGS.TS Bùi Đức Thọ khẳng định, giáo dục truyền thông cần lồng ghép vào công tác giáo dục đào tạo trong trường. Công tác truyền thông trường học một mặt khai thác, quản lý hiệu quả hơn thông tin nhưng đồng thời cũng phải có trách nhiệm hơn trong việc đưa ra những thông tin tin cậy, đúng định hướng trong công tác giảng dạy của trường đối với sinh viên cũng như xã hội.

Phương Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ