• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thử nghiệm thất bại, siêu vũ khí Nga vẫn sẵn sàng vào năm 2020?

Thế giới 17/05/2018 06:23

(Tổ Quốc) - Tình báo Mỹ dự đoán, vũ khí siêu thanh Nga sẽ sẵn sàng hoạt động vào chỉ trong chưa đầy hai năm nữa.

Trang CNBC dẫn lời một nguồn tin thân cận với cơ quan tình báo Mỹ cho biết, một loại vũ khí mà Mỹ hiện không thể chống trả nổi, sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2020.

Nguồn tin trên tiết lộ, Nga đã hai lần thử nghiệm thành công loại vũ khí có chứa đầu đạn hạt nhân vào năm 2016. Lần thứ nghiệm thứ ba của thiết bị này - còn gọi là thiết bị phóng siêu thanh, được tiến hành vào tháng 10/2017, và đã không thành công khi phần đế bị vỡ chỉ vài giây trước khi tấn công mục tiêu.

Những thông tin trên được đưa ra chỉ hơn hai tháng sau khi Tổng thống Vladimir Putin ca ngợi kho vũ khí siêu thanh đang ngày càng được mở rộng của nước Nga, là “không thể đánh bại”.

Thiết bị phóng siêu thanh Avangard được thiết kế gắn vào phía đầu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Theo một báo cáo của tình báo Mỹ, thiết bị này sẽ đi kèm với tên lửa đạn đạo SS-19 do Nga sản xuất.

Trong khi hiện không rõ liệu Avangard sẽ được trang bị chất nổ hay không, nhưng xét về độ chính xác và tốc độ, thì vũ khí này có đủ sức mạnh để tiêu diệt mọi mục tiêu.

“Những thiết bị phóng như vậy tấn công vào khoảng trống trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ”, Thomas Karako, Giám đốc của Dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.

“Chưa có lúc nào nhiệm vụ cải tiến năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ lại cần thiết như hiện tại,” ông Karako nói, đồng thời tỏ ra tiếc nuối vì Mỹ đã để Nga vượt qua xa như vậy.

Theo kế hoạch, Nga sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm thứ tư vào mùa hè năm nay.

Nguồn tin của CNBC đánh giá, tên lửa siêu thanh của Nga có thể đánh bại ngay cả hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nhất. Rất khó để có thể theo dõi được hành trình của nó nhờ vào khả năng thay đổi vị trí dễ dàng.

Các báo cáo tình báo công bố đầu năm nay dự đoán, tên lửa siêu thanh của Nga gần như chắc chắn sẽ đạt được năng lực vận hành ban đầu vào năm 2020. Đây là một bước quan trọng cho phép Điện Kremlin vượt qua Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Tổng thống Putin đánh cược tất cả vào vũ khí siêu thanh

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hồi tháng Ba, ông Putin đã sử dụng những lời lẽ hoa mỹ nhất để nói về kho vũ khí siêu thanh của Nga.

Tổng thống Nga tuyên bố, tên lửa Avangard có khả năng tiếp cận mục tiêu ở tốc độ nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh và tấn công “như một quả cầu lửa”. Ông cũng cho biết, vũ khí siêu thanh của Nga đã bắt đầu đi vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.

“Tôi muốn nói với tất cả những người đang châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang trong 15 năm qua, nhằm tìm cách đơn phương chiến thắng những lợi thế của Nga và áp dụng những lệnh trừng phạt bất hợp hợp pháp để kìm hãm sự phát triển của đất nước chúng ta rằng: Các anh đã thất bại trong việc kiềm chế Nga”, ông Putin nói.

Không chỉ dừng lại ở lời nói, người đứng đầu Điện Kremlin còn cho trình chiếu những đoạn video về các loại vũ khí chiến lược mới của Nga, cũng như một cuộc tấn công giả tưởng vào nước Mỹ.

Ông Putin tuyên bố vũ khí siêu thanh của Nga "không thể bị đánh bại"

Nước Mỹ lo lắng về vũ khí siêu thanh của Nga

Hồi tháng Ba, một quan chức cấp cao hàng đầu của quân đội Mỹ đã cảnh báo, Mỹ hiện không thể chống lại được vũ khí siêu thanh.

“Chúng ta không có bất kỳ hệ thống phòng thủ nào có thể đối phó với một vũ khí như vậy được triển khai chống lại chúng ta,” Tướng John Hyten, Chỉ huy Bộ tư lệnh chiến thuật Mỹ phát biểu trước Uỷ ban Vũ trang Thượng viện Mỹ. “Cả Nga và Trung Quốc đang không ngừng theo đuổi năng lực siêu thanh… và nước Mỹ đã chứng kiến các nước này thử nghiệm khả năng của họ”.

Từng gọi Nga là “nguy cơ lớn nhất” của Mỹ, ông Hyten nhấn mạnh Mỹ cần phải bổ sung thêm một loại vũ khí hạt nhân cho kho vũ khí của mình.

Trong khi đề xuất ngân sách quốc phòng mới nhất lên tới 686 tỷ USD của Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh vào một kế hoạch để ngăn chặn các nguy cơ từ Nga và Trung Quốc, rõ ràng, Mỹ đang thiếu những biện pháp cần thiết để đối phó với vũ khí siêu thanh.

Được Tổng thống Donald Trump ca ngợi là “một vấn đề của an ninh quốc gia”, đề xuất ngân sách trên bao gồm những chi tiêu lớn dành cho phòng thủ, trong đó có cả hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tuy nhiên, ngay cả khoản tiền 11,5 tỷ USD dành cho Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, dường như cũng chưa đủ để hiện đại hoá hoàn toàn các hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này.

Ông Karako nhận định, ngân sách là một bước đi đúng đắn; tuy nhiên, Mỹ cần phải quan tâm đến các hệ thống trên không, và tích hợp chúng với các nền tảng trên mặt đất và trên biển – mới có thể chống chọi hiệu quả nhất trước các mối đe doạ tên lửa.

Theo ông, các mối đe doạ tên lửa đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, và nó sẽ đặt quân đội Mỹ vào tình thế đối diện với các nguy cơ cao.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ