Thu hút 52 dự án du lịch với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng, vùng biển Ninh Thuận đang "nóng" trên bản đồ BĐS nghỉ dưỡng

(Tổ Quốc) - Với sự đổ bộ của những doanh nghiệp địa ốc lớn, thị trường bất động sản Ninh Thuận bắt đầu nhộp nhịp và sôi động. Theo nhận định của giới đầu tư, quỹ đất nền ven biển sẽ là dòng sản phẩm hút nguồn tiền mạnh nhất trong những năm tới.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, qua 2 năm (2018-2019) triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, địa phương đã thu hút được 21 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, dịch vụ được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 12.998,4 tỷ đồng, nâng tổng số dự án du lịch, dịch vụ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ trước đến nay là 52 dự án, với tổng vốn đầu tư 23.082,2 tỷ đồng. 

Trong đó, có 2 dự án du lịch đã hoàn thành đưa vào hoạt động, nâng tổng sổ dự án đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 18 dự án. Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án du lịch nghỉ dưỡng, tổ hợp khách sạn, căn hộ du lịch với tổng vốn hơn 5.550 tỷ đồng. 

Đó là dự án Tổ hợp khách sạn khu thương mại, căn hộ du lịch Dubai Tower tại phường Mỹ Hải (TP. Phan Rang – Tháp Chàm) do CTCP Đầu tư Quốc tế Dubai làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.009 tỷ đồng. Dự án thứ hai là Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận của Công ty TNHH Đầu tư – Phát triển Royal Ninh Thuận tại xã Phước Diên (Thuận Nam) với vốn đăng ký đầu tư là 2.000 tỷ đồng. Thứ ba là dự án Khu resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế 5 sao kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực do CTCP Du lịch Quốc tế Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký đầu tư 550 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã đồng ý phương án quy hoạch kiến trúc tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort quy mô 3.300 phòng khách sạn 5 sao cùng công viên nước sát cạnh công viên Bình Sơn và tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay quy mô 3600 phòng với khu phố thương mại, công viên chuyên đề ở cửa biển Ninh Chữ. Cả hai dự án do Tập đoàn Crystal Bay đầu tư.

Thời gian qua ngày càng có nhiều nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế tìm đến Ninh Thuận đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Minh chứng sống động nhất, trong năm 2018, nhiều "ông lớn" trong các lĩnh vực bất động sản, du lịch và nghỉ dưỡng đến Ninh Thuận khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch như Công ty CP Vinpearl, Công ty CP T&T, Công ty Mũi Dinh Ecopark, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty CP Tập đoàn FLC...

UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết bên cạnh việc phát triển năng lượng sạch, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong nhiều năm tới. Với mục tiêu này, Ninh Thuận đã đưa ra chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nằm trong khung cao nhất cả nước nhằm thu hút đầu tư. Để đẩy mạnh du lịch cao cấp, Ninh Thuận còn có chính sách ưu tiên kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển; khách sạn tiêu chuẩn quốc tế… theo hướng xanh và bền vững.

Bên cạnh những lợi thế sẵn có và những chính sách ưu đãi nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng kết nối vùng và các địa phương trong khu vực của Ninh Thuận cũng đã cơ bản hoàn thiện. Chẳng hạn, sau khi Sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) chính thức trở thành cảng hàng không quốc tế tháng 12/2009, Ninh Thuận đã triển khai dự án đường ven biển dài 116 km từ Bình Tiên đến Cà Ná. Ngoài ra, dự án nâng cấp đường Quốc lộ 1 kết nối từ Sân bay Cam Ranh đến TP. Phan Rang - Tháp Chàm cũng đang được triển khai.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng đang triển khai 2 dự án trọng điểm phát triển hạ tầng đô thị song song với phát triển kinh tế gồm Khu đô thị mới Đông Bắc (Khu K1) và Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ. Những dự án này khá đa năng, khi có nhiều sản phẩm bất động sản, từ đất nền đô thị, khu phức hợp văn phòng, khách sạn, khu thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng...

Hiện Ninh Thuận đang kiến nghị Chính phủ cho phép Ninh Thuận bổ sung các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Vĩnh Hy - Bình Tiên, Mũi Dinh - Cà Ná… vào quy hoạch các khu du lịch quốc gia để tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư hình thành các sản phẩm nghỉ dưỡng mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

Cụ thể: Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ mở rộng đến Bình Tiên về hướng Bắc và Mũi Dinh-Cà Ná về hướng Nam; khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Đầm Nại với các loại hình nghỉ dưỡng sinh thái, hiện đại, kiểu mẫu; các điểm du lịch tại vườn quốc gia Phước Bình và Núi Chúa; khu du lịch đồi cát Mũi Dinh; khu nghỉ dưỡng sinh thái bảo tồn Rùa biển Thái An; khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, bến du thuyền vịnh Vĩnh Hy; khu nghỉ dưỡng sinh thái Thác Chapơr; Hồ Sông Sắt; khu du lịch kết hợp tắm khoáng Nhị Hà, hồ Tân Giang theo hình thức xã hội hóa, làm cơ sở thu hút các tập đoàn mạnh, chuyên nghiệp, tham gia đầu tư, phát triển du lịch.

Khảo sát thị trường nhà đất ven biển Ninh Chữ gần đây, nhiều sàn giao dịch đang đóng tại đây cho biết từ khi xuất hiện những doanh nghiệp lớn ồ ạt rót vốn phát triển nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn đã và đang làm cho mặt bằng giá tăng khoảng 20-30% so với một năm trước đó. Theo đó, giá đất ven viển Ninh Chữ, nhất là dọc công viên Bình Sơn, hiện được chào bán khoảng 25-40 triệu đồng/m2, trong khi đó vào đầu năm 2018 chỉ được bán khoảng 7-12 triệu đồng/m2 nhưng rất ít khách hàng quan tâm.

Bà Trần T. T. Hà., trưởng phòng kinh doanh công ty Bất động sản N.T cho biết thêm: "Hai năm trước, có thể nói rằng Ninh Thuận không có cái gọi là thị trường BĐS, bởi nhà đầu tư không quan tâm và không có dự án để giao dịch. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018 đến nay, thị trường bỗng sôi động hẳn lên khi nhiều ông lớn về thâu tóm các dự án chết hoặc đầu tư mới. Địa bàn Ninh Thuận hiện có 3 khu vực có giá đất tăng mạnh là khu công viên Bình Sơn, Tri Thuỷ cách biển Ninh Chữ khoảng 3km) và Mũi Dinh (cách Ninh Chữ khoảng 20km)".

Theo lý giải của bà Hà, Mũi Dinh từ lâu được xem là vùng đất "chết", do khu vực này tuy có bãi biển đẹp, hoang sơ nhưng chưa được khai phá, cộng với đất đồi núi nhiều nên khó phát triển dự án nhà ở. Nhưng, từ khi có 2 nhà đầu tư lớn xuất hiện, lập tức giá đất trồng trọt tăng vọt từ mức chỉ với 2-3 triệu đồng/m2 lên 20-25 triệu đồng/m2 trong năm 2018. Hiện nay, "ăn theo" tiến độ xây dựng các dự án nghỉ dưỡng ven biển Mũi Dinh, giá đất xung quanh được chào bán khoảng 25-35 triệu đồng/m2...

Nói về việc chọn những vùng đất mới, "khó nhằn" để đầu tư dự án nghỉ dưỡng như tại Mũi Dinh và Tri Thuỷ của Ninh Thuận, ông Ngô Hữu Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Crystal Bay cho rằng vai trò của quản lý và vận hành trong thành công bền vững mà dự án bất động sản du lịch đạt được là yếu tố then chốt thu hút khách hàng và sự thành công của mỗi dự án. 

“Tiêu chí then chốt để dự án du lịch thành công là đầu tư bền vững và khai thác lâu dài. Để làm được điều này, chủ đầu tư phải am hiểu du lịch để quản lý khai thác vận hành, am hiểu về xu hướng đầu tư bất động sản du lịch của thế giới, nắm bắt được nhu cầu của du khách trong và ngoài nước”.

Cũng theo ông Trường, nhà đầu tư cũng như chủ đầu tư phải cùng nhau đi trên một con đường rất dài. Chủ đầu tư có nghề, có dòng khách ổn định, am hiểu thị trường mới thuyết phục được nhà đầu tư đi theo cùng. Để đạt được điều đó, chủ đầu tư đã phải cân đo đong đếm rất kỹ, đưa ra sản phẩm phù hợp thị trường về mặt thiết kế, các chính sách thuê lại khác biệt, sinh lời bền vững cho khách hàng. Đó là lý do vì sao mà đơn vị này phát triển các sản phẩm bất động sản du lịch ở vùng đất mới Ninh Thuận với vị trí thuận lợi cho phát triển du lịch trải nghiệm kết hợp tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa,…

"Bất động sản du lịch là loại hình kinh doanh dài hạn, không phải lướt sóng hay ngắn hạn. Do đó, chủ đầu tư và nhà đầu tư cần xác định rõ câu chuyện đi với nhau lâu dài. Tóm lại, với câu hỏi nói trên thì không phải lợi nhuận hàng năm là 12 hay 14% mà vấn đề là dự án đầu tư thế nào, có lâu dài, bền vững hay không?", ông Trường nói thêm.

Đình Tú

Tin mới